Sự kiện: tuyển sinh đại học

Cặm cụi đan giỏ tre ở căn nhà nhỏ giữa thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (Quảng Ngãi), lòng bà Nguyễn Thị Lưu nặng trĩu lo âu chưa biết xoay sở thế nào để có tiền cho con trai nhập trường Đại học Bách Khoa TP HCM.


Suốt hai tuần qua, hai mẹ con đan giỏ, lồng tre phồng cả tay mà mới tích góp được chỉ vài trăm nghìn. Sau những vui mừng cậu con thứ là Xuân Hùng trúng tuyển vào đại học Bách Khoa TP HCM danh tiếng là nỗi lo lắng chi phí đến trường của cả gia đình.

 

"Có lẽ vài ngày tới tôi đành bán con bê thì mới có đủ tiền cho thằng Hùng vào trường. Còn thằng Hải là anh trai, bước vào năm thứ 5 trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng thì chắc sẽ vay tiền ngân hàng cho nó nộp học phí thôi", bà Lưu thở dài.

Hai mẹ con bà Lưu cần mẫn đan giỏ, lồng tre nhốt gà mỗi ngày mang ra chợ bán góp tiền chuẩn bị cho Trần Xuân Hùng nhập học Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trí Tín
Hai mẹ con bà Lưu cần mẫn đan giỏ, lồng tre nhốt gà mỗi ngày mang ra chợ bán góp tiền chuẩn bị cho Trần Xuân Hùng nhập học Đại học Bách khoa TP HCM. Ảnh: Trí Tín

Hai vợ chồng bà Lưu sinh ra 3 người con, bảy năm trước trong lúc đi làm phụ hồ, chồng bà không may bị tai nạn chết tại chỗ. Lúc ấy con trai lớn Xuân Hải vừa học hết lớp 9, con trai út Xuân Hùng mới đến lớp 5. Cuộc sống khó khăn, học đến hết cấp 2, con gái bà Lưu đành nghỉ học "hành phương Nam" đi làm phụ hồ giúp mẹ nuôi anh và em trai học hành.

 

Quyết tâm không để hai đứa con trai còn lại nghỉ học giữa chừng, bà Lưu chạy đôn chạy đáo vay tiền mua bò về nuôi, tập tành học nghề chẻ tre, đan giỏ, lồng tre nhốt gà mang ra chợ bán nuôi con ăn học, kiếm sống qua ngày.

 

Xuân Hải học năm thứ năm trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng là lúc bà Lưu mang số nợ lên 24 triệu đồng vay ngân hàng. Giờ đây, Xuân Hùng nối gót anh trai thi đỗ vào trường đại học tận TP HCM. Tự trấn an với cuộc sống khó nghèo của gia đình mình, bà Lưu bộc bạch: "Hai anh em nó cùng học đại học nên năm nay tôi phải nợ ngân hàng nhiều hơn. Cơ cực mấy tui cũng chịu được, nợ nần ngân hàng rồi cũng dần trả hết, miễn sao chúng nó học hành thành đạt, nên người là mãn nguyện rồi".

 

Trong lúc các gia đình khá giả đãi tiệc linh đình mừng con đỗ đại học thì các tân sinh viên nghèo lại rong ruổi khắp nơi, làm đủ mọi việc: phụ hồ, buôn gánh, bán bưng, bán rau... nhằm chia sẻ gánh nặng gia đình, gom góp tiền cho ngày khai trường sắp tới.

 

Cùng mẹ đẩy xe bán bún bò trên đường phố Quảng Ngãi, Lê Thị Thu Hiền thoăn thoắt bưng từng bát bún bò đi vào các ngõ hẻm phục vụ khách. Hiền nói: "Ngày nào em cũng tranh thủ dậy sớm giúp mẹ lặt rau, ướp gia vị thịt bò, nấu nướng và phụ mẹ bán bún bò. Hy vọng từ nay đến ngày làm thủ tục nhập học, hai mẹ con sẽ tích góp đủ tiền cho em nộp học phí".

