Lòng tin nào cho dạy nghề?
Ngay sau khi Chính phủ có quyết định chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ từ Bộ GD-ĐT về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý (nghị quyết số 76/NQ-CP), nhiều trường TCCN và CĐ tỏ ra lo lắng không biết thời gian tới sẽ hoạt động thế nào, nhất là làm sao để học sinh có lòng tin vào nhà trường, xã hội tin vào sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, doanh nghiệp tin vào những người tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ năng lực làm việc.
Sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mới đây, trên 30 trường TCCN và CĐ tập trung tại Hà Nội để chia sẻ những lo lắng, băn khoăn trước nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ cho thấy sự chưa tin tưởng của các trường TCCN và CĐ một khi chịu sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.
Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Luật giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực từ hơn một năm trở lại đây nhưng không thể đi vào cuộc sống chỉ vì sự chuẩn bị không tốt, phê chuẩn vội vàng, không lấy ý kiến của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh cũng như nghiên cứu tác động một khi luật được ban hành. Con số 55,3% đại biểu Quốc hội thông qua cho thấy việc thực thi luật này sẽ có rất nhiều trở ngại.
Các trường TCCN và CĐ có tâm tư băn khoăn chưa tin tưởng vào sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH khi mà về mặt lịch sử TCCN hiện nay và trung học chuyên nghiệp trước đây gắn với ngành giáo dục có đến 114 năm (trường trung cấp y dược đầu tiên thành lập năm 1902). Trong khi Bộ LĐ-TB&XH chỉ biết đến trung cấp nghề, CĐ nghề từ năm 2007 (chỉ có 9 năm).
Xét trên bình diện tâm lý chung, không tin vào kinh nghiệm quản lý TCCN, CĐ của Bộ LĐ-TB&XH như là lẽ tất nhiên bởi lòng tin không thể hình thành một sớm một chiều, đòi hỏi phải có quá trình và phải tin được bằng kết quả hành động thực tế.
Liệu có thể có được lòng tin vào công tác quản lý của Bộ LĐ-TB&XH khi mà hàng chục năm nay đã được đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng nhưng quy mô đào tạo trung cấp hay CĐ thì sao: trường nghề hoành tráng nhưng thiết bị thì đắp chiếu, tuyển sinh khó khăn, tỉ lệ bỏ học cao....
Trong khi các trường TCCN hầu như không được đầu tư, nhưng quy mô đào tạo có năm học lên tới trên 550.000 người, nếu tính cả hệ CĐ tổng quy mô năm 2012 lên đến trên 1,2 triệu. Ngay ở TP.HCM, quy mô đào tạo TCCN, CĐ cũng đã gấp 4 - 5 lần hệ trung cấp nghề và CĐ nghề.
Trong bối cảnh phân cấp, đòi hỏi cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải rất mạnh, am hiểu về giáo dục nghề nghiệp, nhưng nhìn sang các sở LĐ-TB&XH thì phần đông những người làm công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp ở sở LĐ-TB&XH chưa từng đi dạy học. Thực tế cho hay một khi không hiểu hoạt động giáo dục thì cũng sẽ không thể quản lý hoạt động một cách hiệu quả được. Đây là thách thức rất lớn.
Nghị quyết đã ban hành rồi, ngành lao động đã được Chính phủ giao nhiệm vụ, nghĩa là “thị phần” quản lý đã rõ. Nhưng để có thể đảm bảo tính khả thi, cần nhanh chóng thông tin cho xã hội rõ cơ sở khoa học về việc phân công quản lý mới, hành động quyết liệt để sớm nhất có được lòng tin cho xã hội, học sinh, các gia đình và doanh nghiệp.
Mặt khác, Chính phủ cần sớm phê chuẩn cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, kiến nghị sửa Luật giáo dục nghề nghiệp, đưa ra lộ trình xử lý những vấn đề hiện có, những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai để không làm hệ thống GD-ĐT xấu thêm.
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160926/long-tin-nao-cho-day-nghe/1177491.html