Ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch hội Tin học Việt Nam cho biết, năm 2010, một khảo sát trên 11.000 học sinh phổ thông khu vực Hà Nội cho kết quả chỉ có 6,25% muốn theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT). Năm 2009 kết quả này là 8,76%.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, điểm chuẩn ngành CNTT của các trường ĐH đang giảm dần. Thậm chí một số trường đã dừng tuyển sinh ngành CNTT. Trường ĐH Hà Nội năm nay ngừng tuyển sinh ngành Khoa học máy tính dạy bằng tiếng Nhật vì hơn 30 thí sinh thi vào ngành này đều không đạt điểm sàn. ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã phải ngừng đào tạo ngành Thống kê - Tin học vì không có thí sinh trúng tuyển.


Ngành CNTT đang


Qua thống kê từ các trường trong top đầu và top giữa, chỉ có 2 trường có điểm chuẩn vào ngành CNTT và điện tử viễn thông tăng là ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội (tăng 1 điểm) và ĐH CNTT thuộc ĐHQG TP.HCM (tăng nửa điểm). Hai trường có điểm chuẩn bằng năm ngoái là ĐH Bách Khoa Hà Nội (21) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội (23). Còn lại hầu hết các trường đều giảm điểm chuẩn từ nửa điểm đến vài điểm, trong đó có cả các tên tuổi lớn trong mảng đào tạo CNTT như ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐHKHTN TP.HCM, ĐHKHTN Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông TP.HCM.


Ông Tùng đưa ra một ví dụ tại một trường ĐH ở Hải Phòng, khi có 900 thí sinh muốn theo học ngành tài chính ngân hàng thì chỉ có 10 thí sinh muốn theo học ngành CNTT.

Bất cập và giải pháp

Ngành CNTT được đánh giá là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và đem lại luồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên bài toán thu hút nguồn nhân lực cho ngành đang gặp phải nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay các thí sinh có nhiều lựa chọn ngành học hơn và đã xuất hiện một số ngành hấp dẫn thí sinh hơn như tài chính, ngân hàng. Trong hai năm gần đây, các ngân hàng, công ty tài chính và chứng khoán mở ra khắp nơi và liên tục tăng quy mô.
Cũng có ý kiến chỉ ra rằng sự "mất giá" của ngành CNTT có phần đáng kể từ sự nở rộ tràn lan của việc đào tạo CNTT ở các trường ĐH, CĐ, TCCN. Nhiều trường có chất lượng đầu ra rất kém, khiến các sinh viên tốt nghiệp khó xin việc làm dẫn đến ngành CNTT mất dần thương hiệu.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, chỉ khoảng 1/3 số trường ĐH, CĐ có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực của các doanh nghiệp, đơn vị còn rất hạn chế trong một vài năm trở lại đây.

Cùng quan điểm này, ông Lê Trường Tùng cho rằng hiện nay số lượng cán bộ quản lý, quản trị dự án vẫn rất thiếu. Trong đào tạo chưa có sự liên thông và các chính sách đặc thù. Mới chỉ có thống kê chỉ tiêu ngành mà chưa có con số chính xác về số người đang theo học ngành là bao nhiêu.

Ông Long cho rằng, Bộ GD&ĐT cần quan tâm chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy CNTT. Ngoài ra, Bộ cũng cần tạo điều kiện, kêu gọi nguồn lực xã hội đầu tư cho sinh viên tham gia thực hành. Các sinh viên CNTT cũng cần có nhiều dịp thi đấu trong các cuộc thi tin học, lập trình sinh viên quốc tế.