Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012 DIEM THI DAI HOC TI LE CHOI

Tin liên quan:

Ngoài ra các cán bộ ở đây còn cho biết những điều vô lý như: Sinh viên không thi nhưng vẫn có điểm, thạc sĩ khai man là tiến sĩ…

Bổ nhiệm cán bộ sai quy định

Cụ thể trong quyết định số 29/2006/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế v/v ban hành quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, viên chức lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệm trực thuộc Bộ Y tế có hẳn Chương III Bổ nhiệm lại với 4 điều khoản quy định, hướng dẫn rất rõ quy trình bổ nhiệm lại cán bộ thuộc Bộ Y tế.

Nhưng chỉ trong tháng 4, hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội ban hành tới 3 văn bản với nội dung trái ngược nhau về Quy trình bổ nhiệm lại giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Văn bản thứ nhất hướng dẫn đúng theo quyết định 29, hướng dẫn tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại bệnh viện.

Như vậy quy trình bổ nhiệm lại giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội lại không tuân theo các quy định trong Chương III của Quyết định 29 do Bộ trưởng Bộ Y tế ký.

Chỉ ít ngày sau ông hiệu trưởng lại ban hành văn bản thứ 2, hướng dẫn tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại trường Đại học Y Hà Nội , bỏ qua hoàn toàn quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại cấp cơ sở, nơi người được bổ nhiệm đang công tác (ở đây là bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Cũng chỉ vài ngày sau, ông hiệu trưởng lại ban hành văn bản thứ 3, hướng dẫn tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại bệnh viện, sau đó tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại trường Đại học Y Hà Nội?

Theo phân cấp, bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội. Khi bổ nhiệm lại giám đốc bệnh viện thì quy trình bỏ phiếu tín nhiệm phải xuất phát từ bệnh viện, sau đó chuyển lên lãnh đạo và cấp uỷ Trường và Bộ xem xét. Truớc đây, khi bổ nhiệm lại lãnh đạo của 3 đơn vị khác trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội là Viện Răng-Hàm -Mặt, Viện Đái tháo đường và Viện Y tế dự phòng, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm cũng được tiến hành như vậy.

Chính vì vậy, việc lãnh đạo nhà trường “nhảy vào” ban hành quy trình bổ nhiệm lại một cách khác lạ, với nhiều văn bản hướng dẫn “tréo ngoe”, trái với quy định trong Quyết định 29 của Bộ trưởng Bộ Y tế khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự tiêu cực, dàn xếp. Đã vậy, hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lại rất tuỳ tiện trong việc phát hành văn bản.

Cùng là quy trình bổ nhiệm lại, ban hành 3 văn bản khác nhau nhưng văn bản ban hành sau không hề được ghi thay thế văn bản trước, không có quyết định huỷ văn bản trước. Vậy với 3 văn bản hướng dẫn quy trình bổ nhiệm lại giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cán bộ, bác sỹ ở đây sẽ căn cứ vào văn bản nào để tiến hành quyền, nghĩa vụ của mình với tổ chức?

Không đi thi… vẫn có điểm?!

Để tìm hiểu rõ hơn về những phản ánh của các cán bộ trong trường ĐH Y, chiều ngày 24/4, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội.

Tại buổi làm việc, PGS, TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đã “giải trình” về một số những vi phạm trong thời gian vừa qua xảy ra tại trường.

Trường hợp thứ nhất là việc sinh viên Hoàng Bảo Ngọc tham gia lớp học tại chức 8 tại trường vẫn có điểm thi hết môn trong khi đó tại thời điểm này sinh viên Ngọc không có mặt tại Việt Nam. “Sự việc trên xảy ra vào đầu năm 2010.

Trong thời gian cô Ngọc này học tập nhưng lại đi nước ngoài không báo cáo cho ai, chính vì vậy mà nhà trường không biết. Khi khoa tổ chức thi thực hành có hàng trăm người kéo vào dự thi nên các thầy cô giáo cũng có sơ suất trong việc kiểm soát người thi. Sau khi thi xong có người gọi điện cho nhà trường thông báo là sinh viên này không dự thi và có người thi hộ”, ông Tú nói.

