TRƯỜNG QUỐC TẾ - ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - DU HỌC MỸ - DU HỌC ANH

Anh, Mỹ thống lĩnh bảng xếp hạng trường đại học hàng đầu thế giới

Trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2012 - 2013 do tạp chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học uy tín Times Higher Education (THE) công bố ngày 3/10, Anh và Mỹ vẫn chiếm trọn 10 vị trí đầu bảng xếp hạng các trường đại học danh giá nhất thế giới, trong đó Anh có 3 trường và Mỹ có 7 trường.

Viện Công nghệ California - trường đại học số 1 thế giới.

Ba trường đại học của "xứ sở sương mù" nằm trong top 10 gồm Đại học Oxford xếp ở vị trí thứ 2, Đại học Cambridge đứng ở vị trí thứ 7 và Đại học Imperial London ở vị trí thứ 8. Trong khi đó Viện Công nghệ California của Mỹ đứng đầu danh sách xếp hạng của THE, Đại học Stanford chia sẻ vị trí thứ hai cùng với Đại học Oxford của Anh. Các trường đại học khác của Mỹ đứng trong top 10 gồm Đại học Harvard (4), Viện Công nghệ Massachusetts (5), Đại học Princeton (6), Đại học California - Berkeley (9) và Đại học Chicago (10).

 

Mỹ và Anh thống trị bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu

Mỹ và Anh thống trị bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu

Trên bảng xếp hạng của THE, Anh cũng đứng thứ hai sau Mỹ về số lượng trường đại học được xếp trong top 200, với 31 trường so với 76 trường của Mỹ.

Trong bảng xếp hạng của THE năm nay, Singapore có hai trường lọt vào top 100 là Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ 29) và Đại học Công nghệ Nanyang (86); Trung Quốc có hai trường là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa lọt vào top 200; Hàn Quốc cũng có bốn trường đứng trong top 200 và cả bốn trường đều thăng hạng.

Viện Công nghệ California: “Miền đất hứa” của những thiên tài khoa học

Từ trường dạy nghề thủ công trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới, Caltech là ngôi nhà chung của nhiều nhà khoa học lớn thế kỷ 20. Viện Công nghệ California (thường được gọi là Caltech) là một trường đại học tư thục có khuôn viên nhỏ, tọa lạc tại thành phố Pasadena, bang California, Mỹ.

Trước khi trở thành trường đại học danh giá nhất thế giới năm 2011 (do tạp chí giáo dục uy tín Times Higher Education của Anh bình chọn), Caltech có một lịch sử phát triển đáng mơ ước, từng chặng đường đều ghi lại những tên tuổi, những dấu ấn quan trọng trong lịch sử khoa học thế giới.

Những thuyền trưởng chèo lái con tàu Caltech đi đúng hướng

Caltech ngày nay phát triển từ một trường dạy nghề do doanh nhân và cũng là chính trị gia Amos G. Throop thành lập năm 1891. Theo thời gian, trường nhiều lần được đổi tên từ Trường đại học Throop, Viện Bách khoa Throop, rồi Trường đại học Công nghệ Throop trước khi mang danh xưng Viện Công nghệ California từ năm 1920.

 

Mỹ và Anh thống trị bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu

 

Việc Caltech từ một trường dạy nghề thủ công trở thành trung tâm khoa học tầm cỡ quốc tế có thể nói là nhờ tài năng đoán định của nhà thiên văn học George Ellery Hale, chủ tịch đầu tiên của Đài quan sát thiên văn trên núi Wilson. Ông gia nhập Hội đồng quản trị Trường đại học Throop năm 1907.

 

Ông giới thiệu và bổ nhiệm ngài James AB Scherer, một học giả văn chương không am hiểu khoa học nhưng có khả năng của một nhà quản lý và gây dựng quỹ cho nhà trường, giữ chức Chủ tịch Throop vào năm 1908. Ngài Scherer sau đó đã thuyết phục được ông Charles W. Gates, một doanh nhân đã về hưu tặng 25 nghìn đô-la để có cơ sở xây dựng Phòng thí nghiệm Gates, công trình liên quan đến khoa học đầu tiên được xây dựng trong khuôn viên trường.

 

Thời kỳ nghiên cứu khoa học ở Mỹ mới phôi thai, Hale đã nhận thấy tầm quan trọng của việc hình thành một viện nghiên cứu và giáo dục về kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Ông bắt đầu vận động người dân địa phương hiến đất và tìm kiếm nguồn tài trợ để xây dựng trường với các phương tiện thí nghiệm hiện đại nhất lúc bấy giờ. Năm 1910, Throop chuyển đến địa điểm như ngày nay.

Sau đó, Hale tiếp tục thuyết phục được hai trong số các nhà khoa học hàng đầu Mỹ thời ấy là nhà hóa lý Arthur Amos Noyes và nhà vật lý thực nghiệm Robert Andrews Millikan cộng tác. Kể từ đây, Caltech bước vào một trang sử mới lẫy lừng.

"Thiên đường khoa học”

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hale, Noyes và Millikan, danh tiếng của Caltech tăng lên nhanh chóng trong những năm 1920. Trường lần lượt thành lập các Khoa nghiên cứu chuyên sâu mọi lĩnh vực khoa học, dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học danh tiếng.

Năm 1925, trường thành lập Khoa Địa chất. Bên cạnh đó, Trường mời học giả William Bennett Munro (lúc đó đang là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Quản trị và Kinh tế của Trường đại học Harvard) về thành lập Khoa Khoa học xã hội và nhân văn.

Năm 1926, Khoa Hàng không ra đời do Theodore Von Karman chủ nhiệm. Ông là người đã có nhiều đóng góp cho việc thành lập JPL và phát triển Caltech trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học tên lửa hàng đầu nước Mỹ.


GS Trịnh Xuân Thuận từng cùng lúc giành được học bổng của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ: MIT, Caltech và Princeton. Ông quyết định theo học tại Caltech vì ở đó có những giáo sư giỏi hàng đầu thế giới, có những người đã đoạt Giải thưởng Nobel.

Năm 1928, Khoa Sinh học được hình thành, thuộc sự chỉ đạo của Thomas Hunt Morgan, nhà sinh học nổi tiếng nhất ở Mỹ và là người phát hiện ra vai trò của gen và nhiễm sắc thể trong di truyền. Cũng trong năm này, việc xây dựng Đài quan sát Palomar bắt đầu được tiến hành.

Năm 1930, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Biển Kerckhoff được thành lập ở Corona del Mar dưới sự quản lý của Giáo sư George MacGinitie.

Từ năm 1921 đến năm 1954, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường là Millikan (Giải thưởng Nobel Vật lý 1923), người có ảnh hưởng khá lớn đến Caltech lúc bấy giờ, đến mức đôi khi người ta gọi nó là “Trường Millikan”. Ông đã khởi xướng chương trình mời các học giả tới tham quan và nói chuyện với sinh viên. Nhiều nhà khoa học lớn đã nhận lời mời như: Paul Dirac, Erwin Schrödinger, Werner Heisenberg, Hendrik Lorentz và Niels Bohr, đặc biệt là Stephen Hawking, Edward Witten và Albert Einstein. Albert Einstein lần đầu tiên đến nói chuyện ở Caltech vào năm 1931 để nói về Thuyết tương đối của mình. Sau đó, trong hai năm 1932-1933, ông trở về Caltech làm giáo sư thỉnh giảng.

Những năm 1950-1970, Caltech là mái nhà nghiên cứu của hai nhà vật lý nổi tiếng: Murray Gell-Mann, Giải thưởng Nobel Vật lý 1969, người khám phá ra hạt quark (thành phần căn bản của vật chất) và Richard Feynman, Giải thưởng Nobel Vật lý 1965, một trong những người sáng lập ra ngành lượng tử điện từ.


Tiền Học Sâm (Tsien Hsue-Shen), người được coi là cha đẻ của Phòng thí nghiệm phản lực tại Viện Công nghệ Caltech, là nhà khoa học có đóng góp quan trọng trong chương trình tên lửa và không gian, cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc (cha đẻ của tên lửa Thần Châu và ngành vũ trụ Trung Quốc).

