Vì dịch Covid-19, tình hình học trực tuyến gặp khá nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức nhiều hình thức học trực tuyến để việc dạy học đạt kết quả tốt.
Nhiều phương án học trực tuyến được triển khai để đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh
Chiều tối nay (6/9), tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trước khi vào năm học, lãnh đạo Bộ cùng các địa phương, cơ sở giáo dục bàn kỹ các vấn đề trọng tâm trong năm học này, làm thế nào để giữ vững chất lượng trong điều kiện dịch bệnh.
Đồng thời phải làm sao linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công nghệ, công cụ tổ chức dạy học thích ứng điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Theo ông Sơn, Bộ đã tổ chức các hội nghị tổng kết năm học cho từng bậc học, sau đó, có Chỉ thị của Bộ trưởng hướng dẫn nhiệm vụ cho từng cấp học.
Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Thủ tướng có Chỉ thị 24 đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ giải pháp dạy học bảo đảm an toàn, bảo đảm chương trình, mục tiêu chất lượng đào tạo ứng phó với Covid.
Ngoài ra, Bộ cũng chuẩn bị và hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục để nhiều biện pháp thực hiện dạy và học, có kế hoạch đẩy mạnh việc này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, việc dạy và học trong thời gian các địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly phải khai thác các phương tiện khác nhau, trong đó có tận dụng học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy từ xa, theo phương châm là dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức dạy tốt, tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, nơi nào có điều kiện học trực tiếp thì nhà trường tổ chức học trực tiếp, nơi không có điều kiện thì học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
“Hiện nay, học trực tuyến có nhiều khó khăn, đặc biệt khi tổ chức các lớp học ảo mà có tương tác thời gian thực giữa giáo viên và học sinh, giảng viên với sinh viên.
Ưu điểm là tương tác trực tiếp, nhược điểm là tổ chức khó khăn, thiếu thiết bị và dung lượng đường truyền lớn.
Với 20 triệu học sinh, sinh viên, nếu chỉ 10% tham gia học cùng lúc, thì 2 triệu tương tác với thầy cô qua mạng thì đường truyền khó đảm bảo được”, ông Sơn nói.
Phương án 2 là Bộ hướng dẫn tận dụng các bài giảng điện tử, bài giảng này có thể tải trên mạng, Bộ đã chuẩn bị kho học liệu lớn trên cổng thông tin điện tử, kết nối trên Youtube… Lớp 1 có video bài học cho môn tiếng Việt, tiếng Anh khá đầy đủ. Những video này cũng được phát trên truyền hình.
Với những học liệu đó, những nơi không có điều kiện thì thầy cô gửi cho học sinh qua email, zalo, video để học tại nhà.
Những bài học, chương trình được phát đi phát lại trên truyền hình, đài truyền hình địa phương có thể tải về để phát. Nơi không có điều kiện nữa thì Bộ hướng dẫn các nhà trường hướng dẫn các em học từ xa. Tranh thủ thời gian dịch bệnh để các em được hỗ trợ học tập tốt nhất. Khi tình hình dịch giảm bớt, khi có điều kiện ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh, sinh viên, giáo viên để có thể đến lớp.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong điều kiện hiện nay, không chỉ một mình ngành giáo dục thực hiện tốt được mà cần sự chung tay của toàn xã hội, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong hỗ trợ học sinh, sinh viên, hỗ trợ đường truyền, hướng dẫn phụ huynh cùng hỗ trợ học sinh.
"Dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Trong thời chiến làm được thì thời này cũng có thể làm được”, ông Sơn nói.
Ông bày tỏ thêm, dịch bệnh có thể kéo dài, những địa phương có điều kiện thì cố gắng tổ chức dạy học, nơi nào có điều kiện nhưng một thời gian sau có thể có dịch thì lại phải chờ, vì vậy cố gắng tận dụng những gì đang có để tổ chức dạy học thật tốt.
> Xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên
> NH 2021-2022: Cố gắng điều chỉnh nội dung dạy học đơn giản nhất có thể
Theo Vietnamnet