Ông Tú cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện ra sự việc trên nhà trường đã tiến hành kiểm tra và gọi cả lớp lên nhưng không ai nhận là người thi hộ sinh viên Ngọc. Khi sinh viên Ngọc về nước đã có một bản cam đoan là đã không tham dự kỳ thi và không nhờ ai thi hộ?!.

“Sau đó nhà trường đã tiến hành hủy kết quả thi và sinh viên Ngọc và làm các thủ tục điều tra. Đồng thời ra hình thức kỉ luật cảnh cáo đối với sinh viên Ngọc vì lý do nghỉ học không báo cáo nhà trường. Về phía khoa đã tiến hành khiển trách và rút kinh nghiệm”.

Tuy nhiên trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đã làm rõ được ai là người thi hộ sinh viên Ngọc chưa, ông Tú cho biết chưa làm được. Đồng thời hiện nay sinh viên này vẫn tiếp tục theo học tại trường.

Khai man Tiến sĩ làm lãnh đạo khoa?

Trường hợp thứ hai là việc Thạc sĩ Lê Minh Giang khi xin việc vào Đại học Y Hà Nội tự xưng là tiến sĩ sau đó được nhận thẳng vào biên chế của nhà trường. Sau khi được nhận thẳng vào trường, Thạc sĩ Lê Minh Giang được lãnh đạo nhà trường bổ nhiệm làm phó trưởng một khoa tại trường.

Về vấn đề này ông Tú cho biết: “Anh Giang này đã học xong chương trình Tiến sĩ tại Mỹ nhưng chưa có bằng. Bản thân anh ấy trong tờ khai khi nộp hồ sơ vào biên chế cũng ghi là có bằng Tiến sĩ. Phòng tổ chức hành chính có sơ xuất là không phát hiện ra trường hợp này chỉ có bằng thạc sĩ”.

Tuy nhiên ông Tú cũng cho biết thêm phải đến một năm sau mới phát hiện ra trường hợp này chưa có bằng Tiến sĩ và đã bãi nhiệm chức phó trưởng bộ môn và cảnh cáo ở khoa.

Xung quanh câu chuyện này, dư luận nghi ngờ rằng không hiểu vì sao phải đến hàng năm trời mới phát hiện ra hành vi gian dối này của ông Lê Minh Giang. Đồng thời việc xử lý của trường Đại học Y Hà Nội còn quá nhẹ khi chỉ cắt chức phó trưởng bộ môn mà vẫn đồng ý để ông Giang sang Mỹ tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ của mình?

“Việc bổ nhiệm lãnh đạo khoa của một trường trọng điểm quốc gia như Đại học Y Hà Nội lẽ ra theo quy định là phải là giảng viên chính và có chứng chỉ sư phạm y học. Thế nhưng khi ông Giang được nhà trường bổ nhiệm làm lãnh đạo một khoa thì chưa phải là giảng viên chính và chưa có chứng chỉ sư phạm y học khiến dư luận bức xúc”, một vị có nhiều năm công tác trong ngành y tế cho biết.

Về vấn đề này ông Tú thừa nhận ông Giang khi được bổ nhiệm chưa phải là giảng viên chính còn vấn đề chứng chỉ sư phạm y học thì “hình như ở nước ngoài học Tiến sĩ thì sẽ có chứng chỉ sư phạm này?!”

Vấn đề thứ ba là việc một số giảng viên tại trường chưa có bằng Tiến sĩ nhưng vẫn được dự thi giảng viên cao cấp, ông Tú khẳng định là có trường hợp này. Tuy nhiên ông Tú cũng cho biết là nhà trường chỉ làm công tác chứng nhận hồ sơ cho các giảng viên còn được dự thi hay không là do Bộ Giáo dục quyết định.

Khi được hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường khi để xảy ra một số vi phạm tại trường Đại học Y, ông Tú cho biết: “Thầy Hinh (ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường – PV) đã đứng ra nhận trách nhiệm”. Tuy nhiên có lẽ trách nhiệm mà người đứng đầu ở đây nhận có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ “nhận trách nhiệm”.


** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Báo Giáo dục Việt Nam)