Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về việc sửa đổi thông tư 08 năm 1988 hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh. Sau gần 30 năm, thông tư này đến nay đã có nhiều bất cập, điển hình như hình thức cảnh cáo học sinh trước toàn trường được nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ vì phản giáo dục.

Chia sẻ với báo chí, Quang Anh (THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cho rằng cảnh cáo trước toàn trường có tác dụng lớn bởi đánh thẳng vào lòng tự trọng của học sinh, làm người phạm lỗi thấy xấu hổ, từ đó có thể sửa chữa sai phạm tốt hơn. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật này quá mạnh bởi bây giờ ý thức cá nhân cũng như lòng tự trọng của học sinh được nâng cao. "Việc bị mọi người nhìn với ánh mắt không thiện cảm sẽ làm cho các bạn thấy căng thẳng, tự ti, suy sụp", em nói.

Lợi - hại khi cảnh cáo học sinh trước toàn trườngTheo nhiều học sinh, phụ huynh việc các em tuổi đang lớn dễ bị kích động tâm lý hoặc bé hơn thì non nớt, nhạy cảm, bị bêu tên trước toàn trường sẽ gây nhiều tác hại. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.

Mai Linh (cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Hà Nội) cũng cho rằng, cảnh cáo trước toàn trường không sai, nhưng chưa thoả đáng và không thực sự hiệu quả. Nó chỉ phù hợp với những vi phạm nghiêm trọng, để làm gương cho các học sinh khác không mắc lỗi theo. Với bạn nào có suy nghĩ chín chắn, chí tiến thủ thì đây là bài học để sửa sai và nỗ lực rèn luyện.

Tuy nhiên, hình thức kỷ luật này gây hại nhiều hơn. Thứ nhất, nó khiến học sinh đang ở tuổi dễ bị kích động về mặt cảm xúc, xấu hổ. Số ít sẽ cố gắng sửa sai nhưng phần đông cảm thấy ức chế, bất mãn và có thái độ tiêu cực với trường lớp, thầy cô. "Em chứng kiến rất nhiều bạn bị phê bình quá nặng nề dẫn đến bất cần, thậm chí chửi thầy cô (phản tác dụng)", Linh nói.

Thứ hai, hình thức này dễ tạo hình ảnh xấu, định kiến lên học sinh đó. Các bạn bị cảnh cáo trước toàn trường có thể bị thầy cô và bạn bè xa lánh, tẩy chay vì cho rằng là người không tốt. Từ đó Mai Linh cho rằng nên loại bỏ và thay bằng cách phạt lao động công ích, đi học lớp đạo đức học sinh. "Với chúng em, việc phải mất thời gian đi lao động, đi học đạo đức 1-2 buổi/tuần rồi làm bài kiểm tra sẽ đáng sợ, khó chịu hơn bị bêu rếu trước trường rất nhiều", Linh chia sẻ.

Lấy ví dụ về nhóm bạn lớp cấp 2 cũ bị nêu tên trong giờ chào cờ đầu tuần nhưng không thấy hối lỗi mà còn tỏ ra thích thú, Tuấn Anh (cựu học sinh THCS Lê Quý Đôn) cho rằng cảnh cáo trước toàn trường không mang lại hiệu quả nhiều. Mạnh Cường (THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc) nhắc chuyện bạn cũ vì không sơ vin, thiếu huy hiệu (không cố ý) mà bị phạt đứng trước toàn trường, sau đó đã gặp vấn đề tâm lý lớn. Các em đều cho rằng, nên bỏ hình thức kỷ luật này để thay bằng phạt lao động công ích sẽ có hiệu quả giáo dục và mang tính nhân văn hơn.

Dưới góc độ phụ huynh, nhiều bà mẹ chia sẻ lo lắng con em có thể bị ảnh hưởng tâm lý khi bị cảnh cáo trước toàn trường. "Việc này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tâm sinh lý của đứa trẻ, nhất là trẻ mới lớn - học cấp 2. Bạn nào mà nhút nhát sẽ càng cảm thấy xấu hổ, tự thu mình lại với xung quanh. Đối với bạn có cá tính thì đây là biện pháp có thể khiến các bạn sẽ càng chống đối thầy cô bằng cách làm ngược lại", phụ huynh em Vân Khánh (tiểu học Đặng Trần Côn, Hà Nội) nói.

Chị Sen (có 2 con học tiểu học và THCS Khương Thượng, Hà Nội) cũng cho rằng, học sinh rất nhạy cảm và non nớt, sợ cô hơn sợ bố mẹ. Việc bị cô giáo phê bình chứ chưa nói đến "bêu tên" trước toàn trường làm ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều, gây tự ti, xấu hổ. Cốt lõi của các hình thức kỷ luật là giáo dục để học sinh nhận ra lỗi và sửa sai nên với sai lầm nghiêm trọng, có thể cảnh cáo trước toàn trường nhưng cần làm thế nào không gây tổn thương, phản tác dụng với học sinh. Những lỗi nhỏ hơn, giáo viên nên gặp riêng để nhắc nhở trực tiếp học sinh.

"Một vài lần tôi tham dự buổi sinh hoạt tập thể của trường con thì thấy thầy phụ trách nhắc đến những việc làm chưa tốt của một số em như: vứt rác ra sân trường, không ngủ trưa mà ra sân chơi... Thầy biết rõ là học sinh ở lớp nào, tên gì nhưng không nêu đích danh. Sau giờ sinh hoạt, một số em đã tự động lên gặp thầy để nhận lỗi. Tôi thấy đây là biện pháp rất hiệu quả trong giáo dục trẻ và nhân văn nữa", mẹ của Vân Khánh nói.

Theo thông tư 08, các hình thức kỷ luật học sinh gồm có: khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật của trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm. Trong đó hình thức cảnh cáo trước toàn trường được áp dụng với trường hợp:

- Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm

- Đã nhiều lần trốn học, trốn lao động hoặc quay cóp gà bài cho bạn trong lúc kiểm tra

- Mắc khuyết điểm sai phạm lớn, dù chỉ là một lần, song có tác hại nghiêm trọng như: ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; trêu chọc hoặc có hành vi thô bỉ với phụ nữ, với người nước ngoài; có những biểu hiện rõ ràng về gây rối trật tự an ninh; bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết; đánh nhau có tổ chức hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương.

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường sẽ do Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng quyết định và thực hiện. Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết.

Theo Vnexpress, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/loi-hai-khi-canh-cao-hoc-sinh-truoc-toan-truong-3303991.htmlv