>> Giáo dục, tuyển sinh, đào tạo, tuyển sinh đại học
Tình trạng thương mại hóa giáo dục ngày càng thể hiện rõ trong chính hệ thống trường công khi một số tỉnh thành có chủ trương thực hiện mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng bất công trong cạnh tranh giữa trường công và tư.
Chuyển trường vì sợ... chất lượng cao !
Tổ chức trường/lớp chất lượng cao đã trở thành phong trào lan từ các quận nội thành sang ngoại thành Hà Nội. Chẳng hạn H.Từ Liêm dành một khoản kinh phí không nhỏ đầu tư gần như cùng một lúc 2 trường chất lượng cao tại khu đô thị mới xã Xuân Phương. Mỗi trường xây dựng trên khuôn viên rộng 8.000 - 9.000 m2 với hệ thống phòng học, phòng chức năng, khu bán trú, bếp ăn - nhà ăn, phòng tập đa năng, bể bơi trong nhà... hiện đại.
Những năm qua, Hà Nội đã cho phép thí điểm 18 trường theo mô hình này, nhưng chưa áp dụng những tiêu chí cụ thể. Năm nay là năm đầu tiên Hà Nội ban hành các văn bản quy định cụ thể về cơ chế chính sách thực hiện mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Lộ trình TP đặt ra từ nay đến năm 2015 là sẽ có 35 trường chất lượng cao.
Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công
Tháng 6 năm nay UBND TP.Hà Nội ra quyết định ban hành bộ tiêu chí xác định trường chất lượng cao (áp dụng cả cho trường tư và trường công), đồng thời ban hành quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao cho mô hình trường này. Nghị quyết 15 ban hành ngày 17.7 của HĐND TP.Hà Nội quy định từ năm học 2013 - 2014, trường công lập chất lượng cao được phép thu học phí mức tối đa từ 2,9 triệu đồng/học sinh/tháng (mầm non và tiểu học) đến 3 triệu đồng/học sinh/tháng (THCS, THPT).==> Quy định về trường học chất lượng cao tại Hà Nội
Những thông tin vừa nêu được phát ra trước thời điểm năm học mới bắt đầu đã khiến không ít phụ huynh nghèo có con học ở trường nằm trong danh sách sẽ trở thành trường chất lượng cao vô cùng lo lắng. Một phụ huynh Trường mầm non 20.10 cho hay: “Với mức lương công chức của cả hai vợ chồng, tôi rất hài lòng với điều kiện giáo dục của trường hiện nay. Tuy nhiên, nếu nhà trường chuyển sang mô hình chất lượng cao và thu tới gần 3 triệu đồng/tháng thì gia đình tôi buộc phải chuyển con sang trường công lập đại trà”.
Nhà nước đóng nhầm vai
Với nhiều chuyên gia, chủ trương dùng tiền nhà nước đầu tư cho mô hình trường công chất lượng cao dù giải thích kiểu gì cũng là ngụy biện. Nhà nước không thể vì lợi ích của một bộ phận mà phải đảm bảo quyền lợi, bình đẳng cơ hội học tập cho mọi người.
Theo các chuyên gia, thay vì đầu tư vào mô hình chất lượng cao, nhà nước nên dùng kinh phí đó để xây thêm trường công đại trà ở những nơi học sinh còn chen chúc nhau trong những lớp học 50 - 60 em hoặc nâng cao cơ sở vật chất trường lớp ở những vùng khó khăn. Nhận xét về thực trạng này, GS Phùng Hồ Hải, Phó viện trưởng Viện Toán học - Viện Khoa học công nghệ VN, nói: “Tiền nhà nước đã ít, giờ lại đổ vào chỗ trũng”.
Giáo sư Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cho rằng: “Việc cho phép trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao rất dễ dẫn đến sự bóp méo chức năng của trường công lập, nơi sử dụng ngân sách nhà nước để đảm bảo quyền lợi học tập của đa số dân cư ở khu vực trường đóng”. Ông Lộc lý giải, đối với những gia đình có điều kiện, họ chỉ cần thêm một chút tiền vào khoản ngân sách đã chi trả, nghiễm nhiên họ được hưởng một dịch vụ giáo dục chất lượng cao, thuận tiện, sang trọng hơn ở trường công lập bình thường... Trong khi đó, đáng ra, nếu họ muốn hưởng một điều kiện như vậy thì phải học ở trường tư thục. “Như vậy, mô hình này vô tình tạo điều kiện cho một nhóm người “chiếm đoạt” ngân sách nhà nước đầu tư trường công lập để hưởng thụ một chất lượng giáo dục cao hơn”, ông Lộc khẳng định.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga - Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội), cũng phân tích thực trạng điều kiện đảm bảo giáo dục ở các trường công hiện nay rồi kết luận việc nhà nước đầu tư vào trường chất lượng cao là việc làm vô bổ. “Chức phận của nhà nước là lo cho giáo dục quốc dân, giáo dục cho mọi người. Vì vậy trước hết nhà nước cứ đầu tư vào hệ phổ thông đại trà, đảm bảo một hệ thống trường lớp cho con em người dân được học đến nơi đến chốn mà không phải nộp các loại phụ phí. Chất lượng đại trà chưa thực sự giải quyết được thì bàn tới chất lượng cao làm gì?”, ông Khôi băn khoăn.
Theo tiến sĩ Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines, việc trường công lập mà thu học phí đã là bất cập, nếu thêm chuyện phân biệt trường công lập đại trà và trường công lập chất lượng cao lại càng không ổn.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse - Pháp, cũng lo ngại mô hình này. Ông Dũng phân tích: Các trường công chất lượng cao này thường là trường nằm sẵn ở vị trí tốt, nhà cửa tử tế, thầy cô tốt... Nói tóm lại là đã được đầu tư công tốt hơn nhiều so với nhiều trường khác. “Nay ngăn chặn con nhà nghèo vào học các trường đó bằng việc đặt học phí cao sẽ càng gây thiệt thòi cho các gia đình thu nhập khiêm tốn, và đặc biệt là cho các học sinh giỏi xuất thân từ các gia đình đó, đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của thế giới về xã hội”, ông Dũng nói.
Thực trạng này cũng khiến Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lo lắng: “Tôi ngờ rằng đây là cách làm lấn dần từng bước để tăng học phí. Ban đầu làm 35 trường, sau đó lên 60 trường, 100 trường rồi dần dần hơn một nửa số trường là chất lượng cao. Cuối cùng họ biến một nền giáo dục học phí thấp thành một nền giáo dục học phí cao”.
Chưa có trường nào được công nhận
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, đến thời điểm này, chưa có trường công lập nào áp dụng mức học phí chất lượng cao, kể cả những trường đã thí điểm. Theo ông Phạm Văn Ðại, Phó giám đốc Sở GD-ÐT Hà Nội, hiện nay mới đang trong quá trình triển khai các quy định về trường chất lượng cao, chưa có trường nào chính thức được công nhận. Khi nào được ngành GD-ÐT thẩm định thì trường mới được công nhận. Khi đã được công nhận, các trường mới bắt đầu được thu tiền theo khung chất lượng cao. Như vậy, năm học 2013 - 2014 mới đang trong giai đoạn thẩm định, công nhận cho nên sẽ thu học phí như những năm trước đây; từ năm học 2014 - 2015 nếu trường nào được công nhận thì mới bắt đầu thu học phí theo khung trường chất lượng cao đối với học sinh đầu cấp.
Theo Lê Đăng Ngọc, Tuệ Nguyễn - Thanh niên