Nước Mỹ không cần tuyên truyền, trí thức vẫn đến

TS. Tạ Bá Hưng, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia (FIRST) cho biết, theo thống kê hiện nay có khoảng hơn 400.0000 người Việt Nam có trình độ CĐ, ĐH trở lên đang sống và làm việc tại nước ngoài. Đây là tiềm năng rất lớn về chất xám, trí tuệ và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, hàng năm chỉ có khoảng trên dưới 200 chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước giảng dạy và làm việc.

 


Lương tiến sĩ tại Việt Nam không thu hút nhân tài? - Ảnh 1

 

Theo ông Hưng, đối với vấn đề thu hút nhân tài, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất tốt, rất "lung linh" nhưng trên thực tế lại không đi vào cuộc sống được.

Từ năm 2014, Việt Nam đã ban hành Nghị định 87 về thu hút cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực KHCN đến Việt Nam tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển KHCN. Tuy nhiên, đến nay chưa có một chuyên gia nào được mời về làm hoặc đến làm việc.

"Mặc dù từ nội dung Nghị định có thể suy ra rất nhiều cái hay, từ yêu cầu về visa, hợp đồng lao động thậm chí là bổ nhiệm vào các vị trí quản lý nhưng tại sao ngần ấy năm chưa người nào hưởng chính sách tốt đẹp của chúng ta?".

Phân tích nguyên nhân, ông Hưng cho rằng, chúng ta thu hút trí thức về nhưng không giao nhiệm vụ cho họ, không tạo điều kiện môi trường cho họ làm việc, "không có đất cho họ diễn" nên không giữ chân được họ.

Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, làm thế nào để những chính sách đi vào cuộc sống là vấn đề khó nhất trong việc thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.

"Điểm mấu chốt nhất đối với trí thức chính là môi trường. Môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý. Môi trường càng sạch thì trí thức càng tìm đến. Môi trường bẩn thì trí thức sẽ xa lánh" - ông Vẻ nói. "Nước Mỹ có nhiều trí thức tìm đến là vì có môi trường tốt chứ họ không cổ vũ cũng không tuyên truyền".

Ông Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHGQHN cũng chia sẻ, theo một khảo sát mà ĐHQGHN tiến hành thì có tới 70% những người được hỏi xếp yếu tố điều kiện làm việc ở vị trí số 1 trong khi đó, tiền và lương chỉ được xếp ở vị trí số 7.

Điều này cho thấy, điều quan trọng nhất đối với các trí thức ở nước ngoài khi về Việt Nam làm việc chính là môi trường để họ có thể làm việc, cống hiến là quan trọng nhất chứ không phải mức lương.

TS. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch hiệp hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng thì kể rằng, bản thân ông từng biết nhiều trí thức nước ngoài về Việt Nam đầu tư cả dự án triệu đô nhưng bị "hành" nhiều quá nên không chịu được, chấp nhận phá sản rồi bỏ đi.

"Nếu sự việc đó tiếp tục tiếp diễn thì nó loang ra ghê gớm. Bởi chỉ cần 1 sự việc đố thôi là trí thức không dám về nữa" - ông Kể khẳng định.

Không nên câu nệ chuyện về hay ở


Lương tiến sĩ tại Việt Nam không thu hút nhân tài? - Ảnh 2

 

Ông Mai Trọng Nhuận cũng chia sẻ quan điểm rằng, điều quan trọng đối với thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài không phải là chuyện về hay ở. "Quan trọng nhất là sử dụng kiến thức, kỹ năng của họ chứ không nhất thiết người đó phải sống và làm việc ở Việt Nam" - ông Nhuận nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Phú Bình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, các du học sinh đi nước ngoài học xong ở lại cũng tốt, không nên câu nệ.

"Các em có thể làm việc ở đâu đó, sau này sẽ có nhiều trải nghiệm và kiến thức hơn. Vấn đề là sau này chúng ta có thể thu hút để sử dụng các em cống hiến cho đất nước được không" - ông Bình nói.

Một đại diện đến từ Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam thì cho rằng, việc thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề lâu dài chứ không phải nhất thời do đó không nên coi nó như một cuộc vận động.

"Các em học xong có thể ở lại làm việc 20 năm. Quan trọng là sau 20 năm đó các em sẽ về phát triển đất nước" - vị này nói.

Một đại diện đến từ Bộ KHCN thì cho rằng, chính sách thu hút trí thức về Việt Nam sở dĩ không đi vào thực tế vì thiếu thực chất. Nếu không đi vào thực chất, việc thu hút sẽ không thể thực hiện được.

Tán đồng quan điểm chính sách thu hút nhân tài phải đi vào thực chất, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam kể lại câu chuyện của GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, con gái ông học tiến sĩ ở Mỹ về nhưng chỉ nhận mức lượng 3,5 triệu đồng trong khi ở Mỹ lương có thể vài ngàn đô.

"Không biết chính sách thu hút nhân tài của ta thế nào nhưng mức lương đó không bằng lương trả cho ôsin là 5 triệu đồng" - ông Tân nói.

TS Hoàng Văn Kể thì cho rằng, để thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài thì cần có sự quan tâm của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước. "Chúng ta đang phát động sống và học tập theo gương Bác Hồ vậy chúng ta phải nghiên cứu xem vì sao trước đây lại có nhiều trí thức giỏi như vậy về nước cống hiến".

Ông Kể cũng cho rằng, bên cạnh các chuyên gia Việt Nam, Chính phủ cũng nên tìm kiếm những người Việt Nam ở nước ngoài để tham vấn ý kiến giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội đang đặt ra chạy chức chạy quyền, cải cách hành chính sao cho minh bạch, kẹt xe ở hai thành phố lớn, biến đổi khí hậu.

Theo Vietnamnet