Tin liên quan:

>> Các trường bắt đầu xét tuyển nguyện vọng 2

>> Điểm chuẩn đại học 2012

>> Cách tính điểm ưu tiên, xét điểm nguyện vọng 2

Nghịch lý

Đến thời điểm này đã có gần 300 trường ĐH-CĐ công bố điểm thi. Vấn đề nổi bật là năm nay điểm thi có sự phân hóa rất rõ rệt. Nếu như các trường ĐH tốp trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội… có điểm thi khá cao, dự kiến điểm chuẩn tăng thì rất nhiều trường ĐH tốp giữa, ĐH tốp dưới và trường ngoài công lập có kết quả thi thấp, đứng trước nguy cơ thiếu chỉ tiêu, phải xét tuyển các nguyện vọng 2, 3.

Đơn cử ĐH Y Dược TPHCM tạo cơn sốt về điểm số (xuất hiện của thủ khoa đầu tiên đạt 3 điểm 10 - em Nguyễn Kim Phượng. Á khoa đạt 29,5 điểm và 16 em đạt 29 điểm - vượt trội tổng số thí sinh ở mức điểm này của tổng các trường cộng lại), hứa hẹn điểm chuẩn tăng cao so với năm 2011 khoảng từ 0,5 - 2,5 điểm. Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết điểm chuẩn chỉ tương đương năm 2011 và sẽ phải vất vả xét tuyển nhiều đợt mới mong đủ chỉ tiêu.

Nghịch lý điểm chuẩn tại các trường đại học, Điểm sàn đại học 2012, điểm thi đại học, điểm chuẩn, điểm chuẩn 2012

Đơn cử là ĐH Huế, phân hiệu ở Quảng Trị. Trường có 200 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh đạt 13 điểm trở lên là 9 em, như vậy nguyện vọng bổ sung của trường sẽ lên tới 191 em. Hay Trường ĐH Đại Nam được giao tới 1.600 chỉ tiêu nhưng cả trường chỉ có 119 em được 13 điểm trở lên. Trường ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội được giao 1.500 chỉ tiêu hệ ĐH, nhưng toàn trường chỉ có 279 thí sinh từ 14 điểm trở lên. Hàng loạt các trường ĐH vùng khác như ĐH Thái Nguyên, ĐH Hải Phòng... cũng có điểm thi ở mức thấp.

Dù ngày 8-8 Bộ GD-ĐT mới công bố điểm sàn, nhưng hiện nay rất nhiều trường ĐH tốp dưới, ĐH địa phương, ĐH ngoài công lập đã nhấp nhổm không yên lo cho một kỳ tuyển sinh chật vật. Bởi lẽ, với mặt bằng điểm thi năm nay và quan điểm điểm sàn không thể quá thấp, nhiều dự đoán cho thấy điểm sàn 2012 cũng không thể thấp hơn năm 2011 - vì đó đã là ngưỡng cuối cùng để tuyển thí sinh vào học ĐH-CĐ. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên điểm sàn ít nhất bằng mức năm 2011, nhiều trường ĐH tốp dưới sợ một cuộc chạy đua giành giật thí sinh lại căng thẳng diễn ra, dù năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường kéo dài thời gian xét tuyển nhằm bảo đảm tuyển đủ.

Tại sao việc tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ đang có độ chênh quá lớn, “người ăn chẳng hết, kẻ lần chẳng ra”. Một số ngành dự kiến điểm chuẩn tới 25 - 26 điểm, trong khi hàng loạt ngành lấy bằng điểm sàn mà vẫn không có người học? Đây là câu chuyện muôn thuở của vấn đề chất lượng đào tạo và nhu cầu thực của người học. Hiện nay, nhu cầu học ĐH-CĐ đã cao gấp 3 lần khả năng đáp ứng của các trường với khoảng 2 triệu lượt thí sinh dự thi trong 3 đợt thi ĐH-CĐ mỗi năm, trong khi chỉ tiêu vào ĐH-CĐ chỉ khoảng 550.000. Vì nhu cầu học tăng cao, nên dù số lượng ĐH-CĐ tăng nhanh trong những năm qua vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người học.

Thế nên, bên cạnh lo ngại của xã hội về việc các trường ĐH-CĐ được thành lập ồ ạt với chất lượng chưa bảo đảm thì vì để đáp ứng nhu cầu theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong 10 năm tới cả nước vẫn sẽ tiếp tục thành lập thêm nhiều trường ĐH-CĐ. Dự kiến vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường ĐH và 314 trường CĐ; trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường ĐH và 88 trường CĐ).

Mới đây, khi nghe tin Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thành lập thêm 6 trường ĐH tại ĐBSCL, trong đó có 2 trường công lập, 4 trường ĐH tư thục, không ít người tỏ vẻ lo lắng vì chất lượng giáo dục ĐH của vùng này vẫn chưa làm xã hội yên tâm.

Trong khi đang diễn ra câu chuyện nghịch lý trong tuyển sinh thì việc thành lập thêm nhiều trường ĐH-CĐ trong thời gian tới khiến nhiều người lo ngại. Lo ngại này là có cơ sở, bởi lẽ trong số gần 400 trường ĐH-CĐ hiện nay, rất nhiều trường đang tồn tại theo kiểu “tận thu”. Nghĩa là mỗi mùa tuyển sinh, họ sẵn sàng hút hết số thí sinh có điểm bằng điểm sàn. Chất lượng đào tạo của những trường này thế nào thì xã hội cũng không lấy làm lạ.

Có người đã gọi những trường ĐH dạng này là “trường cấp 4”. Hệ quả, một bộ phận sinh viên mang tiếng tốt nghiệp ĐH-CĐ nhưng ra trường không làm được việc, doanh nghiệp phải mất công đào tạo lại, rất lãng phí.

Không ít người cho rằng cần tạm dừng thành lập các trường ĐH và tập trung củng cố hệ thống đã có nhằm bảo đảm chất lượng. Đây rõ ràng là điều mà ngành giáo dục cần lắng nghe. Nếu cứ tiếp tục mở thêm nhiều trường ĐH-CĐ, nếu cứ kéo dài tình trạng các trường tuyển sinh kiểu “tận thu”, cho ra đời các thế hệ sinh viên yếu thực hành, kém kỹ năng chỉ khiến chất lượng nguồn nhân lực đi xuống và tổn thất xã hội tăng lên.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: SGGP)