Lo “loạn” tuyển sinh
Mỗi thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ có 16 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Quy định mới này khiến các trường ĐH, CĐ lo lắng khi lượng thí sinh “ảo” chắc chắn sẽ tăng rất cao. "Hiện các trường cũng chưa nắm rõ phần mềm dữ liệu quản lý và sàng lọc thí sinh của Bộ sẽ như thế nào, nếu không có chế tài ngay từ đầu, thí sinh bỏ NV một cách tự do sẽ gây nên tình trạng thí sinh ảo rất khó cho các trường tuyển sinh. Sau Quy chế, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn đưa ra những giải pháp cụ thể hơn”. GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội
Một thí sinh, 16 nguyện vọng
Một trong những đột phá của kỳ thi THPT quốc gia 2015 là sau khi biết kết quả kỳ thi chung, thí sinh mới đăng ký xét tuyển nhằm thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Nếu đạt điểm tốt nghiệp, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung. Với mỗi giấy chứng nhận, thí sinh được đăng ký bốn NV (tương đương bốn chuyên ngành trong cùng một trường, theo thứ tự ưu tiên xét tuyển), như vậy, cơ bản thí sinh có tới 16 cơ hội xét tuyển. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Có nhiều cơ hội xét tuyển hơn, nhưng em Vũ Thanh Hằng (học sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội) vẫn bối rối vì năm nay, mỗi trường ĐH, CĐ lại có một cách tuyển sinh, thí sinh sẽ rất vất vả để tìm hiểu thông tin, tham gia xét tuyển. “Chưa kể với các bạn ở tỉnh xa thì việc cập nhật thông tin, nộp hay rút hồ sơ đăng ký xét tuyển khi thay đổi nguyện vọng chắc cũng rất nan giải”, Hằng nói.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, thí sinh cần lưu ý ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, các em nên chọn những ngành, trường phù hợp với điểm số của mình thông qua kênh tham khảo là điểm trúng tuyển những năm trước. Bên cạnh đó, thí sinh phải đăng ký bốn ngành của trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
“Không nên chọn ngành không muốn học vì nếu đã trúng tuyển NV 1 thì theo quy chế tuyển sinh, thí sinh sẽ không được quyền tham gia xét tuyển NV bổ sung. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể điều chỉnh lại NV đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác nếu thấy cơ hội đỗ vào trường thấp. Nếu cân nhắc kỹ càng thì khả năng trúng tuyển NV 1 rất lớn”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Khó kiểm soát thí sinh “ảo”
Việc thí sinh có tới 16 đăng ký xét tuyển NV, trong khi thời gian đăng ký ngắn (vì chỉ đăng ký sau khi có kết quả kỳ thi chung) khiến các trường ĐH, CĐ lo lắng khi xây dựng phương án tuyển sinh. GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, dù trong Quy chế có quy định nếu không trúng tuyển NV 1 thì mới được đăng ký xét tuyển NV bổ sung, tuy nhiên, rất khó để kiểm soát được thí sinh trúng tuyển NV 1 vẫn đăng ký xét tuyển vào mã ngành khác hoặc trường ĐH khác. Hay cùng một lúc thí sinh đăng ký xét tuyển cả ba NV bổ sung ở ba trường khác nhau. “Thí sinh càng nhiều phiếu xét tuyển NV, thì lượng hồ sơ “ảo” càng gia tăng; công tác tuyển sinh càng vất vả, nhất là ở những trường dân lập, trường có điều kiện xét tuyển không cao”, ông Tú cho hay.
PGS.TS. Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông chia sẻ, nếu năm 2014, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh được cấp ba phiếu chứng nhận kết quả thi tương ứng với ba NV nhưng lượng thí sinh “ảo” đã khá nhiều. Thực tế số thí sinh tới làm thủ tục học tại trường chỉ đạt 1/5 số đến nộp hồ sơ. “Năm nay, Bộ tạo nhiều cơ hội như thế, tôi nghĩ tỷ lệ thí sinh “ảo” sẽ tăng mạnh, công tác nhận hồ sơ, trả hồ sơ sẽ phức tạp hơn rất nhiều”, ông Phán nói.
Theo Báo Giao thông, tin gốc: http://www.baogiaothong.vn/lo-loan-tuyen-sinh-d98178.html
Tag: Tư vấn tuyển sinh, thông tin tuyển sinh 2015, điểm thi tốt nghiệp 2015
Video đang được xem nhiều: Học tiếng anh online: