Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Trăn trở của nhà giáo trước đổi mới giáo dụcCô trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) mừng ngày Nhà giáo VN - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đó là những vấn đề như vị trí của nhà giáo, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, trao quyền chủ động cho giáo viên…

Lo lớp trẻ quay lưng với nghề giáo

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm tiến bộ so với chương trình hiện hành, tiếp cận được với các nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, chương trình hay, sách giáo khoa tốt chưa đủ mà quan trọng là phải có giáo viên truyền tải được những cái hay, cái tốt ấy đến với học trò. Vì vậy, đổi mới giáo dục phổ thông là phải đổi mới đồng bộ, trong đó có vấn đề đội ngũ giáo viên. Tôi đã từng phát biểu nỗi lo canh cánh về hiện trạng giáo viên cũ chuyển ngành, thế hệ trẻ thì quay lưng lại với nghề giáo. Một xã hội mà không ai muốn làm thầy thì sẽ đi đến đâu? Mức lương hiện nay không đủ sống, giáo viên phải tìm cách để kiếm thêm thu nhập, trong đó có việc dạy thêm học thêm. Nhiều gia đình phải đóng tiền học thêm cao gấp mấy lần so với học phí, nhưng nhìn tổng thể thì lương giáo viên vẫn không đủ sống. Tuy nhiên, muốn phát triển giáo dục mà chỉ ngân sách nhà nước cáng đáng thì sẽ không biết bao giờ mới giải quyết được vấn đề này. Nếu việc xã hội hóa giáo dục, huy động sự đóng góp của người dân cho giáo dục được làm một cách minh bạch và phù hợp sẽ giải quyết được vấn đề này.
Bà Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Tăng quyền chủ động cho giáo viên

Trong công cuộc đổi mới này, người thầy đóng vai trò quyết định, người thầy tốt sẽ chủ động tìm ra chương trình phù hợp với học trò của mình. Tuy nhiên, cái giáo viên thiếu hiện nay là quyền và khả năng tự chủ chương trình, chưa được chủ động chọn nội dung dạy phù hợp với học sinh của mình, vẫn coi chương trình, sách giáo khoa là pháp lệnh.
Nếu có chính sách thu hút “đầu vào” sư phạm tốt thì chắc chắn việc đào tạo sẽ tốt hơn nhiều, còn không sẽ khó có thể đào tạo ra thầy giỏi. Bên cạnh đó, muốn thu hút được người giỏi thì cần nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội, vì thực tế hình mẫu của thầy cô giáo chưa được đối xử công bằng, được trọng vọng.
TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Lương chưa tương xứng với vị thế

Chức năng, vị thế của nhà giáo không bao giờ thay đổi. Không ai thay thế được chức năng ấy dù ở bất kỳ quốc gia nào. Vấn đề là vị thế nhà giáo được xác định theo tiêu chí nào. Đảng và Nhà nước nói là “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì giáo viên là vị trí hàng đầu trong cái quốc sách hàng đầu đó. Nhưng nếu lấy những tiêu chí khác về mặt quan hệ về lượng thì rõ ràng nhà giáo có vị thế thấp đi. Ví dụ lương của nhà giáo thấp. Khó khăn trong đời sống khiến nhà giáo khó khăn khi hành nghề.
GS Đinh Quang Báo (Thường trực đề án đổi mới giáo dục phổ thông)

Sư phạm đi trước, đừng chỉ là khẩu hiệu

Đổi mới giáo dục, người ta hay nhắc tới những cụm từ như “lấy học sinh làm trung tâm”, “tự học”... khiến cho vai trò của giáo viên dường như không còn quan trọng như trước đây. Nhưng ai là người tổ chức cho học sinh trở thành vai trò trung tâm, ai hướng dẫn cho việc tự học đó? Phải là người thầy chứ. Như vậy vai trò tổ chức của người thầy là hết sức quan trọng.
Đáng buồn, điều chúng ta vẫn thường nghe “sư phạm đi trước một bước” vẫn chỉ là khẩu hiệu mà ngành giáo dục chưa bao giờ thực hiện được. Giáo viên là người thực hành nghề chứ không phải tuyển chọn tài năng. Vì vậy, theo tôi giáo viên cần được đào tạo theo hai mức: Trước hết là thực hành bộ sách đã nghiên cứu kỹ cách dạy cho trẻ con. Mức thứ hai là giáo viên phải lý giải được bằng lý thuyết thật chắc chắn tại sao họ lại làm như thế.
Nhà giáo Phạm Toàn (nhóm Cánh Buồm)

Không muốn phải hy sinh nữa

Là một giáo viên xa nhà “cắm bản” dạy học cho học sinh vùng xa xôi hẻo lánh, khái niệm “dạy thêm”, “lạm thu” với chúng tôi hoàn toàn xa lạ. Còn khó khăn, gian khổ thì lại quá quen thuộc. Sau mỗi lần về xuôi thăm gia đình, tôi đều không quên mang theo ít thuốc thông thường, vài chục cuốn vở, cây bút... để cho học trò nghèo khi cần.
Gắn bó với nghề dạy học đã hơn 30 năm, tôi chỉ còn một năm nữa là nghỉ hưu và con tôi cũng đang học ngành sư phạm để tiếp nối nghề của mẹ,
mặc dù cháu nhìn thấy hết những khó khăn, thiếu thốn của nghề giáo. Điều đó khiến tôi không bi quan về nghề dạy học khi nhìn vào tương lai. Thế nhưng, tôi cũng không muốn sự hy sinh, chịu đựng và thiệt thòi của nghề giáo cứ tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ sau nữa. Là nhà giáo tôi mong nghề của mình ngày càng được tôn vinh, trọng đãi.
Cô Lê Thị Hằng (Trường tiểu học Đồng Lương, H.Lang Chánh, Thanh Hóa)

