Ông chia sẻ: "Dư luận đang nói về chất lượng đầu vào các trường sư phạm. Tôi xin đóng góp chút ý nhỏ về giáo viên, về những chính sách dành cho giáo viên mà tôi biết, tôi nghe thấy. Mong rằng trong những đổi thay sắp tới, những người có trách nhiệm sẽ đem lại cho ngành sư phạm, cho giáo viên những điều tốt đẹp hơn".

Ông cho biết: "Thuở đi học, chúng tôi luôn được nghe các vị giáo sư nhắc nhở "làm giáo dục mà sai lầm là làm hỏng cả một thế hệ". Các thầy luôn căn dặn rằng chất lượng giáo dục chính là chất lượng người thầy.

Khi đi nghiên cứu, học tập nước ngoài, nếu có dịp và có điều kiện thuận lợi, tôi luôn tìm hiểu về chính sách và chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên.

Thời gian cũng đã xa, có thể có nhiều thay đổi nhưng tôi luôn băn khoăn trăn trở và mong ước người thầy nước mình, giáo dục nước Việt Nam sẽ thay đổi nhiều hơn để tiến bước đi lên.

Thái Lan: lương tăng mỗi năm, dạy xa được hỗ trợ mua xe hơi

Tôi đến Thái Lan nhiều lần như đưa học sinh tiểu học thi Toán quốc tế, xem liên hoan biểu diễn trống trên sân vận động dành cho học sinh toàn quốc, thăm các cơ sở giáo dục phổ thông ở thủ đô Bangkok... nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là đến cao nguyên Chiang Mai và các tỉnh lân cận của dự án Quyền trẻ em trong các trường tiểu học.

Ở đây, các ngôi trường tiểu học không to lớn hoành tráng, chỉ mang dáng dấp ngôi trường làng. Nhưng trường nào cũng có hàng cây, có sân vận động và đậc biệt có nhà để xe hơi, nhiều chiếc xếp hàng bên nhau.

Đến một trường gần biên giới, chúng tôi thấy trường không có điện, các dãy phòng học mái tôn, nhưng hiệu trưởng được cấp xe bảy chỗ hai cầu để hàng tuần vượt qua con đường nhiều đèo dốc đến với thầy cô và học sinh.

Những điều có vẻ trái ngược này, tôi hỏi một thầy hiệu trưởng và thầy cho biết về chính sách nhà nước dành cho giáo viên ra trường: nếu tình nguyện dạy ở vùng xa đô thị với khoảng cách km theo qui định thì được mua một chiếc xe hơi trả chậm, miễn thuế.

Về lương bổng, hàng năm đều tự động tăng. Thí dụ như Việt Nam ba năm tăng 1 bậc là 300.000đ, thì họ mỗi năm tăng 100.000đ.

Tôi gặp giáo viên hỏi thăm gia đình có gần trường không? Cô cho biết nhà cô cách trường gần 100 km.

Nghề giáo tại các nước nhận được  những ưu đãi gì? - Ảnh 1

Singapore: đang học đã có lương, đi nước ngoài 2 lần/năm

Đất nước Singapore nhỏ bé, giàu có, con người kỷ luật và năng động. Tôi nghĩ những người chọn làm giáo viên tiểu học chắc là chuột chạy cùng sào mới chịu nhào vô đây. Nhưng thực tế không phải.

Nhờ duyên may, và cũng nhờ có cô chuyên viên của Phòng Giáo dục Tiểu học Nguyễn Hồ Thụy Anh, chúng tôi kết nối được với Học viện giáo dục (nơi đào tạo giáo viên) và sau này có chương trình học Bảy bài học quản lý của Giáo dục Singapore của Bộ GD-ĐT mà tôi đưa được 4 đoàn gồm cán bộ quản lý và giáo viên dạy Tiếng Anh sang đây học tập.

Chúng tôi đến thăm rất nhiều trường từ sáng sớm, ở lại trường cả ngày, dự giờ thăm lớp rất tự nhiên. Các trường đón tiếp rất chân tình, trao đổi, hỏi han cởi mở.

Chúng tôi cũng đến thăm Học viện giáo dục và đặc biệt đến thăm Bộ Giáo dục Singapore, được bộ dành cho một buổi chiều để giới thiệu, thuyết trình về chương trình giáo dục tiểu học.

