Lý do 28 học viên cao học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại không được nhận bằng  - Ảnh 1

 

Tuy nhiên, giữa tháng 8-2017, Viện đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại thông tin với một số học viên khóa 22 về việc không được nhận bằng trong buổi lễ tốt nghiệp. Lý do: có phản ảnh trường sai quy chế đào tạo và thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu trường báo cáo về việc này.

Đồng thời, đại diện Viện đào tạo sau ĐH cũng cho biết khi có kết quả từ Bộ GD-ĐT, viện sẽ gọi điện thông báo đến từng học viên.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khóa 22 là khóa cao học cuối cùng đào tạo theo niên chế của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ kinh tế khóa 22 trong 2 năm (2012-2014) tại trường.

Các học viên theo học khóa này có tên trong danh sách đính kèm nêu trong quyết định công nhận trúng tuyển số 2471 ngày 6-10-2012 của hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (theo quy chế, thời gian khóa đào tạo tính từ ngày học viên được công nhận trúng tuyển - PV).

Theo thông báo của Viện đào tạo sau ĐH, nhà trường đã lên kế hoạch đào tạo cao học khóa 22 từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2014. Các học viên phải nộp luận văn từ ngày 31-7 đến 12-9-2014.

Ngày 5-7-2017, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố danh sách 492 học viên cao học đủ điều kiện xét tốt nghiệp đợt 2 năm 2017. Trong 492 học viên này có 33 học viên khóa 22.

Trong số 33 học viên khóa 22 có 28 học viên hoàn thành chương trình học vượt quá thời gian đào tạo tối đa (nộp luận văn sau ngày 6-10-2016 - quá thời hạn đào tạo tối đa là 4 năm, kể từ ngày có quyết định công nhận trúng tuyển).

Theo các học viên, để có thể nộp luận văn ở thời điểm vượt quá thời gian đào tạo tối đa như trên, 28 học viên khóa 22 phải nộp số tiền gia hạn luận văn cho nhà trường.

"Lý do chậm trễ rất chính đáng"

Sáng 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hồ Viết Tiến - viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết 492 học viên trên đều đã bảo vệ luận văn.

 

Lý do 28 học viên cao học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại không được nhận bằng  - Ảnh 2

 

Sau đó, có đơn phản ảnh nên thanh tra Bộ GD-ĐT đã làm việc với trường và nêu danh sách cụ thể 28 học viên khóa 22 hoàn thành chương trình học vượt quá thời gian đào tạo tối đa và không cho phép nhà trường cấp bằng cho các học viên này.

Các học viên này trúng tuyển năm 2012 nên trường áp dụng theo quy chế đào tạo thạc sĩ cũ (quy định thời gian đào tạo 2 năm và được gia hạn thêm 2 năm nữa).

"Xét từng trường hợp học viên cụ thể, nhà trường nhận thấy về lý các học viên này sai do nộp luận văn trễ hạn. Nhưng về tình thì lý do của việc chậm trễ này là chính đáng. Có học viên sinh con, có người được cơ quan cử đi công tác nước ngoài và có một số học viên bảo vệ luận văn lần 2... Vì vậy nhà trường chấp nhận sự chậm trễ trên của học viên.

Các học viên này nộp luận văn trong thời điểm từ ngày 6-10 đến 6-12-2016. Còn những học viên nộp sau thời hạn này chúng tôi không nhận nữa" - ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, thời gian đào tạo chính thức của khóa 22 từ ngày 6-10-2012 đến 6-10-2014, nhưng Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường kéo dài thời gian đào tạo của một khóa cao học tối đa thêm 24 tháng.

Theo đó, cứ mỗi 6 tháng nhà trường làm một đợt gia hạn và thông báo cho học viên đóng tiền gia hạn để giữ giáo viên hướng dẫn. Mức phí này học viên đóng chỉ bằng một nửa so với học phí của một học kỳ.

"Việc đóng tiền gia hạn này là công khai theo quy định của nhà trường" - ông Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Tiến, ngày 25-8-2017, nhà trường đã giải trình xong 28 trường hợp này với thanh tra Bộ GD-ĐT và Vụ Giáo dục ĐH của bộ. "Vì quyền lợi của người học, nhà trường đang cố gắng giúp cho 28 học viên được nhận bằng" - ông Tiến nói thêm.

Bộ GD-ĐT không yêu cầu trường dừng cấp bằng

Ngày 1-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - bác bỏ thông tin cho rằng thanh tra bộ yêu cầu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dừng cấp bằng với 28 học viên cao học khóa 22.

"Thanh tra Bộ GD-ĐT không yêu cầu trường dừng cấp bằng. Khi có thông tin phản ảnh, chúng tôi chỉ yêu cầu trường rà soát, báo cáo. Hiện nay, thanh tra bộ đang phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH xem xét báo cáo của trường để xử lý theo quy chế" - ông Bằng nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