>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Bên cạnh những áp lực hằng ngày, thầy cô giáo hiện nay đang phải đối diện thêm một áp lực mới: sợ học trò nói xấu mình trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Học sinh lạm dụng mạng xã hội nói xấu giáo viên

Thậm chí có những trang mang tên: “Hội những người ghét giáo viên chủ nhiệm”, “Hội những người không đỡ nổi cô giám thị trường A”... thu hút cả ngàn người “likes”, theo dõi, bình luận.

Làm sao để giảm bớt tình trạng này, đâu là phương pháp hữu hiệu để không còn những trang Facebook được lập ra chỉ để... thóa mạ thầy cô giáo của mình?

Một ngày lên lớp như mọi ngày, cô N.A., giáo viên toán một trường THCS tại quận 3, TP.HCM, tá hỏa khi nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ về việc hình ảnh của cô bị cắt ghép phản cảm trên mạng xã hội kèm những lời bình luận ác ý của học trò.

Nhớ lại cách đây vài ngày có nặng lời với một số nữ sinh do các em không làm bài tập, cô báo với ban giám hiệu để điều tra việc này nhưng không có kết quả vì những người bình luận đều núp dưới những cái tên xa lạ...

Phải mất nhiều ngày cô N.A. mới có thể bình tĩnh xuất hiện trước mặt học trò.

Nơi học trò tha hồ “xả”

Hiện chưa có một quy định cụ thể nào về việc học sinh sử dụng mạng xã hội. FB vẫn là hoạt động riêng, là trang cá nhân của giới trẻ nên chủ yếu Đoàn trường theo dõi, định hướng học sinh việc sử dụng FB sao cho phù hợp. Từ trước đến nay, khi có các vụ việc nói xấu thầy cô, bạn bè... các trường xử lý theo quy định, kỷ luật của từng trường. Nếu vụ việc phát sinh, ảnh hưởng lớn thì báo với sở để có hướng xử lý ổn thỏa”. - Ông TRẦN KHẮC HUY - trưởng phòng công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM)

Thế giới mạng với những tính năng hiệu quả của nó trong việc tương tác giữa cộng đồng mạng đã trở thành nơi học sinh có thể thoải mái “xả” những bức bối, khó chịu của mình về trường, lớp, giáo viên.

Đáng nói là hệ lụy của nó không dừng lại trong thế giới ảo, mà còn tác động rất lớn đến đời sống dạy học của những giáo viên không may bị “ném đá” trên mạng xã hội.

Học sinh lạm dụng mạng xã hội nói xấu giáo viên

Học sinh lạm dụng mạng xã hội nói xấu giáo viên

Không ít giáo viên bị khủng hoảng, bối rối, bất an khi bị bêu xấu trên mạng bởi một học trò ẩn danh nào đó.

Tại một trường THPT ở Q.10, TP.HCM, giám thị mới về trường quá nguyên tắc và chưa khéo trong giao tiếp với học trò nên một nhóm học sinh đã lập riêng Hội những người anti (chống đối) giám thị C., nhận được hàng trăm người likes (yêu thích).

Hằng ngày, em nào có bất cứ vấn đề gì liên quan đến cô giám thị đều lên trang này để “cập nhật”, mời gọi mọi người cùng vào bình phẩm với những lời lẽ không thân thiện, gọi giám thị C. bằng những từ “con mẹ”, “mụ”, “thím”...

Thậm chí học trò còn đặt những biệt danh tục tĩu để gọi cô giáo này. Là một giáo viên tỉnh mới về nhận nhiệm sở, tuổi nghề còn trẻ, cô giáo đã “sốc” một thời gian dài.

Trang này chỉ ngưng hoạt động khi cô này không còn làm giám thị nữa và được nhà trường tạo điều kiện chuyển công tác khác.

Tương tự, một nhóm học sinh lớp 11 tạo một trang mạng để chế giễu bạn bè, thầy cô bằng cách ghép hình những người mình không thích vào những hình ảnh khác một cách khả ố, phản cảm.

Nhà trường điều tra bằng nhiều cách, làm việc với các học sinh này và kêu gọi học sinh trong trường phản ứng lại trang này, từ đó trang này mới chấm dứt hoạt động.

Không chỉ dừng lại ở bêu xấu, không ít trang mạng do học sinh lập nên còn vu khống, bịa chuyện về những giáo viên mà các em ghét để thỏa mãn cơn bức xúc của mình.

Cô A.M., một giáo viên THPT tại Q.Bình Thạnh, cũng suy sụp một thời gian khi bị học trò đăng ảnh, nêu tên trên Facebook (FB) kèm những bình luận về... số đo ba vòng, thản nhiên bình luận về ngoại hình, dáng đi, bịa chuyện, xuyên tạc lời nói của cô theo hướng phản cảm.

