Sau khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, các địa phương đã đưa ra những vấn đề cần được giải quyết để thực hiện tốt hơn khi đổi mới sách cho các cấp bậc khác.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 1
Ngày 2.2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 với giáo dục tiểu học, trong đó tập trung bàn thảo về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1 và những năm tiếp theo.
Tăng số tiết học Tiếng Việt lớp 1 từ 350 lên 420 có hiệu quả?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đưa ra đánh giá ban đầu: Theo thông tin báo cáo từ cơ sở và thực tế kiểm tra, đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực. Học sinh (HS) đã có thể đọc trơn một cách thuận lợi, một số em còn có thể đọc văn bản thành thạo. Báo cáo của các địa phương cho thấy kiểm tra định kỳ 2 môn toán, tiếng Việt đã đạt kết quả khá cao, khoảng 94 - 95% HS hoàn thành và hoàn thành tốt yêu cầu.
"Nếu địa phương nào có nhu cầu lựa chọn lại sách giáo khoa lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Ông Độ cho rằng kết quả này một phần là do trước đây chương trình thiết kế 350 tiết để học môn tiếng Việt cho HS lớp 1 thì chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới tăng lên 420 tiết, để HS được tăng cường năng lực ngôn ngữ, năng lực đọc - viết.
Cũng theo ông Độ, vì chương trình GDPT mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày nên đến nay không còn tỉnh nào để HS lớp 1 học 25 tiết/tuần mà đều học 2 buổi/ngày với mức độ khác nhau (với số lượng từ 26 - 35 tiết/tuần tùy điều kiện từng nơi - PV).
Lo ngại không đủ giáo viên ngoại ngữ và tin học
Tại hội nghị, nhiều ý kiến thẳng thắn bày tỏ lo ngại về việc điều kiện để thực hiện chương trình GDPT mới trong những năm tiếp theo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên (GV) dạy các môn tiếng Anh, tin học khi 2 môn này trở thành bắt buộc với HS lớp 3.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ sư phạm giảng dạy ở cấp tiểu học. Không chỉ môn tiếng Anh, tin học mà có thể tuyển cử nhân chuyên ngành sư phạm toán để dạy tiểu học hay không.
Cũng theo ông Hiếu, định mức giờ dạy của GV tiểu học hiện nay là 23 tiết/tuần. Nếu áp dụng định mức này với GV tiếng Anh, tin học thì sẽ rất vất vả và khó giữ chân được người giỏi các chuyên ngành dạy học ở tiểu học.
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, nêu thực tế theo tính toán Hải Phòng đang thiếu rất nhiều GV tiếng Anh, tin học. “Chúng tôi đang lo là dù có chỉ tiêu mà không có nguồn tuyển GV. Do vậy Hải Phòng đang tính sẽ phải phối hợp, “đặt hàng” với một số trường ĐH để mở các lớp tạo nguồn”.
Ông Trà đề nghị Bộ cần đồng hành với các địa phương, có các đoàn làm việc với các tỉnh thành để rà soát các điều kiện thực hiện chương trình GDPT, trong đó có vấn đề đội ngũ GV.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết tỉnh đang thiếu rất nhiều GV dạy tiếng Anh tiểu học nếu triển khai bắt buộc 4 tiết/tuần. Ông Khanh cho rằng khi tuyển GV đang vướng về tiêu chí yêu cầu GV dạy tiếng Anh ngoài đạt chuẩn trình độ đào tạo còn cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ 2. Bên cạnh đó, ông Khanh đề xuất Bộ cho tuyển GV tiếng Anh không nhất thiết phải tốt nghiệp ĐH sư phạm ngoại ngữ mà có trình độ cử nhân tiếng Anh và có thêm chứng chỉ sư phạm, để có đủ nguồn tuyển.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên), cho biết hiện nay toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ 1,27 GV/lớp ở tiểu học nếu trừ GV tiếng Anh và tin học trong khi tỷ lệ GV tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 GV/lớp. Nếu từ năm 2022, khi 2 môn học này trở thành bắt buộc từ lớp 3 thì quy định về tỷ lệ GV/lớp ở tiểu học có tăng lên không?
Có thể thay đổi lựa chọn sách giáo khoa lớp 1?
Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) từ năm học tới cũng là vấn đề được nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT quan tâm. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho rằng thực hiện theo luật Giáo dục 2019 thì từ năm học tới việc chọn SGK sẽ giao quyền cho UBND cấp tỉnh thay vì cấp trường như với SGK lớp 1. Điều này cũng có thể sẽ tạo ra một luồng ý kiến khác nếu tỉnh lại chọn một bộ SGK khác, vì mong muốn chung là SGK phải ổn định, lâu dài. “Mong Bộ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để không tạo sự lo lắng như vậy”, ông Quốc Anh đề xuất.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên), đặt giả thiết: Nếu một số cơ sở năm vừa rồi chọn SGK lớp 1 rồi nhưng sau đó trong quá trình giảng dạy thực tế mới thấy một số sách chưa phù hợp, ngữ liệu chưa hợp lý, họ muốn chọn lại thì thế nào?
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Bến Tre cũng cho rằng thời gian để lựa chọn SGK phải trước năm học mới khoảng 5 tháng. Như vậy, tháng 3 năm nay phải hoàn thành công việc để Sở tham mưu với UBND chọn SGK lớp 2, lớp 6 mới đảm bảo thời gian, kế hoạch thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, việc lựa chọn SGK năm nay sẽ thực hiện theo Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT với thẩm quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì Thông tư 01 có thẩm quyền lựa chọn là các nhà trường. Nên nếu địa phương nào có nhu cầu lựa chọn lại SGK lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25.
Liên quan đến việc chuẩn bị cho chương trình mới thực hiện ở lớp 2, ông Độ cho biết hiện các địa phương đã có danh sách GV dạy lớp 2 năm tới. Theo kế hoạch, SGK lớp 2 trước ngày 15.3 phải giới thiệu xong, trước 31.7 phải tập huấn xong để phát hành. Hai mốc thời gian này đề nghị các sở, nhà xuất bản phối hợp thực hiện tốt. “Bộ sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phù hợp”, ông Độ khẳng định.
> Ngành giáo dục tương lai sẽ thiếu nhiều giáo viên mầm non
> Công nghệ giáo dục: Một số xu hướng nổi bật trong năm 2021
Theo Thanh Niên