Ngành mới Truyền thông đa phương tiện của PTIT tuyển 80 chỉ tiêu - Ảnh 1

Tính đến nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có 9 ngành đào tạo bậc đại học.

Quyết định giao cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện trình độ đại học vừa được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 9/4/2015.

Là ngành học mới được Học viện triển khai đào tạo từ năm học 2015 - 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành TT&TT và theo lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT, ngành Truyền thông đa phương tiện được thiết kế trên cơ sở tích hợp các kiến thức báo chí truyền thống và kiến thức công nghệ nhằm giúp cho người làm truyền thông hiện đại có thể làm chủ các công cụ tạo lập và truyền tải thông điệp truyền thông.

Cụ thể, với chương trình đào tạo trong 4,5 năm và được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường Đại học tiên tiến trên thế giới như ĐH FullSal, School of Mutilmedia Communications/Academy of Art University (Mỹ), ĐH Đa phương tiện Malaysia…, chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện về các nguyên tắc thiết kế và sáng tạo, cùng với các kỹ thuật và công cụ thiết kế để tạo ra các ứng dụng đa phương tiện tương tác trên hạ tầng hội tụ giữa viễn thông, CNTT, truyền hình, Internet và các kiến thức, kỹ năng cơ bản của phóng viên và biên tập viên.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ được tiếp cận phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả trong nhóm (đa ngành) đảm bảo sinh viên sau khi ra trường sẽ có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp sẽ đáp ứng được tại những môi trường làm việc hiện đại.

Nhận định về ngành học mới Truyền thông Đa phương tiện, đại diện lãnh đạo Học viện cho biết, việc liên kết ngang các khối kiến thức của các ngành khác nhau như công nghệ và kinh tế, công nghệ và truyền thông, công nghệ và nghệ thuật ... đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh thị trường lao động đang đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao hơn và khắt khe hơn.

“Với lợi thế là trường ĐH nghiên cứu trong ngành TT&TT, cùng với thành công và kinh nghiệm trong triển khai ngành đào tạo Công nghệ Đa phương tiện (từ năm 2012), việc Học viện mở ngành Truyền thông Đa phương tiện là phù hợp với năng lực và vai trò mới của Học viện. Trong thời gian tới, chung tôi sẽ xây dựng ngành Truyền thông Đa phương tiện trở thành một trong những ngành đào tạo thế mạnh của Học viện. Đồng thời, trường cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án mở thêm các ngành đào tạo mới phù hợp với vị thế là đơn vị đào tạo chủ lực của ngành TT&TT”, đại diện lãnh đạo Học viện chia sẻ.

Với việc được Bộ GD&ĐT giao đào tạo ngành mới Truyền thông Đa phương tiện, đến nay tổng số ngành đào tạo trình độ đại học của Học viện đã nâng lên 9 ngành, gồm: Kỹ thuật điện tử-truyền thông; Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; CNTT; An toàn thông tin; Công nghệ đa phương tiện; Quản trị kinh doanh; Marketing; Kế toán; và Truyền thông đa phương tiện. Riêng với ngành mới Truyền thông đa phương tiện, trong năm đầu tiên tuyển sinh, Học viện dự kiến tuyển sinh 80 chỉ tiêu, đào tạo tại cơ sở Hà Nội. Học viện sẽ tuyển sinh căn cứ theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, xét tuyển theo một trong ba tổ hợp môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hóa học; Toán, Vật lý, Tiếng Anh; Toán, Văn, Tiếng Anh.

Theo ITC News, tin gốc: http://ictnews.vn/cntt/nganh-moi-truyen-thong-da-phuong-tien-cua-ptit-tuyen-80-chi-tieu-125217.ict

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia, điểm thi đại học, xem điểm thi tốt nghiệp