Khi hỏi về đào tạo giáo viên và chính sách thu hút người giỏi vào ngành, chúng tôi được biết có thời kỳ giáo dục Singapore không thu hút được người giỏi. Chính phủ và Bộ đã có nhiều chính sách để người tài, người có tâm và khả năng sư phạm yên tâm đến với học sinh tiểu học.

Chẳng hạn như các sinh viên học năm thứ ba nếu tiếp tục học sẽ có lương (thay vì học bổng). Tức là khi đang học, theo con đường mình đã chọn thì các bạn đã được coi là người của ngành giáo dục.

Trong năm năm một chu kỳ, nhà trường tổ chức cho giáo viên đi nước ngoài hai lần. Đến với quốc gia còn nghèo, còn khó khăn để chia sẻ và cũng để thấy mình rất hạnh phúc hơn nhiều người. Đến với các nền giáo dục phát triển để học tập, trau dồi và cũng để thấy mình còn nhiều điều cần điều chỉnh. Đi để trải nghiệm thực tế đồng thời cũng là du lịch.

Đối với các trường, tổ chức việc giảng dạy, soạn bài chấm điểm thật khoa học. Khi ra khỏi cổng trường họ tự do, thoải mái lo cho gia đình, hoặc thư giãn, dạo chơi với bạn bè.

Trong từng ngôi trường, chúng tôi thấy mỗi giáo viên có một bàn làm việc, có kệ sách, có máy vi tính để soạn giảng, vào điểm, báo cáo, liên lạc phụ huynh... Họ còn có phòng thư giãn khi mệt mỏi và bực dọc... Phòng thư giãn có máy nghe nhạc, có ghế tựa, có trà và cafe... thật đầy đủ và chu đáo.

Úc: không sách giáo khoa, hiệu trưởng dở thay lập tức 


Chúng tôi đến Úc theo Dự án Phát triển giáo viên tiểu học. Đoàn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai làm trưởng đoàn và các trưởng phòng giáo dục tiểu học. Chúng tôi đến thăm các trường tiểu học và Bộ Giáo dục. Chúng tôi được giới thiệu đất nước, con người và đặc biệt về giáo dục tiểu học của đảo quốc này.

Mỗi ngôi trường tiểu học có Hội đồng giáo dục gồm phụ huynh, nhân sĩ... Khi cần tuyển hiệu trưởng, Hội đồng ra thông báo và người ứng cử phải có kế hoạch quản lý, kế hoạch giáo dục học sinh. Các ứng cử viên phải tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm của nhà trường và soạn ra kế hoạch để thuyết trình trước Hội đồng.

Làm hiệu trưởng là một nghề phải thông thạo Luật về giáo dục, về tình hình địa phương và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Nếu được Hội đồng chọn, hiệu trưởng được chuyển ngân sách của nhà trường để hoạt động.

Ngân sách nhà trường được chính phủ công bố công khai. Mọi người đều biết con em mình được hưởng gì về giáo dục. Hiệu trưởng tuyển giáo viên và ký kết hợp đồng giảng dạy, lương bổng theo luật và nguyên tắc của nhà trường.

Giáo viên cũng là nghề nghiệp được tổ chức công đoàn mà họ tham gia bảo vệ. Giáo viên cũng phải tuân thủ những điều đã ký cam kết với hiệu trưởng về giảng dạy và kết quả học tập của học sinh...

Đánh giá kết quả giáo dục của nhà trường là kỳ kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục là tổ chức độc lập do Bộ ký hợp đồng.

Kỳ kiểm định các hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh do tổ chức này thực hiện và kết quả này được gởi về cho Hội đồng giáo dục. Căn cứ vào kết quả, Hội đồng sẽ thưởng, phạt hoặc thôi hợp đồng với hiệu trưởng.

Cũng theo kết quả kiểm định, hiệu trưởng sẽ có chế độ thưởng phạt hoặc thôi việc với giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ. Học sinh không bị ảnh hưởng bởi kết quả kiểm định này.

Ở Úc không có sách giáo khoa, nhà trường biên soạn tài liệu giảng dạy theo chương trình được chính phủ ban hành.

Tôi mong ước chính phủ và Bộ GD-ĐT có chính sách và chế độ thích hợp cho người giáo viên để có nhiều tài năng, tâm huyết vào trường sư phạm , giáo dục Việt Nam tiến lên ngang tầm các nước tiên tiến và luôn là niềm tin cho xã hội cho mọi gia đình".

Theo báo Tuổi Trẻ.