>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015
Xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2: Trường và Sở đều vắng
Có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông trong đợt 1, nhưng trong ngày 26/8, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng chỉ có khoảng 30 thí sinh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ.
Thầy Phạm Thành Công – Phó trưởng phòng Đào tạo – cho biết: Trong 20 ngày xét tuyển vừa qua, đã có 7.492 thí sinh trúng tuyển vào trường, như vậy, không còn chỉ tiêu cho bậc ĐH. Do đó, đợt 2 này, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển CĐ với 1.717 chỉ tiêu.
Tương tự, tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, thí sinh đến trường nộp hồ sơ trong ngày 26/8 khá vắng vẻ. Hiệu trưởng Phan Quang Thế cho biết: Không chỉ đợt 2, ngay cả đợt 1, tình hình tuyển sinh của trường đều diễn ra đều đặn, suôn sẻ, không có ngày nào quá “nóng”.
Đợt 2 xét tuyển kéo dài từ ngày 26/8 đến 7/9/2015. Thí sinh có thể sử dụng tối đa 3 phiếu để đăng ký vào 3 trường khác nhau trong mỗi đợt xét tuyển.
Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đợt xét tuyển này còn khoảng 1.400 chỉ tiêu ĐH và 600 chỉ tiêu CĐ. Ghi nhận tình hình nộp hồ sơ tại trường cũng khá vắng vẻ trong ngày hôm nay.
Tại Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, trong ngày 26/8, chỉ có một vài thí sinh đến nộp hồ sơ vào trường theo phương thức xét tuyển bằng học bạ phổ thông, không có thí sinh nào đến xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
“Trong đợt 1, chúng tôi tuyển được gần 400 hồ sơ trên tổng số 750 chỉ tiêu. Trong đợt 2, chúng tôi sẽ xét tuyển thêm 500 chỉ tiêu nữa để bù vào số thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không đến nhập học. Tỷ lệ nhập học vào trường hàng năm giao động trong khoảng 60%” – Thông tin từ thầy Phạm Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng.
Thầy Dũng cũng nhận định: Các trường CĐ có lẽ sẽ vắng thí sinh đến xét tuyển trong đợt này, vì nhiều trường ĐH công lập vẫn còn chỉ tiêu, nên sẽ phải tiếp tục ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Không chỉ ở trường ĐH, tuyến các Sở GD&ĐT và trường THPT cũng khá vắng thí sinh.
Có nhiệm vụ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh toàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), Trường THPT Tháp Mười trong ngày hôm nay chỉ nhận được duy nhất một bộ hồ sơ.
“Vì đây là ngày đầu tiên nên vắng thí sinh, chắc chắn những ngày tới sẽ có nhiều em đến nộp hồ sơ hơn” – Thầy Nguyễn Văn Định, Hiệu trưởng, cho biết.
Tại Bến Tre, sáng nay, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc hướng dẫn đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường ĐH, CĐ.
Trong đó ghi rõ, các thí sinh có yêu cầu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung có thể làm đơn đăng ký, đến nộp trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi theo thời gian quy định của từng đợt xét tuyển.
Khi thu nhận đơn đăng ký nguyện vọng bổ sung, lưu ý rà soát lại mã vạch của phiếu điểm sử dụng và các thông tin đăng ký để đảm bảo tính chính xác, phối hợp với các trường THPT được Sở GD&ĐT giao tài khoản cập nhật lên phần mền quản lý trực tuyến để chuyển thông tin của thí sinh về các trường ĐH, CĐ trong từng buổi.
Người ký văn bản này, thầy Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT – cho biết: Văn bản này được Sở GD&ĐT ban hành sáng nay nên số thí sinh đến Sở GD&ĐT và trường THPT dù có nhưng chưa nhiều.
Không được rút hồ sơ: Thí sinh cần cân nhắc kỹ
Một trong những điểm khác của đợt xét tuyển này là thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường nào thì không được quyền thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ. Do đó, thí sinh trước khi nộp hồ sơ sẽ cần cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng.
Đưa ra lời khuyên đối với thí sinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – thầy Phạm Thành Công – cho rằng: Thí sinh cần phân biệt trường đã tuyển khá đủ chỉ tiêu ở đợt 1, nay chỉ còn thiếu chỉ tiêu ở một số ngành và trường hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu ở tất cả các ngành.
Với trường hợp đầu tiên, thí sinh nên chú ý ngưỡng điểm an toàn, cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 khoảng 2 điểm. Với trường hợp thứ hai, việc cân nhắc điểm sẽ thoải mái hơn vì điểm vào trường có thể không tăng nhiều so với nguyện vọng trước.
Cũng theo thầy Công, thí sinh không nên tìm mọi cách để đỗ vào một trường ĐH nào đó mà hãy lựa chọn ngành mình yêu thích, kể cả ngành đó ở một trường top dưới, thậm chí ở bậc CĐ.
“Nếu chọn ngành không đúng năng lực, sở trường, không phải ngành học mình yêu thích, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và cả năng suất lao động khi hành nghề” – Thầy Phạm Thành Công nhắn nhủ.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra ngưỡng điểm an toàn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đợt 2. Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh – khuyên thí sinh nên lượng sức mình để đăng ký vào trường và lưu ý:
Điểm nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Theo ông Hùng, thí sinh có điểm cao hơn điểm nguyện vọng 1 khoảng 2 điểm là khá an toàn.