GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ
Nhân dịp đầu năm mới, Kiến Thức khởi đăng loạt bài góp ý cải cách giáo dục. Đây là những ý kiến của thầy cô giáo, học sinh, bạn đọc... và các chuyên gia quan tâm đến "sự nghiệp trồng người".
Chính người thầy phải thay đổi
Những bất cập của hệ thống giáo dục đã được các chuyên gia mổ xẻ. Nhưng để đổi mới, chỉ nhìn ra bất cập thôi chưa đủ. Vậy giải pháp nào mới là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế? Chiếc đũa thần nào khép được cánh cửa giáo dục đã lạc hậu, cũ kỹ, gỉ sét, không còn phù hợp nữa? Làm thế nào để không còn tình trạng thừa thầy thiếu thợ, học nhiều hiểu ít, chen đổ cổng trường xin học, ngồi nhầm lớp, quay cóp gian lận thi cử... Có lẽ phải là sự vào cuộc của cả hệ thống.
Sự chuyển dịch đầu tiên phải chính là người thầy. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, thực tế vẫn tồn tại nhiều thầy cô có phương pháp giáo dục cổ hủ, duy lý. Họ không chịu cập nhật những cái mới để theo kịp sự phát triển của học sinh. Trong khi đó, nếu thầy sai và không chứng minh được kiến thức, luận điểm của mình đưa ra là đúng và phù hợp thì tự nhiên, học trò sẽ đào thải thầy. Có những công nghệ, giải pháp, công thức... hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, giáo viên vẫn cứ lấy ra để giảng dạy cho học sinh. Với những em nhạy bén, chúng sẽ ngay lập tức nhận ra sự không phù hợp. Khi đó, sự kính trọng của người thầy của học trò cũng sẽ giảm bớt.
Học sinh phải chủ động, sáng tạo trong cách học, cách tiếp thu bài giảng. Làm chủ kiến thức của mình để không tự biến mình thành những con vẹt biết nói. Học sinh có nền tảng kiến thức để đánh giá chính giáo viên của mình. Khi học sinh tự nâng tầm của mình thì giáo viên - vì lo sợ bị đào thải - cũng sẽ phải cố gắng nhiều hơn.
Học sinh chủ động làm chủ kiến thức của mình để không tự biến mình thành những con vẹt biết nói.
Đổi mới toàn diện
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu chúng ta để tình trạng giáo dục lạc hậu thì không có cách nào chúng ta có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu". Trong các chỉ thị, nghị quyết thì giáo dục là một trong những ngành được nhiều mỹ từ đẹp đẽ, có sức hấp dẫn lớn như "quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", "cho tương lai", nhưng trên thực tế ngành giáo dục lại không được ưu tiên.
Theo GS Phạm Minh Hạc để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới SGK, làm cho SGK chính xác, thiết thực với phần thực hành tương thích (cần hoàn thành viết lại SGK trước năm 2015); trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, các cấp học đều học hai buổi/ngày; chấn chỉnh đội ngũ nhà giáo có tay nghề. Ngành giáo dục hiện vẫn cứ loay hoay với việc dạy chữ; từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học. Cải tiến mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn... Đổi mới phải căn cơ, có lộ trình với những bước đi bài bản.
Tại sao lại có chuyện "mua bằng bán điểm", tại sao lại có tình trạng học thêm tràn lan từ mầm non, tiểu học? Tại sao bằng cấp từ các cuộc thi là "bằng thật" nhưng lại đẻ ra những sản phẩm người học "lại giả"; không chịu học hành rèn luyện, cứ hết năm lên lớp, cuối cấp nhận bằng. Làm sao giáo dục có chất lượng được. Chúng ta đã không điều khiển ngành giáo dục bằng chính quy luật tích cực của kinh tế thị trường. Có lúc chúng ta đã nhầm lẫn giữa việc chống "thương mại hóa giáo dục" với việc vận dụng các quy luật tích cực của kinh tế thị trường như "cạnh tranh", "cung phải đáp ứng cầu" quy luật "giá trị"? Cách đào tạo hiện nay chỉ khuyến khích người học học vẹt, chỉ biết làm theo không dám sáng tạo, không có khát vọng cống hiến.
Những phương pháp giảng dạy sáng tạo cũng đã được đề xuất, học trò hào hứng. Nhưng nó chỉ phù hợp với một đối tượng nhỏ hẹp và có tác dụng trong phạm vi nhất định. Còn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cần có những quyết sách lớn, vĩ mô.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Kiến thức