Một năm hơn 24 ngàn tỉ đồng dành cho học thêm?
Thầy Trợ phân tích: “Nước ta có khoảng 20 triệu người đi học. Ước chừng một nửa trong số đó thường xuyên tham gia học thêm. Và giả sử, trung bình mỗi tháng, mỗi người phải trả học phí là 200 nghìn đồng thì mỗi năm, tổng số học phí của cả nước sẽ là 24 nghìn tỷ đồng. Tức là, mỗi năm toàn dân phải chi trả hơn 1 tỷ USD cho việc học thêm của con em”. Ngoài ra, thầy Trợ cũng nhẩm tính, nếu trung bình mỗi ngày các học sinh đó mất một buổi cho việc học thêm, thì tính cả nước, các em học sinh sẽ mất khoảng 1.800 triệu ngày vui chơi hoặc lao động giúp gia đình.
“Một tỷ đô la, cộng với 1.800 triệu ngày công, đổi lại được gì? Các em học sinh sẽ hiểu hơn được những kiến thức ngày càng cao siêu trong chương trình ư ? Làm sao các em hiểu được, khi mà chính những người soạn ra nó, cũng không ít lần kêu nó quá hàn lâm và quá tải. Hay là, đổi lại được một điều, là điểm đầu vào các trường ĐH sẽ cao lên. Cao lên bao nhiêu, khi mà các trường ĐH năm nào cũng kêu không tuyển đủ sinh viên?”, thầy Trợ nói.
Căn nguyên do đâu?
Theo thầy Trợ, việc học thêm là một nhu cầu đương nhiên và đi cùng với đó, việc dạy thêm đáp ứng một cách tự nhiên nhu cầu đó. Tuy nhiên, chuyện dạy thêm, học thêm trở nên bùng phát lại có những lý do nhất định, mà hai nguyên nhân chính là chương trình nặng và bệnh thành tích trong giáo dục. Hai điều này, phải chăng do chính Bộ GD&ĐT tạo ra?
"Nguyên nhân đầu tiên làm bùng phát nhu cầu học thêm, đó là chương trình, SGK nặng nề. Người học không hiểu bài với thời lượng chính khóa và cũng không hiểu nổi ngay cả khi tự học ở nhà khiến phát sinh nhu cầu học thêm. Thực ra, chương trình ngày nay cũng đã giảm tải đáng kể nhưng dường như theo quán tính và hấp dẫn của thu nhập, “cỗ máy” dạy thêm học thêm vẫn chạy hết công suất. Nguyên nhân thứ hai nằm ở cách tổ chức thi cử của Bộ GD&ĐT cùng với bệnh thành tích đi kèm theo nó. Các phòng ban và sở thường lấy thành tích học sinh giỏi và kết quả thi ĐH để đánh giá thi đua các trường, nên nhà trường yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng thêm cho học sinh. Lúc đầu, việc học thêm là hoàn toàn tự nguyện và hầu như là miễn phí, chuyện dạy thêm làm giàu chỉ xuất hiện sau này. Do đó, chuyện các thầy cô tìm cách ép học sinh học thêm chỉ là tiêu cực phái sinh” - Thầy Trợ phân tích.
Khi nhu cầu học thêm cao, thu nhập từ việc dạy thêm “hấp dẫn” các nhà trường và giáo viên. Và “miếng bánh” dạy thêm này phút chốc trở thành “tài sản chung” của ngành giáo dục. “Như vậy, quốc nạn học thêm có căn nguyên từ chính Bộ giáo dục đào tạo, và người vô tình (thậm chí sau đó một bộ phận cố tình do sức hấp dẫn của thu nhập) tiếp tay và dung dưỡng cho quốc nạn này lại chính là các thầy cô trong ngành giáo dục”, thầy Trợ cho biết.
Chiếm hết thời gian dành cho kỹ năng sống
Theo thầy Trợ, quốc nạn học thêm này lại chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế học sinh của chúng ta đang ngày càng thiếu đi những kỹ năng sống tối thiểu. Thầy Trợ lấy dẫn chứng, có rất nhiều học sinh ở thành phố, mỗi ngày đều 3 ca học thêm: tại trường, tại nhà riêng của thầy cô dạy chính khóa, và học thêm với giáo viên ngoài. Thậm chí, có những phụ huynh phải khốn khổ đưa cơm đến trước cửa lớp học, chỉ để con kịp ăn cho kịp “chạy sô” học.
“Như vậy, tính cả chương trình học chính khóa buổi sáng, những học sinh đó được nhai lại kiến thức bốn lần cùng một nội dung, nhưng được chế biến theo bốn kiểu và được nhồi nhét theo bốn cách khác nhau. Vậy đừng trách học sinh thời nay thiếu kỹ năng sống. Đừng trách các em không biết làm những công việc trong gia đình hay không quan tâm đến tình hình chính trị kinh tế của đất nước”, thầy Trợ chia sẻ.
Thầy Trợ cũng cho rằng, việc học thêm dù có được tách ra là “tự nguyện” hay “bị ép buộc”, dù phân biệt là được tổ chức “trong trường” hay “ngoài trường”, dù người dạy có được “cấp phép” hay “bất hợp pháp”, thì nó vẫn sẽ là một gánh nặng đeo đẳng mỗi học sinh.
Do đó, theo thầy Trợ để xóa bỏ "quốc nạn" này, việc tối cần thiết là phải làm giảm nhu cầu học thêm của học sinh. Và một trong những việc làm mà thầy Trợ đánh giá Bộ GD đang đi đúng hướng đó là cho cải tiến chương trình, SGK theo hướng giảm tải. Cùng với đó, là việc thay đổi hình thức và nội dung các kì thi khi kết hợp thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH thành một kì thi chung, theo nguyên tắc "học gì thi nấy".
Theo infonet.vn, tin gốc: http://infonet.vn/giao-vien-20-nam-day-gioi-mot-nam-ton-24-ngan-ty-vi-hoc-them-post156541.info
Sự kiện: Kỹ năng sống, dạy thêm, học thêm, đào tạo
Video đang được xem nhiều: Kỹ năng giao tiếp
Click để xem chi tiết chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử