>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học
HỎI: Xin cho biết sự khác nhau giữa điểm chuẩn và điểm sàn.
TRẢ LỜI: Điểm sàn là mức điểm tối thiểu do Bộ GDĐT quy định để các trường căn cứ vào đó định ra mức điểm chuẩn trên cơ sở chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh. Điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành. Điểm chuẩn không được thấp hơn điểm sàn.
Hỏi: Điểm sàn có tính điểm ưu tiên, nhân hệ số không?
TRẢ LỜI: Mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT công bố tính cho thí sinh ở KV3, chưa có điểm ưu tiên. Mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp điểm sàn giảm 0,5 điểm, đối tượng ưu tiên kế tiếp điểm sàn giảm 1 điểm. Điểm sàn được xác định bằng điểm 3 môn thi, không nhân hệ số.
HỎI: Lúc nào thì các trường công bố điểm chuẩn?
TRẢ LỜI: Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì sau khi công bố điểm sàn ĐH, CĐ thì các trường sẽ xây dựng điểm chuẩn và công bố cho thí sinh theo nguyên tắc điểm trúng tuyển vào trường/ngành không được thấp hơn mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra. Hạn cuối để các trường công bố điểm trúng tuyển NV1 là trước ngày 25/8.
HỎI: Sau khi có kết quả thi, các trường thường công bố điểm chuẩn dự kiến. Vậy điểm chuẩn dự kiến có bao giờ thay đổi không?
TRẢ LỜI: Theo quy định thì sau khi các trường xây dựng phương án điểm trúng tuyển thì phải báo cáo lại Bộ GD-ĐT. Sau khi nhận được báo cáo thì Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt là đồng ý hay không đồng ý với phương án đó. Nếu đồng ý thì các trường sẽ ngay lập tức công bố còn nếu không phê duyệt thì các trường phải thực hiện lại để đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT đưa ra.
Các phương án thường không được phê duyệt là tuyển quá chỉ tiêu theo quy định, lấy điểm chuẩn quá cao nên không đủ chỉ tiêu trong khi lại không có phương án xét tuyển NV2, xây dựng điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT, xây dựng điểm trúng tuyển lệch với dữ liệu tuyển sinh…
Chính vì những lý do này mà điểm chuẩn dự kiến có thể tăng hoặc giảm tùy theo từng tình huống cụ thể. Tuy nhiên qua nhiều mùa tuyển sinh cho thấy các trường thường thực hiện khá nghiêm túc với quy định của Bộ nên thường điểm chuẩn chính thức không sai lệch so với điểm chuẩn dự kiến.
HỎI: Trong quy định về xét tuyển, Bộ GD-ĐT có quy định về điểm sàn và điểm tối thiểu. Cho em hỏi hai điểm này có gì khác nhau?
TRẢ LỜI: Điểm tối thiểu có thể hiểu chính là điểm sàn đối với kết quả thi theo đề Cao đẳng (CĐ) chung của Bộ GD-ĐT (đối với các trường CĐ tổ chức thi trong đợt ba). Do mức độ yêu cầu của đề thi đại học (ĐH) và đề thi CĐ khác nhau nên Bộ không quy định một điểm sàn chung cho hệ CĐ đối với cả hai đề ĐH và CĐ. Vì thế đối với kết quả thi theo đề ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ xác định điểm sàn ĐH và điểm sàn CĐ (thấp hơn 3 điểm tương ứng với từng khối thi) làm điều kiện để thí sinh được tham gia xét tuyển.
Còn đối với kết quả thi bằng đề thi CĐ, mức điểm để đủ điều kiện tham gia xét tuyển sẽ là một mốc điểm tối thiểu. Quy định là “điểm tối thiểu” để phân biệt với “điểm sàn CĐ”. Tùy theo kết quả thi cụ thể của thí sinh, mức điểm tối thiểu có thể bằng hoặc cao hơn hay thấp hơn điểm sàn CĐ.
HỎI: Đối với các đối tượng ưu tiên thì việc xác định điểm chuẩn như thế nào?
TRẢ LỜI: Điểm chuẩn mà các trường công bố là mức điểm dành cho thí sinh không thuộc diện ưu tiên (KV3). Điểm trúng tuyển dành cho thí sinh có điểm ưu tiên sẽ thấp hơn điểm chuẩn này từ 0,5 đến 3,5 điểm (tùy từng đối tượng, khu vực).
HỎI: Xin cho biết dựa trên căn cứ nào để các trường xác định điểm chuẩn?
TRẢ LỜI: Việc xác định điểm chuẩn được xây dựng theo nguyên tắc: căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số sinh viên dự bị của trường và sinh viên các trường dự bị ĐH được phân về trường), căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi, căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển, căn cứ điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định.
Điểm thi của thí sinh có thể thay đổi theo từng năm phụ thuộc vào số thí sinh dự thi, chất lượng thí sinh dự thi, độ khó dễ của đề thi... vì vậy điểm chuẩn của 1 trường cũng có thể thay đổi theo từng năm..
HỎI: Giả sử chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành là 120 nhưng số đăng ký dự thi là 100 thí sinh, vì số lượng tham gia dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh nên cả 100 thí sinh này có được trúng tuyển hết không?
TRẢ LỜI: Hoàn toàn không có chuyện đó vì yêu cầu tối thiểu các thí sinh phải đạt điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định. Bên cạnh đó, trường còn đưa ra điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc cao hơn điểm sàn chung. Nếu chưa đủ chỉ tiêu, các trường sẽ xét tuyển NV2, NV3.
HỎI: Nếu em thi ĐH không đủ điểm sàn thì có trường ĐH nào có điểm chuẩn dưới điểm sàn không? Cho em danh sách các trường ĐH lấy điểm chuẩn dưới điểm sàn và danh sách các trường ĐH không cần thi tuyển sinh mà chỉ xét điểm tốt nghiệp THPT?
TRẢ LỜI: Điểm sàn là điểm tối thiểu để các trường xây dựng điểm chuẩn. Chính vì thế không bao giờ có điểm chuẩn dưới sàn. Nhưng em cũng cần phân biệt rõ một chút: Mức điểm sàn công bố là tính cho thí sinh ở KV3. Mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm, khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm.
Hiện nay nếu em xác định hệ ĐH chính quy thì không có trường nào xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu em học hệ ĐH từ xa thì không cần phải thi chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện.
Tin tức liên quan:
>> Điểm sàn - tiềm ẩn rủi ro /Điểm sàn 2013 sẽ được tính theo cách mới
>> Dưới điểm sàn không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Theo Thông tin tuyển sinh