PGS. TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
Sẽ đánh giá chất lượng sinh viên trúng tuyển những năm gần đây
Việc tuyển sinh cụ thể của trường sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế. Đến thời điểm này, trường chưa có đề án riêng cho năm tuyển sinh 2018. Dự kiến năm 2018 có thể trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển như năm 2017.
Tuy nhiên trường cũng đã có kế hoạch để đánh giá chất lượng sinh viên tuyển sinh trong ba năm qua từ khi xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia.
Trường xác định nếu kết quả học tập, chất lượng sinh viên tương đồng với kết quả tuyển sinh đầu vào những năm này thì sẽ không càn thiết phải làm phức tạp việc tuyển sinh bằng những thay đổi không cần thiết.
Tuy nhiên, nếu việc đánh giá cho thấy chất lượng học tập của sinh viên khi vào trường quá "vênh" so với với kết quả tuyển sinh thì trường sẽ phải xem xét xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp hơn.
Thực tế, điều này cần dữ liệu đủ lớn và cơ chế đánh giá nghiêm túc, thận trọng. Tuy nhiên, ở một phạm vi khác, khi so sánh kết quả thi dành cho việc tuyển sinh viên tài năng vào trường với kết quả tuyển sinh từ kết quả kỳ thi quốc gia cũng đã có những sự khác biệt nhất định.
Cụ thể có những sinh viên đạt điểm tối đa trong kỳ thi THPT quốc gia ở ba môn xét tuyển nhưng khi tham dự kỳ thi tuyển sinh viên tài năng do trường tổ chức thì đạt mức điểm rất khiêm tốn.
Tất nhiên, thi tuyển sinh viên tài năng là những đề thi rất khó, dành cho số ít những em thật sự xuất sắc, nhưng điều này cũng cho thấy cần dữ liệu so sánh lớn hơn ở những tiêu chí phù hợp hơn để đánh giá chính xác chất lượng sinh viên nhập học những năm vừa qua.
TS Nguyễn Văn Khải - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Y dược Hải Phòng:
Khó áp dụng thi trên máy tính
Việc lần đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố một phương án thi THPT quốc gia ổn định trong ba năm liên tiếp đã tạo cho học sinh, phụ huynh tâm lý vững vàng hơn, đỡ "sốc" hơn so với những thông báo có nhiều điểm thay đổi đột ngột hằng năm trước đó.
Bộ GD-ĐT giữ nguyên cách tổ chức bài thi tổ hợp, tính đủ 3 đầu điểm cho cả ba môn thành phần trong các bài thi tổ hợp là hợp lý, không gây xáo trộn trong việc chuẩn bị cho kỳ thi của học sinh lớp 12 năm nay.
Tuy nhiên, với lộ trình có thể tiến đến làm bài thi trên máy tính từ năm 2021 như Bộ GD-ĐT đặt ra thì tôi lo ngại khó thể thực hiện được. Việc áp dụng thi trên máy chỉ khả thi khi áp dụng trên một bộ phận thí sinh, chứ khó thể triển khai đại trà ở quy mô một kỳ thi quốc gia vì hạ tầng ở các địa phương chưa đảm bảo.
Ngay như các quốc gia có nền thi cử tương tự Việt Nam đồng thời có điều kiện tốt hơn Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chưa thể áp dụng thi trên máy.
Riêng về đề thi, trong thông báo Bộ GD-ĐT gửi đến các trường cũng nói rõ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa sẽ được tiếp tục xây dựng theo hướng nâng cao độ phân hóa của đề thi, nghĩa là đề thi tăng độ khó so với năm 2017.
Năm 2017, số lượng điểm cao quá nhiều phần nào gây khó cho công tác xét tuyển. Vì vậy theo tôi, để đề thi đạt mục tiêu phân hóa, giúp các trường ĐH sử dụng kết quả thi cho xét tuyển phù hợp thì nên chỉ dành tỉ lệ 45% câu hỏi dễ cho học sinh đạt điểm tốt nghiệp THPT, học sinh khá hơn sẽ đạt 5-6 điểm.
Phổ điểm chỉ nên tập trung nhiều ở mức 7-8 điểm. Còn lại, số thí sinh đạt điểm 9,10 không nên quá nhiều, chỉ thí sinh thực sự xuất sắc mới đạt được mức điểm này.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương:
Cân nhắc thêm điều kiện tuyển sinh cụ thể
Về cơ bản, năm 2018, dự kiến Trường ĐH Ngoại thương sẽ vẫn xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.
Còn các điều kiện tuyển sinh cụ thể (như năm 2017, Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh phải đạt điểm trung bình chung học tập các năm học bậc THPT đạt từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm đạt loại khá trở lên) cùng các yếu tố đặc thù khác của trường sẽ được cân nhắc và thông báo sớm cho thí sinh.
Theo Tuổi trẻ