Loạn" trường cao đẳng, trung cấp ở Bạc Liêu

Là một tỉnh nhỏ, còn nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), ngoài Trường đại học Bạc Liêu được đầu tư xây dựng khá tốn kém, tỉnh Bạc Liêu còn thành lập và xây dựng nhiều trường cao đẳng, trung cấp... Tuy nhiên, hiện nay ở Bạc Liêu phát sinh tình trạng  không ít trường dạy nghề, giáo viên nhiều hơn học viên, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.

 

dai hoc bac lieu, truong dai hoc bac lieu, tuyen sinh, lang phi, sai pham, nhan dan

 

Trường đại học Bạc Liêu

 

Mấy tháng qua, không ít cán bộ, nhân dân ở Bạc Liêu bức xúc trước việc "trường trăm tỷ" giáo viên nhiều hơn... học viên, nhiều phòng học, trang thiết bị bỏ hoang phí. Ðể tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã trực tiếp đến Trường trung cấp nghề Bạc Liêu (thuộc Sở LÐTB và XH quản lý). Trường được chính thức xây dựng năm 2011, tại xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) trên khuôn viên rộng 7,2 ha. Do không có học viên để giảng dạy cho nên nhiều nhà xưởng, trong đó có các phòng lý thuyết và thực hành... cửa đóng then cài. Các trang thiết bị, máy móc phục vụ thực hành điện công nghiệp, may thời trang... xuống cấp, thiết bị không sử dụng lâu ngày phủ đầy bụi. Trước khuôn viên nhà xưởng cỏ mọc um tùm. Những ai tìm hiểu kỹ không khỏi "đau xót" trước thực trạng địa phương còn nghèo, ngân sách mỗi năm thu về chưa được 800 tỷ đồng, vậy mà tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng ngôi trường này rồi... bỏ không. Ngoài ra, gần 30 cán bộ, giáo viên của trường hằng ngày chỉ "ngồi chơi xơi nước" tới tháng lĩnh lương, vì không có học viên theo học (!).

Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với đồng chí Ðặng Tiến Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LÐTB và XH Bạc Liêu. Ðồng chí Út giải thích: "Trường trung cấp nghề được đầu tư tổng số vốn hơn 81 tỷ đồng, từ nguồn vốn của địa phương và Trung ương (có dư luận nêu 105 tỷ đồng là không đúng). Trường mới xây dựng hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2012. Hiện nay, trường đang tiếp tục đầu tư xây dựng theo kế hoạch. Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua trường chỉ mới tuyển được 25 học viên. Chúng tôi đang kiểm tra, xem xét tìm biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư xây dựng Trường trung cấp nghề Bạc Liêu...".

Tuyển nhưng không ai muốn học

Theo một số cán bộ, giáo viên Trường trung cấp nghề Bạc Liêu, việc tuyển sinh hiện rất khó khăn. Mặc dù trường đã dùng đủ hình thức như thông tin trên báo, đài, phát tờ rơi ở các bến xe, bến phà hoặc xuống tận các xã vùng sâu, vùng xa..., đồng thời kết hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn tại các sàn giao dịch việc làm; thậm chí gọi điện thoại trực tiếp cho các học sinh trượt tốt nghiệp THPT, tư vấn cho các em đến đăng ký, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Nhiều học sinh, kể cả phụ huynh còn không muốn cho con em họ vào học Trường đại học Bạc Liêu, bởi thực tế mấy năm qua rất nhiều em tốt nghiệp ra trường, đi xin việc làm rất khó. Sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Bạc Liêu còn như vậy, học viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp ở Bạc Liêu khi đi xin việc làm lại càng khó khăn, nan giải hơn...

Không chỉ Trường trung cấp nghề Bạc Liêu, hiện nay ở Bạc Liêu có một số trường như Trường trung cấp Văn hóa Bạc Liêu, Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu... cũng đang trong tình trạng "sống dở, chết dở". Lãnh đạo Trường trung cấp Văn hóa Bạc Liêu cho biết, năm học qua mặc dù trường tìm đủ "chiêu" nhưng cũng chỉ tuyển được vài chục học viên, trong đó nhiều lớp chỉ tuyển được hai học viên. Ðầu năm học 2012-2013, Ban Giám hiệu Trường trung cấp Văn hóa Bạc Liêu đã gửi thông báo tuyển sinh đến tất cả các trường THCS trong tỉnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến tận các địa phương... nhưng vẫn không "kéo" được học viên vào học. Nhằm duy trì hoạt động giảng dạy, nhà trường tìm mọi cách mở các lớp đào tạo ngắn hạn như đờn ca tài tử, nhạc, kỹ thuật cắm hoa, tiếp tân... nhưng vẫn rất khó khăn...

Mặt khác, ở Bạc Liêu hiện nay còn có Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu (trước là trường trung cấp nghề, mới được "nâng cấp" lên Cao đẳng nghề (do Sở LÐTB và XH Bạc Liêu quản lý), thời gian qua được tỉnh đầu tư khá khang trang. Tuy nhiên, trường này tuyển được rất ít học viên. Không ít người ở trường này thừa nhận rằng, tình trạng cán bộ, giáo viên "ngồi chơi xơi nước" là chính, vì không có học viên để dạy... Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu Trần Văn Chiêu thừa nhận: Trường hiện có tổng số 53 cán bộ, giáo viên. Mặc dù thời gian qua, trường đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, quảng bá, "tiếp thị" nhằm "lôi kéo" học viên, nhưng hiện cũng chỉ có gần 300 học viên đang theo học chủ yếu các nghề như điện lạnh, điện tử, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô. Các lĩnh vực dạy nghề khác như cơ khí, điện máy... từ nhiều năm nay "vắng bóng" học viên...

Bức xúc về tình trạng nêu trên, nhiều cán bộ, nhân dân trong tỉnh đặt câu hỏi: Bạc Liêu hiện vẫn còn nghèo khó, đáng lưu ý là trong khi Trường đại học Bạc Liêu, các trường cao đẳng, trung cấp, nhất là trường Cao đẳng nghề của tỉnh đang thừa thầy, thiếu học viên, không hiểu vì sao tỉnh lại tiếp tục lập thêm một trường Trung cấp nghề tốn kém lên đến gần 100 tỷ đồng rồi... để hoang (?).

Ðề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm xem xét, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân về vấn đề nêu trên; đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời; không để tình trạng lãng phí kéo dài, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Báo Nhân Dân