Nhiều chương trình liên kết đào tạo của một số trường đại học chưa được kiểm định chất lượng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động tại Việt Nam. Giám sát đại học sau khi thành lập chỉ "giơ cao đánh khẽ”. Nhiều cơ sở đào tạo cao học thạc sĩ vượt quá năng lực về đội ngũ, đặc biệt là ở ngành đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh....
Đó là một trong những nội dung kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học vừa được ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội công bố.
Liên kết đào tạo "chui”
Hiện cả nước hiện có 385 chương trình liên kết đào tạo với 29 quốc gia trên thế giới được cấp phép hoạt động dưới hình thức không vì lợi nhuận và được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí do người học đóng góp. Ngoài bộ Giáo dục và đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm về cấp phép các chương trình liên kết đào tạo còn có 5 đại học được phân quyền tự chủ trong thẩm định, cấp phép các chương trình liên kết đào tạo cho các cơ sở thành viên trực thuộc.
Tuy nhiên, theo báo cáo này tiến độ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về liên kết đào tạo với nước ngoài còn quá chậm; nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều nội dung không phù hợp kéo dài nhưng vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn tới những bất cập trong liên kết đào tạo tại một số cơ sở đào tạo trong thời gian qua.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo với nước ngoài chưa đủ rộng khắp và kịp thời dẫn tới tình trạng liên kết “chui” không xin phép của một số đơn vị, đặc biệt là một số viện nghiên cứu tư nhân, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng được các điều kiện về liên kết đào tạo với nước ngoài.
Công tác thẩm định năng lực của đối tác liên kết còn chưa sâu sát dẫn đến có trường hợp tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài không bảo đảm, nhiều chương trình liên kết của một số trường đại học chưa được kiểm định chất lượng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động tại Việt Nam (như đại học Frederick Taylor, đại học Quốc tế Mỹ, đại học Preston, đại học Nam Thái Bình Dương, đại học Irvine - Hoa Kỳ…).
Có tới 56,5% là các chương trình liên kết đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và quản lý, còn lại là các chương trình thuộc các ngành khoa học kỹ thuật và trong khi có rất ít chương trình thuộc nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và y dược.
Gần 200 chuyên ngành thạc sĩ không đảm bảo điều kiện
Báo cáo cho biết, kết quả tuyển sinh của nhiều trường đạt thấp hơn nhiều so với quy mô dự kiến, đặc biệt là các cơ sở ở các địa phương và cơ sở ngoài công lập như đại học Nguyễn Trãi, đại học Công nghệ Vạn Xuân, đại học Hữu nghị và Quản lý, đại học Chu Văn An, cao đẳng Công nghiệp Cẩm phả…Để có được người học, nhiều cơ sở giáo dục đại học tìm mọi cách để lôi kéo sinh viên như không trả giấy chứng nhận kết quả thi hoặc không cho rút hồ sơ thí sinh…. Các cơ sở không quan tâm tới chất lượng đầu vào và nguyện vọng của học sinh; tuyển sinh ở mức điểm sàn tối thiểu, thậm chí còn xin vận dụng những quy định ưu tiên để tuyển sinh dưới điểm sàn tối thiểu. Một bộ phận người học cũng chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn, học không phải vì mục đích tích lũy kiến thức, kỹ năng để làm việc, để cống hiến mà chủ yếu là với mục đích có tấm bằng để xin việc làm, để thăng tiến trong công tác, làm nảy sinh tiêu cực như học hộ, thi hộ, gian lận trong thi cử….
Quy mô đội ngũ giáo viên vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo; tỉ lệ đội ngũ giáo viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành chỉ có 286 giáo viên có chức danh giáo sư (0,5%), 2.009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%). Một số trường có số lượng giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người (ĐH Thành Đông, ĐH Công nghệ Đông Á, CĐ Công nghiệp cao su, CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi...). Tỷ lệ sinh viên/giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn ở nhiều trường vẫn còn cao, thậm chí rất cao ĐH Văn Hiến: 95 SV/GV; ĐH Phú Xuân: 66,8 SV/GV. Nhiều ngành đào tạo chưa có giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng quy định (ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tiền Giang, CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội...).
Theo thống kê của bộ Giáo dục và đào tạo, trong số 1002 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được kiểm tra, rà soát trong năm 2012 có tới 161 chuyên ngành thuộc 50 cơ sở giáo dục đại học đào tạo thạc sĩ không đảm bảo điều kiện theo quy định (số lượng GV cơ hữu có trình độ tiến sĩ cùng ngành hoặc đúng chuyên ngành; không tuyển được học viên trong 3 năm liên tiếp,…). Nhiều cơ sở đào tạo đã xác định năng lực đào tạo cao học thạc sĩ vượt quá năng lực về đội ngũ, đặc biệt là ở ngành đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Nhiều cơ sở đào tạo còn chưa công khai nội dung luận án, thiếu cụ thể trong khẳng định những điểm mới của luận án…
Đầu tư cơ sở vật chất chỉ đạt 10% vẫn chưa bị giải thể
Nhiều cơ sở khi lập dự án thành lập trường đưa ra rất nhiều cam kết cả về đất đai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như các chính sách về đào tạo, phát triển đội ngũ, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế. Tỷ lệ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhiều trường thường chỉ đạt khoảng 50% so với cam kết, cá biệt có trường chỉ đạt khoảng 10% như cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Thọ.
Hiện vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm đối với các trường sau khi thành lập.Theo quy định của Nghị quyết 50/2010/QH12, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể, nhưng sau nhiều đợt thanh tra, bộ vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.
Nguồn tin: sgtt.vn