Tin tức: TUYỂN SINH | THÔNG TIN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | TỈ LỆ CHỌI

Choáng váng nhất vẫn là người học!

Việc Bộ GD&ĐT đưa ra Quy định mới về đào tạo liên thông và Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 7-2-2013 tới đây đã gây “sốc” đối với nhiều người đang theo học các hệ trung cấp (TC) và cao đẳng (CĐ).

Mặc dù, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học đã lý giải về những thay đổi quan trọng trong quy định mới này để đảm bảo đúng luật, đúng quy định, trả cho người học đúng giá trị của họ thì người học vẫn thấy “choáng” trước con đường học lên ĐH thời gian tới.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì từ năm 2010 đến nay, đào tạo liên thông phát triển quá “nóng”. Theo khảo sát ở nhiều đơn vị cho thấy hình thức liên thông đã bị biến tướng.

Quy định mới của Bộ gây choáng váng cho người học ở hai điểm.

Thứ nhất là về vấn đề thi đầu vào.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu người tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm.

Quy định này khiến nhiều người đặt ra một loạt câu hỏi: Như vậy, nếu chưa đủ thời gian tốt nghiệp 3 năm, người học sẽ phải ôn lại kiến thức, thi đầu vào như một kỳ thi ĐH, vậy kiến thức 3 năm học CĐ coi như không cần tới? Còn nếu sau khi ra trường đã đủ 36 tháng trở lên, liệu người học có còn nhớ kiến thức chuyên ngành đã học để dự thi?

Thứ hai, người học hoang mang về chuyện "cá mè 1 lứa"

Quy định liên thông mới không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông, không quy định về xác nhận thời gian công tác, không quy định về xếp loại học lực… khiến nhiều người học hoang mang về chuyện sẽ “cá mè một lứa”, không khuyến khích người học TC, CĐ phấn đấu đạt bằng giỏi, hay khá để đủ điều kiện dự thi liên thông.

Mặc dù lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học đã lý giải, việc phải tham gia một kỳ thi đầu vào là cần thiết đối với bất cứ một hình thức đào tạo nào, không chỉ riêng liên thông. Người học sẽ tham gia các lớp ôn tập để thi, học xong muốn đi học liên thông ĐH ngay thì các bạn phải thi theo các học sinh phổ thông như vậy để tạo sự công bằng, bình đẳng với người khác. Đối với người học ra trường đủ 36 tháng trở lên, quá trình công tác sẽ làm họ tích lũy được kinh nghiệm, việc dự thi các môn chuyên môn, nghiệp vụ không phải là điều quá khó khăn. Còn Quy chế không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông, không quy định về xác nhận thời gian công tác, không quy định về xếp loại học lực… Thực chất là quy định có tính chất mở cho người học.

Tuy nhiên, những giải thích này vẫn chưa làm người học thấy hết hoang mang, bởi với họ, việc thi đầu vào xem như trở ngại lớn nhất. Nhiều sinh viên xem đây là việc chấm dứt cơ hội học lên ĐH.

Hiện vẫn còn hai luồng ý kiến xung quanh quy định mới này của Bộ, một cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý, ý kiến khác đồng lòng vì đã đến lúc cần chấn chỉnh khi liên thông và chất lượng của hình thức đào tạo này không được nhiều nhà tuyển dụng công nhận. Giữa những luồng ý kiến trái chiều, người học vẫn là người chưa hết choáng váng.

Tư vấn tuyển Sinh - Thông tin tuyển sinh - tuyển sinh đại học - diem thi dai hoc

Theo Tuổi trẻ