: Khoá học tiếng anh cơ bản
Phân tầng đại học: Nền giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể luận bàn về vấn đề phân tầng đại học ở Việt Nam, chúng ta cần trả lời một câu hỏi: Nền giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu? Để từ đó đưa ra được một triết lý giáo dục đúng đắn. Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo tiêu chí để phân tầng đại học với 5 hạng và 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trước khi phân tích đến các yếu tố thực hiện dự thảo đưa ra, chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục đại học (GD ĐH) Việt Nam hiện nay với câu hỏi: Nền GD ĐH Việt Nam đang ở đâu?
Bức tranh giáo dục đại học Việt Nam: Quá nhiều bất cập, lộn xộn!
Bức tranh về GD ĐH Việt Nam mới nhất mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ tháng 8/2014 cho thấy còn quá nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém, trì trệ và không đổi mới.
Cụ thể nhất là qua kết qủa kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường tại 25 trường ĐH, CĐ trong đó 16 trường công lập và 9 trường ngoài công lập cho thấy một số trường chưa có đất thuộc sở hữu, chưa xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích đất hiện có, nhiều trường vẫn đi thuê mượn địa điểm... Nhiều trường hầu như không có cảnh quan, khu thể thao cho sinh viên.
Về phòng nghiên cứu và thiết bị sử dụng còn quá nhiều yếu kém, chỉ có 19,7% phòng thí nghiệm được đánh giá có công nghệ thiết bị hiện đại, chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học mà những phòng này lại chủ yếu ở các trường đại học trọng điểm, trường hàng đầu của Việt Nam. Thậm chí tính đến máy tính thì 3,6 giảng viên mới có 1 máy tính, 27,3 sinh viên mới có 1 máy tính.
Về thư viện, tính trung bình 21,2 sinh viên mới có 1 chỗ ngồi, diện tích phòng đọc thư viện bình quân 0,05m2/1 sinh viên. Trong đó, khối Kinh tế - Luật tỷ lệ thấp nhất chỉ 0,02m2/1 sinh viên. Chỗ ngồi còn không có nên nói đến tài liệu tham khảo lại càng ít hơn.
Về đội ngũ giảng viên, tính đến cuối năm 2013 - 2014 , cả nước có 471 trường ĐH, CĐ, số giảng viên trong các trường này là 91.633 người nhưng chỉ có 517 người có học hàm giáo sư. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, số lượng giảng viên hiện nay vẫn thiếu và yếu về số lượng. Qua rà soát các trường đại học năm 2013 của Bộ GD-ĐT cho thấy trung bình tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng trên số giảng viên quy đổi (SV/GV) đạt 22,7, nhiều trường có tỷ lệ SV/GV vượt quá quy định (45 trường có trên 30 - 50 SV/GV), 09 trường có trên 50 SV/GV. Đặc biệt, trong 3.575 ngành đào tạo ĐH,CĐ được Bộ GD-ĐT khảo sát, trên 500 ngành có số sinh viên vượt quá 30 SV/GV quy đổi, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ SV/GV đạt trên 100 tập trung ở khối ngành Kinh tế - quản lý, Luật và Giáo dục.
Một vấn đề quan trọng nữa, mặc dù Luật GD ĐH quy định việc thành lập Hội đồng trường đối với các cơ sở GD ĐH công lập và đảm bảo quyền lực của Hội đồng này trong mọi hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đa số các cơ sở GD ĐH chưa thành lập Hội đồng trường, một số trường thành lập Hội đồng trường như hoạt động chiếu lệ, không thực chất. Điều này một mặt thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong chấp hành luật pháp, mặt khác không đảm bảo được cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh để thực hiện quyền tự chủ đi liền với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình của nhà trường.
Trong thực tế vận hành những năm gần đây, một số trường được thí điểm giao quyền tự chủ cao nhưng thiếu sự giám sát của Hội đồng trường đã xảy ra những vi phạm quy chế đào tạo, vi phạm dân chủ cơ sở dẫn đến mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài.
Đối với GD ĐH ngoài công lập, Luật GD ĐH xác định trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, khi không chia lợi nhuận hay chia nhưng không quá mức lãi của trái phiếu chính phủ. Nhà đầu tư vẫn là chủ sở hữu của nhà trường. Khung pháp lý hiện nay đủ để các nhà trường ngoài công lập hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, mất đoàn kết nội bộ, xung đột giữa Hội đồng quản trị và cổ đông... lỗi ở đây không phải là lỗi của cơ chế chính sách mà thuộc về điều kiện cụ thể của từng trường.
Kém chất lượng là do chưa phân tầng
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chỉ ra 3 nguyên nhân quan trọng dẫn đến giáo dục đại học thấp: Thứ nhất, do sự phát triển quá nhanh của các trường đại học trong thời gian qua do yếu kém của quản lý; Thứ hai, chi phí đơn vị để đào tạo sinh viên ở nước ta hiện nay quá thấp do phương châm trâm Giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa được quán triệt đầy đủ (Do các trương tuyển quá đông sinh viên nên chi phí cho mỗi sinh viên giảm xuống ); Thứ ba, quản lý giáo dục đại học chưa chú ý đến sự phân tầng về chức năng của hệ thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa nhận những hạn chế, tồn tại của nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là do phân tầng đại học chưa rõ ràng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Do phân tầng các cơ sở giáo dục đại học chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Điều đó dẫn đến việc đào tạo theo hướng ứng dụng lại thiếu kỹ năng thực hành. Hầu hết các trường thiết kế chương trình tỉ mỉ nhưng lại thiếu trang thiết bị những kiến thức tổng quá mang tính quy luật tạo nền tảng phát triển tư duy sáng tạo của SV”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cho hay: “Dù Luật GDĐH đã giao cho các trường quyền tự chủ cao nhưng lãnh đạo các trường vẫn dè dặt trong thực hiện, chưa thoát được tư duy bao cấp do đó đổi mới giáo dục đại học còn chậm. Suất đầu tư trên đầu sinh viên còn rất khiêm tốn so với một số nước trong khu vực. Đây là một thách thức rất lớn để cải thiện chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống”.
Để thực hiện phân tầng đúng với thực tế và chức năng đào tạo của từng trường, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, nhu cầu nhân lực khá đa dạng, hệ thống giáo dục ĐH nước ta khá rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Cần lưu ý, hệ thống GD ĐH cần được phân tầng về chức năng chứ không chỉ về chất lượng, vì đào tạo tầng nào cũng cần bảo đảm chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng hợp với mục tiêu.
Bà Bình cho hay, trong thời gian qua, sự quản lý của ngành giáo dục chưa theo các định hướng đó, cho nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt sinh viên kém chất lượng như nhau. Cụ thể, các trường ĐH tầng trên vẫn đào tạo số lượng sinh viên rất đông, kể cả đào tạo không chính quy, quên mất phương châm của mình là cần chú trọng chất lượng hơn số lượng. Việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của ngành giáo dục cũng thể hiện ưu ái các loại trường này vì cho rằng các trường này có điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo hơn các ĐH tầng thấp. Cách làm đó vô hình trung làm giảm sự tập trung đào tạo trình độ cao của họ.
Video được xem nhiều: Kỹ năng giao tiếp thông minh:
Theo tác giả Hồng Hạnh, báo Dân Trí, link gốc: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phan-tang-dai-hoc-nen-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-dang-o-dau-951247.htm