Cảm nhận của nhà giáo

Dạy học là nghiệp

Một buổi trưa, tôi bắt taxi về cơ quan. Tôi nói: “Cho mình về 280 An Dương Vương”.  Cậu lái xe hỏi: “Vâng. Chú về nhà?”. “Không. Cơ quan cháu à”, tôi đáp. Cậu lái xe hỏi tiếp: “Chỗ đó là cơ quan gì vậy?”. “Là Trường ĐH Sư phạm”, tôi trả lời. “Cái trường ấy vẫn còn cơ à?”. Thấy tôi ngơ ngác, cậu lái xe nói: “Thừa cả hơn 70.000 giáo viên thì còn đào tạo làm gì nữa. Dẹp đi cho người ta khỏi vào lầm!”. Tôi lại càng ngạc nhiên. “Cháu cũng có đứa em đang học cao đẳng sư phạm ở quê. Cháu định khuyên em nó nghỉ đi vì học làm gì? Học xong không có chỗ đâu mà dạy. Báo chí nói đầy cả ra, muốn xin làm giáo viên phải lo lót cả trăm triệu. Làm nông nghèo như nhà cháu, học xong cũng chỉ xung vào đội ngũ thất nghiệp thôi. Nhưng mà khổ, em cháu là con gái, chứ là con trai như cháu thì học lái xe 6 tháng là xong. Này chú, thế ra trường lương các em được bao nhiêu?”, cậu lái xe hỏi tiếp. Tôi trả lời: “Khoảng trên dưới 4 triệu đồng”. Gần bằng nửa thu nhập một tháng của cháu”, cậu nói.
Tư lự một lát, cậu hỏi như đưa đẩy: “Chú làm gì ở đó vậy?”. “Chú là giảng viên. Chú làm ở đó lâu rồi, gần bốn mươi năm”. Cậu  tiếp tục: “Sao chú lại làm nghề này?”. “Nghiệp cháu ạ. Thầy giáo mà chỉ nghĩ đến lương bổng thì không thể được gọi là thầy. Gọi là nghiệp vì họ sống vì tương lai học trò, vì tương lai đất nước”. Tôi nói vậy và tự hỏi không biết bao nhiêu người nghĩ như tôi.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Sợ tới trường vào ngày... 20.11!

Nhiều giáo viên nói rằng họ không muốn tới trường, sợ gặp phụ huynh trong ngày nhà giáo. Họ không muốn phải từ chối chiếc phong bì lạnh tanh từ một vài phụ huynh xem ngày này như ngày để trả nợ, thực hiện nghĩa vụ vì không muốn con mình bị “đối xử khác”.
Món quà phổ biến hiện nay phụ huynh gửi thầy cô là phong bì. Nhiều chiếc phong bì đưa ngay trước mặt thầy cô như một sự mua bán, đổi chác. Nhiều giáo viên vì ngại nên không nhận hoặc nhận một cách miễn cưỡng.
Có giáo viên buồn bã, thừa nhận tuy cuộc sống vất vả nhưng vào ngày hội của mình có lẽ họ sẽ vui hơn khi nhận được những tấm lòng, sự tri ân thật sự chứ không chỉ là những chiếc phong bì lạnh lùng.
Nhớ lại những ngày 20.11 khi còn ở trường tiểu học, mấy đứa trẻ con góp nhau vài bông hoa mào gà, vài quả cam giản dị nhưng tôi vẫn nhớ như in nụ cười của cô giáo ngày ấy. Nhận những bông hoa từ tay chúng tôi cô cười tươi lắm.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cách thể hiện sự tôn trọng với thầy cô mỗi thời một khác. Nhưng dù thể hiện bằng cách nào thì điều không thể thiếu là sự tôn trọng và xuất phát tự đáy lòng chứ không nên coi đó là việc nghĩa vụ.
Nguyễn Thị Ngọc (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Giảng viên trẻ sống chật vật

Đời sống của giảng viên trẻ mới ra trường thường rất khó khăn, khi mà thu nhập của họ gần như chỉ trông chờ vào lương cơ bản, trong khi họ không chỉ phải đảm bảo được cuộc sống hằng ngày mà còn phải tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Còn giảng viên có bằng tiến sĩ tuy không còn phải lo khoản tiền học nâng cao chuyên môn, nhưng vẫn phải sống rất chật vật trong khoảng 3 - 5 năm đầu.
Vì thế mà vẫn có hiện tượng các tiến sĩ trẻ vừa giảng dạy trong trường, vừa phải đi làm thêm ở bên ngoài để có tiền trang trải cuộc sống. Vậy nhưng đây lại là thời gian họ buộc phải tích lũy rất khẩn trương về mặt khoa học cũng như về mặt kinh nghiệm, phải tích cực tìm kiếm để được tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là lúc mà các tiến sĩ phải vật lộn với lựa chọn giảng dạy và nghiên cứu hay đi làm kinh tế.
PGS-TS Đinh Văn Hải (Viện Khoa học kỹ thuật và vật liệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/ngay-nha-giao-viet-nam-2011-tran-tro-cua-nha-giao-truoc-doi-moi-giao-duc-636384.html