Tuyển sinh > Trường quốc tế > Đại học Quốc tế

Trách nhiệm xã hội gắn liền với hiểu biết về các vấn đề toàn cầu và nỗ lực tìm ra “chìa khóa” giải quyết các vấn đề đó. Tại RMIT Việt Nam, sinh viên sớm được làm quen với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương và trên thế giới qua các ví dụ thực tế được lồng ghép vào bài giảng. Trong các bài tập, giảng viên luôn hướng sinh viên kết hợp kiến thức quốc tế cùng hiểu biết về thị trường địa phương để đưa ra những giải pháp bền vững - vừa giải quyết vấn đề đặt ra, vừa hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển.

Môi trường giáo dục đề cao trách nhiệm xã hội tại RMIT

Sinh viên quốc tế tham gia các trò chơi trong “Lễ hội dân gian” tại RMIT.

Tinh thần này được thể hiện rõ qua hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên RMIT. Năm 2013, câu lạc bộ sinh viên C.A.N (Community Action Network - Hành động vì cộng đồng) của trường đã tổ chức thành công “Lễ hội dân gian”, nhằm mang các bạn sinh viên quốc tế đến gần hơn với cộng đồng địa phương. Số tiền thu được từ các hoạt động và quầy bán vật phẩm đã được chuyển thành hàng trăm món quà ý nghĩa trị giá khoảng 20 triệu đồng cho hơn 100 cụ già neo đơn tại mái ấm Thiên Ân.

Bên cạnh các dự án trong cộng đồng, trường luôn khuyến khích sinh viên mở rộng tầm nhìn và tích lũy kinh nghiệm qua việc đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận. Thông tin tình nguyện cũng như các dự án ý nghĩa thường được chia sẻ trên bảng thông tin, thư điện tử và qua các giáo viên, nhân viên trường.

Nhờ nguồn thông tin đa dạng này, sinh viên RMIT dễ dàng tìm được nhiều cơ hội để vận dụng khả năng riêng đóng góp cho cộng đồng. Trong dự án hỗ trợ quán cà phê Nhân Đạo của Trung tâm hỗ trợ và phát triển trẻ tự kỷ Sao Mai, các sinh viên thuộc câu lạc bộ Enactus RMIT tại Hà Nội đã vận dụng kiến thức về kinh doanh và marketing để đổi mới hình ảnh quán, phát triển hệ thống quản lý hỗ trợ trẻ em tự kỷ và xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Môi trường giáo dục đề cao trách nhiệm xã hội tại RMIT

Khách nước ngoài thích thú khi thấy các em nhỏ ở trung tâm Sao Mai tham gia phục vụ tại quán cà phê Nhân Đạo.

Sau một năm nhận được sự hỗ trợ từ các sinh viên RMIT, doanh thu của quán đã tăng hơn 50%, đạt 152 triệu đồng, phục vụ trên 16.000 lượt khách. Từ năm 2011 đến nay, dự án đã hỗ trợ trên dưới 100 trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, giúp các em nâng cao kỹ năng xã hội và hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều giáo viên, nhân viên của trường cũng là tình nguyện viên tích cực ở các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước như Trung tâm LIN, Operation Smile, KOTO, Saigon Children’s Charity… Họ chính là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội ứng dụng kiến thức và kỹ năng quốc tế vào các hoạt động kết nối, xây dựng cộng đồng.

Đều đặn mỗi năm, các sinh viên RMIT do cô Fiona Terry, Trưởng phòng Nhân sự Đại học RMIT Việt Nam dẫn dắt đều dành hai tuần hỗ trợ phiên dịch cho đội ngũ chuyên gia y tế Australia đến Việt Nam để tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa cho các y bác sĩ ở nhiều bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 & 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…

Môi trường giáo dục đề cao trách nhiệm xã hội tại RMIT

Sinh viên chương trình tiếng Anh của RMIT tham gia hoạt động tình nguyện cùng cô Fiona Terry.

Tại RMIT Việt Nam, các hoạt động vì cộng đồng là một phần không thể thiếu. Đây là cơ hội để sinh viên xây dựng tinh thần trách nhiệm, ứng dụng kỹ năng, kiến thức quốc tế để mang đến thay đổi tích cực cho cộng đồng địa phương. Quan trọng hơn, chúng còn là những trải nghiệm vô giá, giúp các bạn mở rộng tầm mắt và thay đổi cách nhìn về cuộc sống.

Quyền Ngọc Khánh, thành viên CLB Enactus tham gia dự án cà phê Nhân Đạo, chia sẻ: "Em học được rằng một nhà lãnh đạo không chỉ đơn thuần quan tâm tới sự phát triển của tổ chức hay doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người và làm thế nào để mang lại những đóng góp tích cực cho cộng đồng". Ngọc Khánh là một trong rất nhiều bạn trẻ bước ra từ RMIT Việt Nam và đại diện cho một thế hệ công dân toàn cầu đầy triển vọng, một thế hệ trẻ biết kết hợp kiến thức và tầm nhìn quốc tế để tìm ra “chìa khóa” giúp phát triển cộng đồng địa phương.

(Nguồn: RMIT Việt Nam)