Hai mẹ con chị Vy thị Kim Châu ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi đẩy xe bán bún bò góp tiền cho con vào đại học. Ảnh: Trí Tín
Hai mẹ con chị Vy Thị Kim Châu ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi đẩy xe bán bún bò góp tiền cho con vào đại học. Ảnh: Trí Tín

Bao nhiêu năm qua, người dân ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi đã quá quen thuộc hình ảnh chiếc xe đẩy bán bún bò lưu động của chị Vy Thị Kim Châu(mẹ Hiền) cần mẫn mỗi ngày. Cuộc sống lắm đỗi nhọc nhằn nhưng bù lại hai chị em Hiền thông minh, học giỏi. Hiền thích thú học môn Tiếng Anh, năm học lớp 12 đã đạt giải nhì môn Anh Văn cấp tỉnh và đỗ điểm cao vào trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng trong kỳ tuyển sinh năm nay.


Thương cha mẹ quần quật lao động cơ cực, Hiền tự nhủ vượt qua mọi trở ngại, ham tìm tòi, học hỏi nhiều năm liền trở thành học sinh giỏi. Bên chiếc xe đẩy bán bún bò cũ kỹ, chị Châu bồi hồi xúc động kể, hoàn cảnh gia đình đã nghèo khó, sau dịp tết Nguyên đán vừa rồi chị bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng đầu phải nằm viện điều trị, rồi về nhà dưỡng thương mất 6 tháng. Tiền bạc dành dụm cho con đi thi đại học đổ hết vào thuốc thang, chồng làm nghề mộc thu nhập lại không ổn định.

 

Hôm Hiền đi thi đại học, mẹ phải chạy vạy bà con lối xóm để làm lộ phí cho con.

Đinh thị Thùy Sương chăm sóc bà Nội bị tai nạn giao thông gãy chân đang nằm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Đinh Thị Thùy Sương chăm sóc bà Nội bị tai nạn giao thông gãy chân đang nằm điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín

Về các địa phương Quảng Ngãi, mỗi tân sinh viên nghèo là mỗi hoàn cảnh éo le, cuộc sống gặp nhiều khốn khó nhưng đều có nét chung là ý chí nghị lực vươn lên thật đáng khâm phục. Thương cháu gái nhà nghèo, bà Nguyễn Thị Xuân (73 tuổi) quê ở thôn Điện An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tuổi cao sức yếu nhưng mỗi ngày vẫn đi bộ từ nhà ra phố để bán vé số, chắt chiu từng đồng góp tiền cho cháu gái Thùy Sương nhập học Đại học Kinh tế TP HCM. Chưa được bao nhiêu thì tai nạn giao thông bất ngờ khiến bà Xuân bị gãy chân trái phải đưa vào viện cấp cứu.

 

Nằm trên giường bệnh, bà Xuân ngân ngấn nước mắt cho biết, cách đây ba năm, ba của Sương bị tai nạn bị hỏng một mắt, tâm thần ảnh hưởng nặng, sức khỏe yếu dần đành quanh quẩn ở nhà. Một mình mẹ của Sương phải tất tả sớm khuya, ngày hai buổi oằn lưng đạp xe chở rau ra chợ bán, chạy gạo từng bữa nuôi năm miệng ăn trong nhà. "Thấy cảnh đó, tôi chịu không nổi nên quyết định đi bán vé số để góp ít nhiều cho các cháu ăn học. Nghe cháu Sương đậu đại học tui mừng lắm, định bụng ít bữa vào Sài Gòn bán vé số phụ tiền cùng mẹ nó để giúp cháu thì xảy ra nông nỗi này", bà nói.

 

Đằng sau những đứa con hiếu thảo, học giỏi thi đỗ vào đại học là hình bóng những người cha, người mẹ, người bà... trĩu nặng lo toan, tất bật mưu sinh với hy vọng lớn lao về tương lai sáng sủa hơn của con, cháu; đừng lặp lại cuộc sống khó nghèo. 

Điểm chuẩn, điểm chuẩn đại học, điểm chuẩn đại học 2011, điểm chuẩn đh

Đăng ký nhận điểm chuẩn đại học qua email tại ô bên dưới.

 

Kênh tuyển Sinh (Theo: VnExpress)