Thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 đã kết thúc. Theo đó, tỷ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội có chiều hướng gia tăng. Lý do đề thi các môn xã hội của năm trước tương đối gần gũi, thí sinh có thể suy luận được. Song song đó, nhiều bạn đăng ký chỉ vì muốn dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp, còn xét tuyển Đại học đã có các phương thức khác như xét học bạ, thi đánh giá năng lực.
> Danh sách trường ĐH chấm trắc nghiệm 63 cụm thi THPT quốc gia 2019
> Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia 2019 giảm gần 40.000 so với năm ngoái
Hơn 52% TS chọn bài thi khoa học xã hội
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, cả nước có hơn 886.000 TS đăng ký dự thi, trong đó có hơn 653.000 TS đăng ký lấy kết quả để xét tuyển ĐH. Với 2 bài thi tự chọn, có hơn 468.000 TS đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHXH (chiếm 52,83%); bài thi tổ hợp KHTN có gần 302.000 TS đăng ký dự thi (chiếm 34,07%). Có hơn 27.000 TS đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Hà Nội có số TS đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000, tiếp đến là TP.HCM với gần 71.000.
Hầu hết hiệu trưởng các trường THPT tại TP.HCM đều nhận xét, tỷ lệ học sinh (HS) chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) có chiều hướng gia tăng.
Chẳng hạn Trường Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), số HS chọn bài thi KHXH tăng khoảng 12% so với năm trước. Ở Trường Hùng Vương (Q.5), năm nay số HS chọn bài thi KHXH cũng “nhích” lên khoảng 10%. Hay ở Trường Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), số HS chọn bài thi này tăng thêm một lớp so với năm 2018.
Trường Bùi Thị Xuân (Q.1) tăng khoảng 10%. Ở trường này có khoảng 10 HS chọn đến 20 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH. Trong đó có những HS chọn từ 3 đến 4 ngành để xét tuyển trong một trường ĐH.
Riêng Trường Marie Curie (Q.3), tỷ lệ HS chọn bài thi KHXH chiếm thế áp đảo so với bài thi khoa học tự nhiên (KHTN). Trong số 877 HS thì có 395 chọn bài tự nhiên và 482 chọn bài xã hội.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề thi các môn khoa học xã hội tương đối gần gũi cuộc sống
Tham gia chủ yếu để tốt nghiệp
Lý giải về xu hướng chọn bài thi KHXH, ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cho rằng do HS chỉ cần đậu tốt nghiệp còn ĐH thì đã sử dụng phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực nên áp lực chọn ĐH sau thi không cao như các năm trước.
Còn ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cho rằng sở dĩ tỷ lệ HS chọn bài thi KHXH tăng vì sự thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp trong đó, điểm thi tăng lên 70% nên thí sinh (TS) phải đảm bảo an toàn cho mục tiêu tốt nghiệp.
Thêm nữa, qua tham khảo nội dung bài thi KHXH trong các kỳ thi trước, ông Yên nhận định, đề thi xã hội tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Do vậy, ông Yên cho biết những HS chưa thật sự vững về kiến thức các môn KHTN thường có xu hướng chọn bài thi KHXH.
Ý kiến Chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp Em tham dự kỳ thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nên chọn bài thi KHXH cho nhẹ nhàng. Ngay từ năm lớp 11 em đã tìm hiểu các thông tin để đưa ra quyết định này. Thực sự, để làm được bài thi KHTN, em phải học cực hơn và phải có những kiến thức, năng lực, tư duy phù hợp mới có thể tự tin chọn bài thi này. Còn với bài thi KHXH nếu có phương pháp ôn theo sự kiện, chủ đề thì đơn giản hơn. Nguyễn Hoàng Oanh (HS Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM) Bài thi khoa học tự nhiên khó lấy điểm Em thấy làm bài trắc nghiệm KHTN không dễ có điểm vì muốn tìm đáp án phải nắm vững công thức, định lý, định luật của 3 môn lý, hóa, sinh. Nhưng với các môn thuộc bài thi KHXH, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, có hiểu biết xã hội, biết vận dụng tình huống đúng hay sai là có thể có điểm. Trần Hoàng Ngân (HS Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) |
Theo Thanh niên