Mục tiêu chọn ngành đã rõ ràng hơnCán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ráo riết chuẩn bị giấy triệu tập trúng tuyển của trường gửi cho thí sinh để làm thủ tục nhập học (ảnh chụp chiều 14-8) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo đó, thí sinh có mục tiêu chọn ngành đào tạo rõ ràng hơn, chứ không chỉ nhằm mục tiêu đậu ĐH bất cứ ngành nào.

Thống kê ở nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn đại học 2016 trong ngày 13 và 14-8 cho thấy năm nay biên độ giữa nhóm ngành cao điểm và nhóm ngành thấp điểm ở một số trường giãn rộng hơn hẳn so với năm 2015. Những ngành được cho là tốt nhất vẫn có độ cạnh tranh cao hơn hẳn các ngành khác.

Chọn ngành theo xu thế hội nhập

Theo TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), nhìn chung phổ điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay tương đối đẹp, tập trung nhiều mức 18 điểm trở lên.

Nhưng điểm chuẩn 2016 một số ngành giảm một chút so với năm ngoái. Các ngành có điểm cao năm ngoái điểm chuẩn cũng giảm nhẹ, trong khi những ngành có mức điểm trung bình tăng nhẹ. Những ngành khó tuyển vẫn không nhiều thí sinh nên điểm chuẩn cũng giảm.

Ngoài ngành báo chí có điểm cao nhất, một số ngành cũng có điểm cao như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tâm lý học, ngôn ngữ Anh...

“Qua điểm chuẩn cho thấy những ngành “hot” vài năm gần đây của trường năm nay mức điểm vẫn khá cao. Trong khi ở các ngành ngoại ngữ, ngành ngôn ngữ Anh vẫn được thí sinh chọn nhiều. Đáng chú ý những ngành liên quan đến dịch vụ xã hội và các hoạt động của con người như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, công tác xã hội, xã hội học... được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn.

Bên cạnh đó, những ngành về đất nước học như: Nhật Bản, Hàn Quốc học và đặc biệt ngành Đông phương học điểm chuẩn năm nay vẫn cao, khác hẳn so với trước đây. Điều này cho thấy thí sinh có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với xu thế hội nhập của nước ta hiện nay” - ông Hạ nhận định.

Trong khi đó, qua số hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển 2016 vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), số lượng lớn thí sinh điểm cao lại có nguyện vọng vào các ngành khoa học cơ bản, khoa học công nghệ và khoa học ứng dụng. Cụ thể như ngành hóa học có điểm cao nhất. Nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin tuy có nhiều chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức cao (23 điểm).

“Điều này thể hiện thí sinh hiểu được nhu cầu của ngành này hiện nay rất lớn. Bên cạnh đó, một số ngành có tính chất đặc thù như kỹ thuật hạt nhân điểm vẫn khá cao (23 điểm). Có lẽ thí sinh đã hiểu được ngành này ứng dụng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau (công nghiệp, y học...) là cơ hội cho người trẻ phát huy năng lực của mình.

Những ngành khoa học ứng dụng đang cần người có năng lực tốt và những người giỏi mới có thể thành công trong lĩnh vực này. Đáng chú ý ngành công nghệ sinh học dù điều kiện có việc làm thích hợp rất khó và để thành công thì phải rất giỏi nhưng điểm chuẩn ngành này cũng khá cao (23 điểm) cho thấy thí sinh thực sự đam mê mới lựa chọn. Đây là tín hiệu đáng mừng” - TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng nhà trường, nói.

Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) điểm chuẩn cao nhất là 25,5 (nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin) và thấp nhất là 20 điểm. Hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 23,25 (ngành khoa học máy tính) và thấp nhất là 19 điểm.

Theo TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo nhà trường: “Mức chênh lệch giữa ngành có điểm cao và ngành có điểm thấp đã thu hẹp. Điều này cho thấy xu hướng chọn ngành của thí sinh đều ở các ngành chứ không tập trung vô một số ngành điểm cao như mọi năm. Có lẽ thí sinh đã nhận ra được cơ hội việc làm của những ngành năm trước có điểm thấp.

Riêng nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin hai năm gần đây điểm cao do ngành này cơ hội việc làm hiện rất lớn. Trong khi ngành địa chất dầu khí điểm lại giảm theo xu hướng cơ hội việc làm của ngành này đang giảm đi”.

Chênh lệch lớn giữa các ngành cùng trường

Tại Học viện Tài chính, điểm vào trường giữa ngành cao điểm và ngành thấp điểm nhất chênh nhau tới 7 điểm, trong khi mức chênh lệch này năm 2015 chỉ là 1,5 điểm.

Tương tự, tại Trường ĐH Thương mại, mức chênh lệch này là 3 điểm trong khi năm 2015 là 2 điểm.

Đặc biệt, cho dù đa số các ngành đào tạo của những trường này điểm chuẩn đều giảm so với năm 2015 nhưng những ngành “hot” điểm chuẩn vẫn tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Thương mại là kế toán với mức 23,5 điểm (tổ hợp A01), cao hơn so với năm 2015 là 0,75 điểm.

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dù điểm chuẩn nhìn chung giảm so với năm 2015, nhưng mức điểm chênh lệch giữa ngành cao điểm nhất và thấp điểm nhất lên đến 10 điểm. Dẫn đầu là ngành sư phạm ngữ văn có điểm chuẩn 26 điểm với tổ hợp xét tuyển văn - sử - địa, tiếp đến là ngành sư phạm toán học đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh với mức điểm chuẩn từ 24-25,25 tùy theo từng tổ hợp xét tuyển...

Bên cạnh đó, trường lại áp dụng mức điểm chuẩn từ mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (16 điểm) đối với một số ngành như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, chính trị học (sư phạm kinh tế chính trị).

Khối trường công an, quân đội công bố điểm chuẩn trước 18-8

Theo kế hoạch tuyển sinh của khối trường công an, điểm chuẩn của các trường này sẽ được công bố trước ngày 18-8. Trong khi đó, theo kế hoạch tuyển sinh của khối trường quân đội, dự kiến ngày 17-8 điểm chuẩn vào các trường này sẽ được công bố.

Tuy việc công bố điểm chuẩn nhóm trường này chậm hơn một số ngày so với các trường ĐH nói chung, nhưng theo quy định của Bộ GD- ĐT, thí sinh đã trúng tuyển các trường công an, quân đội nếu có nguyện vọng học ở các trường này vẫn phải xác nhận quyết định nhập học bằng cách nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi theo lịch tuyển sinh chung là đến hết 17g ngày 19-8.

Nếu thí sinh trúng tuyển không nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện trước từ ngày 15-8 đến hết ngày 19-8 sẽ không có quyền nhập học.

Theo Bộ GD-ĐT, thời gian thí sinh nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi trước khi bắt đầu các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo giúp các trường năm nay biết được chính xác số lượng thí sinh còn thiếu qua mỗi đợt xét tuyển để tiếp tục tuyển bổ sung ngay đợt tiếp theo mà không phải đợi đến khi thí sinh nhập học như trước đây.

Theo đó, sau khi kết thúc nhận giấy báo kết quả thi đợt 1 (ngày 19-8), các trường tổng hợp danh sách thí sinh chính thức khẳng định vào học trường mình. Nếu còn thiếu chỉ tiêu, ngày 21-8 các trường sẽ công bố điều kiện xét tuyển bổ sung.

 

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160815/muc-tieu-chon-nganh-da-ro-rang-hon/1154953.html