Gần đây, nhiều bạn đọc là sinh viên (SV) đang theo học tại các trường ĐH trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM phản ánh về việc bị lừa mất tiền cọc khi tìm phòng trọ thuê.

Lập lờ các khoản đóng

Bạn B.N. (SV năm thứ nhất ĐH Công nghệ TP.HCM) phản ánh: Tháng 8, bạn đến địa chỉ 125..., đường D1, quận Bình Thạnh, xem phòng cho thuê. Đến nơi, chủ nhà dẫn lên lầu hai xem phòng, căn phòng khá thoáng mát. Về giá cả, chủ nhà nói giá phòng 1,3 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước theo giá nhà nước.

N. đồng ý, chủ trọ bảo đặt cọc tiền phòng một triệu đồng. Mấy ngày sau, sinh viên này đến lấy phòng thì chủ trọ đưa cho ký bản hợp đồng có nội dung không giống như những gì họ nói trước đó.

"Ngoài tiền phòng, tôi còn phải trả thêm tiền rác, Wi-Fi, bảo vệ mỗi khoản 100.000 đồng/tháng; tiền giữ xe 300.000 đồng/tháng; tiền điện, nước hết 900.000 đồng… Tính tổng cộng, một tháng tôi phải trả hơn 2 triệu đồng. Với số tiền này, tôi không thể nào đáp ứng. Tôi không đồng ý thì chủ nhà nói không ở thì mất tiền cọc”, N. nói.

Tương tự, bạn H.T., SV năm ba, ĐH Ngoại thương, bức xúc: “Trước, tôi cũng từng ở đây. Lúc xem phòng thì rất tốt nhưng đến cuối tháng, chủ nhà tính đủ các loại tiền. Chỉ riêng tiền điện, tôi đã phải đóng gần cả triệu đồng. Chịu không nổi, tôi phải chuyển đi, cũng bị mất tiền cọc. Ở đây có nhiều sinh viên đến hỏi thuê nhưng chẳng ai ở được lâu”, T. thông tin.

Tại trang Facebook cộng đồng SV Hutech, rất nhiều bạn SV cũng chia sẻ hoàn cảnh bị mất tiền cọc khi đến hỏi thuê phòng trọ tại địa chỉ trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết: “Phường chưa nhận được đơn phản ánh chủ nhà trọ tại địa chỉ trên lấy tiền cọc của SV, không rõ ràng về giá thuê mà chỉ mới nghe người dân nói miệng với nhau, thông tin qua các trang mạng. Phường sẽ kết hợp công an phường thành lập đoàn kiểm tra. Nếu phát hiện chủ nhà có hành vi như trên sẽ xử lý ngay”.

3 lời khuyên thiết thực cho sinh viên thuê trọ

Phải có hợp đồng rõ ràng

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên, cho biết thời gian qua trung tâm cũng thường xuyên nhận phản ánh của SV báo bị lừa mất tiền cọc khi thuê phòng.

Đa phần SV khi đặt cọc chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc hợp đồng không ghi điều khoản rõ ràng. Đối với những trường hợp này, trung tâm khó có thể can thiệp bởi không có bằng chứng cụ thể để nói là họ vi phạm.

Để tránh mất tiền oan, ông Hoàng khuyên SV khi đặt cọc giữ phòng phải lưu ý một số điểm:

Lúc mới vào thuê trọ, SV phải làm hợp đồng rõ ràng về các khoản như giá phòng bao nhiêu, các khoản phải trả khi thuê cụ thể ra sao, thời gian thuê bao lâu… Điều này buộc chủ nhà phải tính rõ chi phí trọ, đồng thời tránh được việc chủ nhà tăng giá bất thường khiến SV ở không nổi, phải bỏ tiền cọc.

Hợp đồng phải chia làm hai bản, mỗi bên giữ một bản. SV có thể tham khảo mẫu đặt cọc, hợp đồng trên mạng và có thể yêu cầu chủ nhà trọ phôtô CMND và hộ khẩu để giữ một bản. Nếu chủ nhà không thực hiện đúng những gì đã cam kết trong hợp đồng, giữ tiền cọc thì SV cầm những giấy tờ này nhờ tổ dân phố, khu phố, công an can thiệp.

Hiện tại, trung tâm liên kết với hơn 1.000 chỗ trọ. Thông tin về chỗ trọ được đăng trên website www.hotrosinhvien.vn hoặc dán trực tiếp tại trung tâm ở địa chỉ 33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.

Các bạn ghi lại mã số nhà trọ muốn thuê rồi đến trực tiếp phòng Hỗ trợ đời sống của trung tâm để được hỗ trợ đến xem phòng trọ. Ngoài ra, trung tâm cũng liên kết với đoàn thanh niên của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM để hỗ trợ SV trong việc thuê trọ.

Tất cả chỗ trọ đã đăng ký tại trung tâm đều được chúng tôi đến khảo sát điều kiện ăn ở, sinh hoạt, an ninh trật tự… Sau khi trung tâm tìm hiểu kỹ mới đưa vào danh sách thông báo cho SV.

Ngoài ra, các chủ nhà trọ đến đây đều thực hiện đúng cam kết và uy tín, giá cả phù hợp. Khi SV thuê trọ ở các địa chỉ đã đăng ký tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh, SV đều được đảm bảo quyền lợi tối đa.

Theo Nguyễn Hiền / Pháp Luật TP.HCM