Viện Công nghệ California có một môi trường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là thiên văn học vô cùng thuận lợi. Ngay từ đầu thế kỷ 20, trường liên tiếp xây dựng xong những kính thiên văn lớn nhất thế giới, như kính thiên văn có đường kính 2,5 m đặt trên núi Wilson, hay kính thiên văn đường kính 5 m đặt trên núi Palomar. Những kính thiên văn này đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng tới đây, vì vậy, rất nhiều những phát minh quan trọng về Vũ trụ đã được tìm ra ở Caltech.

Nơi đây còn có bóng dáng của nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ 20, trong đó có Edwin Powell Hubble (1889-1953). Chính tại thành phố Pasadena này, Edwin Powell Hubble đã làm tất cả những nghiên cứu lớn về bản chất của thiên hà và sự nở rộng của Vũ trụ, những nghiên cứu trong những năm 1920-1930 của ông đã sản sinh ra thuyềt Big Bang (Vụ Nổ Lớn).

Một số sinh viên Caltech đã ghi tên mình trong lịch sử chinh phục không gian của nhân loại: C. Gordon Fullerton - một phi hành gia của phi thuyền con thoi bay lên trạm không gian Skylab, và sau này là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ; Harrison Schmitt - nhà địa chất học duy nhất đặt chân lên Mặt Trăng; Eugene Merle Shoemaker - nhà thiên văn đồng khám phá ra sao chổi Comet Shoemaker-Levy 9 và là người đầu tiên của địa cầu được rải hài cốt trên Mặt Trăng.

 

Bên cạnh đó còn các thiên tài khoa học khác như: Linus Pauling - người đi tiên phong trong lượng tử hóa học và sinh học phân tử; Charles Francis Richter, một nhà nghiên cứu địa chấn nổi tiếng đã tạo ra đơn vị đo xác định được mức độ các trận động đất; Theodore von Kármán - nhà khoa học chuyên ngành khí động học; và gần đây nhất, Giáo sư thiên văn học Michael Brown cùng với nhóm cộng sự của mình tại Caltech đã phát hiện hành tinh lùn Eris...

Những người Việt rạng danh ở Caltech

Ngôi trường này còn là cái nôi đào tạo và nuôi dưỡng vị giáo sư người Mỹ gốc Việt, một trong những nhà nghiên cứu và phổ biến khoa học về vũ trụ hàng đầu thế giới hiện nay, GS Trịnh Xuân Thuận. Ông nổi tiếng trong giới nghiên cứu vật lý thiên văn thế giới với nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn. Năm 2009, ông được UNESCO trao tặng giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học.

Một tên tuổi khác của Việt Nam làm rạng danh Tổ quốc khi là người Việt Nam đầu tiên cắm lá cờ đỏ sao vàng tại châu Nam Cực, gần trục quay của Trái đất hồi tháng 9/1994. Ông là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, một nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory - JPL), đồng thời là giảng viên thỉnh giảng vật lý của Caltech. Công trình mới nhất của ông là hệ thống detector xạ nhiệt kế, một trong ba thiết bị đặt tại trạm khảo sát vũ trụ Herschel. Đây là trạm nghiên cứu không gian nằm trong chương trình hợp tác giữa NASA và ESA (Cơ quan Không gian châu Âu) vừa được phóng lên quỹ đạo mùa thu năm 2008. Đặc biệt, ông đã ba lần đặt chân đến châu Nam Cực trong nhiều chuyến khảo sát.

Từ ngôi trường này, nhiều nhà khoa học đã đạt được những thành tựu lớn. Có thể nói, Caltech là một môi trường đào tạo khoa học có đẳng cấp cao với những trung tâm, phòng thí nghiệm và thư viện quy mô lớn, hiện đại bậc nhất thế giới. Đây chính là cái nôi nuôi dưỡng và hỗ trợ hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và sinh viên nhà trường.

Các tin cùng chủ đề:


Trường quốc tế - đào tạo quốc tế - đại học quốc tế

Liên kết quốc tế - cao đẳng quốc tế - tuyển sinh

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Vietnamplus )