Mỗi ngày đến lớp dệt sợi nhớ, sợi thương

Cô Hoàng Thị Tuyền trao đổi bài với học sinhCô Hoàng Thị Tuyền trao đổi bài với học sinh
GD&TĐ -  Câu chuyện của cô giáo Hoàng Thị Tuyền - giáo viên Trường THCS Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) - cho thấy: Điều kết nối, vấn vít mỗi bước chân đến trường của học sinh miền núi chính là tình cảm, là sợi nhớ, sợi thương từ cô giáo hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.

Vượt bao khó khăn để thắp sáng tình yêu nghề

Nhiều đồng nghiệp “vùng xuôi” lần đầu gặp cô giáo Hoàng Thị Tuyền là thời điểm cách đây khoảng 2 năm, khi cô về Hà Nội dự lễ biểu dương những nhà giáo tiêu biểu công tác tại vùng cao, biên giới, hải đảo do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ấn tượng còn đọng lại cho đến bây giờ về cô là gương mặt rất hiền và giọng nói ấm áp, cuốn hút, đúng “chất” của giáo viên văn.

Cô kể: Ngay sau khi ra trường năm 1986, mình về công tác tại huyện vùng khó của tỉnh Cao Bằng. Những ngày mới vào nghề cũng là giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, cơ chế bao cấp, đời sống giáo viên thiếu thốn đủ bề, có lúc 2 - 3 tháng không có gạo, nhiều lúc phải dựa vào dân, ăn ở cùng dân, dân nuôi và nhờ sự hỗ trợ của gia đình...

Giáo viên khi đó không chỉ phải vượt qua khó khăn về đời sống mà trong dạy học cũng phải nỗ lực rất nhiều. Không vượt khó sao được khi cơ sở vật chất lớp học tồi tàn, rách nát, nhà tranh vách lá; trang thiết bị phục vụ cho dạy học hầu như không có.

Nhớ như in những băn khoăn, trăn trở trong thời gian đó, làm sao để khó khăn nhưng mình vẫn dạy tốt, giúp học sinh học tốt, cô Tuyền tâm sự: Khi đó, tôi đã tranh thủ mọi cơ hội để được thường xuyên học tập, tự học, tự nghiên cứu, từ đó nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Rồi tự nguyện tự bỏ tiền riêng tích cóp từ đồng lương giáo viên hạn hẹp để mua tài liệu, trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc dạy học.

Giáo viên dạy ở miền núi, thời nào cũng là thiếu thốn, vất vả, như một thử thách bản lĩnh, sức chịu đựng của các “chiến sĩ giáo dục”. Hồi cô Tuyền dạy học, trình độ dân trí chưa phát triển, cha mẹ học sinh đa số không biết chữ, giao tiếp còn nhiều hạn chế... 

Học sinh đến lớp lại cứ nói với thầy cô bằng tiếng dân tộc, “rào cản về ngôn ngữ” quá lớn đối với các em và cả giáo viên. Sau giờ lên lớp, cô Tuyền lại ngồi nghĩ, cứ thấy tiếc sao lúc nãy không thể nào truyền tải để học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học, nhịp điệu một câu thơ... 

Và để giúp học sinh “cảm văn”, cảm cả tâm huyết của người thầy, những giáo viên như cô Tuyền đã học tiếng dân tộc, để khi gặp từ khó, giáo viên có thể dịch ra tiếng của học sinh. Nếu những từ không có tiếng dân tộc, phải tìm tiếp các từ tương ứng để giảng giải.

“Dạy Văn ở miền núi là một công việc vô cùng phức tạp. Các em phát âm không chuẩn, hay đọc lẫn các âm... Tôi và các đồng nghiệp đã khắc phục hạn chế này bằng cách tăng cường giao tiếp với học sinh, kể cả ngoài giờ lên lớp. 

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi ngoại khoá về tiếng Việt, tăng cường nhiều hoạt động để các em bộc lộ suy nghĩ của mình, từ đó mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đôi khi, cô hát trò nghe, hay trò múa, cô đánh nhịp… vừa thêm gắn bó, thân thiết, vừa đạt hiệu quả giáo dục không ngờ” - cô Tuyền chia sẻ.

Góp quỹ bằng… ngô


Mỗi ngày đến lớp dệt sợi nhớ, sợi thương - Ảnh 2Cô giáo Hoàng Thị Tuyền  Cô Tuyền kể: Học sinh Trường THCS Pác Bó đa phần rất nghèo. Giai đoạn khó khăn chung của đất nước, có lúc 3- 4 em chung nhau một quyển sách giáo khoa; bút mực, sách vở. Mùa đông rét buốt, có em chỉ một manh áo mỏng mặc đến lớp, thương vô cùng.

 

Trăn trở vì học sinh, tìm mọi cách có thể để giúp học sinh của mình bớt phần nào khó khăn, cô Tuyền đã phối hợp cùng giáo viên Tổng phụ trách Đội phát động phong trào gây quĩ “Vòng tay bạn bè”, “Áo ấm tặng bạn”...; có những lúc học sinh không có tiền, phải nộp bằng vật chất như ngô, đỗ... cô sẵn sàng mang bán rồi qui ra tiền nộp kế hoạch nhỏ của các em.

Không chỉ bỏ tiền cá nhân quyên góp giúp học sinh, trong công tác chủ nhiệm, cô Tuyền đã lập danh sách những học sinh hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trình lên chính quyền địa phương để được miễn giảm các khoản đóng góp. Rồi vận động Hội cha mẹ học sinh, Hội Chữ thập đỏ, Quĩ bảo vệ trẻ em, quĩ Hội khuyến học... cùng vào cuộc, giúp các em giảm bớt được phần nào khó khăn trong học tập.

Sợi dây tình cảm của cô giáo vấn vít mỗi bước chân trò nghèo

Người dân miền núi hầu hết sống bằng nghề nông, đến mùa vụ (khoảng ra Giêng và tháng Hai âm lịch), học sinh thường nghỉ học dài ngày để lên rẫy phụ giúp cha mẹ, có những em sau đó không đến trường nữa. 

“Chúng tôi đã phải đến từng nhà để thuyết phục, động viên các em đi học. Có phụ huynh đã nói với giáo viên: “Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ làm việc thôi. Nhận thức của phụ huynh như vậy nên công tác duy trì sĩ số gian nan vô cùng.” - cô Hoàng Thị Tuyền chia sẻ.

Không chỉ cái nghèo cản trở con đường đến trường, ở các xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, nhiều học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp, khó khăn đó khiến giáo viên luôn đau đầu để có thể duy trì sĩ số. 

Thôi thì cứ tự nhủ lòng cố gắng hết sức, cố dạy học thật hấp dẫn, quan tâm đến từng học sinh, để rồi không biết từ lúc nào, cô Tuyền và các thầy cô giáo vùng cao được học sinh, phụ huynh coi là một người thân của mình.

Và kết nối, vấn vít mỗi bước chân đến trường của học sinh miền núi chính là tình cảm, là sợi nhớ, sợi thương từ cô giáo hết lòng vì nghiệp “trồng người”.

Trường nghèo, trò nghèo, giáo viên cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thế nhưng, với tất cả sự say mê, yêu nghề, cô Tuyền đã đào tạo được hàng chục học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Sở GD&ĐT Cao Bằng ghi nhận biểu dương là điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục trong Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2004 - 2009.  


Kỷ niệm về “vợ chồng” học sinh lớp 7 ngồi chung một bàn

 

Những năm 1990 trở về trước, học sinh vùng cao thường đi học quá tuổi nên các em ngại đi học. Bên cạnh đó, những dân tộc ít người như Mông, Dao... có phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm. Vậy nên học sinh hôm nay đang học bình thường, thoắt hôm sau đã nghỉ học để làm dâu. 



Ở lớp cô Tuyền dạy có học sinh đang học lớp 7 bỏ học lấy chồng. Cô đã lặn lội hàng chục cây số đến nhà 2 học sinh, động viên các em, “dân vận” người nhà, có lúc tưởng chừng “bó tay.com”. 



“Mưa tình cảm thấm lòng”, biết được sự vất vả, tận tâm của cô giáo, 2 vợ chồng học sinh đã tiếp tục đến lớp và ngồi chung một bàn, theo học cô Tuyền đến hết bậc THCS. 


Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục"Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: [email protected]; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)