Một giáo viên Trường THPT K.L., Hà Nội chia sẻ: “Nhiều năm trong nghề nhưng tôi rất bất ngờ khi được cán bộ lớp copy nội dung học sinh lớp tôi chủ nhiệm nói xấu tôi trên FB. Có em dùng những lời lẽ bậy bạ, suy diễn về đời tư, cách ăn mặc... Sốc nhưng tôi cũng bình tĩnh để hiểu sự việc. Trước đó, một vài em bất bình khi bị tôi khiển trách vì trốn tiết đã lên mạng bày tỏ ấm ức. Lập tức có thêm một số em khác do không hiểu thấu đáo chuyện cũng tham gia bênh vực bạn. Có những em bình thường tỏ ra rất ngoan nhưng cũng đồng tình bằng cách “like” vào những bình luận không nghiêm túc”.

Cấm hay không cấm?

Đầu năm 2013, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đưa ra quy định sử dụng FB với bốn điều “cấm kỵ” và một số lưu ý đối với học sinh. PGS Văn Như Cương, với tư cách là hiệu trưởng nhà trường, khi đó đã giải thích: “Không phải chỉ là chuyện “nói xấu thầy cô giáo” mà tôi thấy nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội để nói tục, chửi bậy, dùng tiếng lóng để nói xấu người khác. Từ chuyện chỉ “nói cho sướng” dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra trong giới học sinh đô thị. Vì thế, tôi quyết định có những “cấm kỵ” và những “lưu ý” đối với học sinh của trường. Có nhiều em không đồng tình vì cho đây là nơi tự do ngôn luận nhưng nhiều em ủng hộ. Quy định đưa trên trang web của trường đã có tới hàng ngàn lượt like, chủ yếu của học sinh. Tình hình nói bậy trên FB đối với học sinh Lương Thế Vinh cũng bớt dần”.

Tuy nhiên, cho tới nay Lương Thế Vinh vẫn là trường duy nhất ở Hà Nội chính thức đưa ra quy định về sử dụng FB. Ở nhiều trường khác, việc này chưa được quan tâm, hoặc với những quan điểm “mềm dẻo” hơn có lãnh đạo nhà trường cho rằng “cấm không phải thượng sách”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết: “Trường tôi cũng có thời gian đau đầu vì chuyện học sinh lên FB phát ngôn bậy bạ, rồi mâu thuẫn, gây ra nhiều rắc rối. Không cấm nhưng trường đã phải có một chương trình riêng để nói với học sinh về việc nên sử dụng FB thế nào, điều gì nên cân nhắc, nên tránh. Tuổi các em không hiểu những hậu quả của thế giới mạng, nên trách nhiệm của người lớn là phải tư vấn để các em biết thế giới mạng là con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng đúng cách, nếu quá đà, bồng bột, hậu quả khó lường sẽ xảy ra cho mình và nhiều người”.

Tương tự, thầy Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Nhiều em lên mạng để phản ứng lại thầy cô khi bị la rầy hay lập trang để nói xấu bạn bè... Trường phát hiện gọi lên chấn chỉnh ngay về việc các em cần dùng những lời lẽ phù hợp khi góp ý. Gần đây nhất là vụ học sinh khối 7 phản ứng giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo đã báo cáo ban giám hiệu và nhà trường đã gặp các học sinh này để nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh giấu tên hoặc việc đã xảy ra rồi thầy cô mới phát hiện”.

Cô giáo trẻ và cú sốc Facebook

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật của trường tôi

Trưa nay khi dạy xong tiết 4, cũng như thường lệ tôi thường xuống phòng giáo viên uống nước chuẩn bị cho tiết 5. Khi mới mở cửa ra, tôi thấy cô H. (xin được phép giấu tên) khóc nức nở với một phụ nữ (sau khi tìm hiểu tôi biết đó là mẹ của học sinh). Cô vừa mếu máo vừa nói: “Chị thấy đó, em chỉ mong muốn T. (tên của nữ sinh) học chăm chỉ thôi nhưng không ngờ...”. Nói tới đây cô dừng lại, lau những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má của mình với tiếng nấc nghẹn ngào không thành lời. Không biết chuyện gì xảy ra, tôi cũng tò mò tìm hiểu xem. Nhưng khi biết được sự việc, tôi thật sự bị sốc. Những dòng rất thô tục, những dòng chữ nghe xong tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở chợ búa: “Con đ. (tôi xin lỗi phải dẫn ra từ phản cảm này nhưng đó là sự thật) mày hãy biến khỏi cuộc đời này đi, mày hãy chết càng nhanh càng tốt, mày đừng cho tao nhìn thấy mặt mày nữa, mày là con khốn...”.

Hãy nghe những lời của em học sinh này để thấy rằng đây chỉ là một thực trạng điển hình cho hàng trăm, hàng ngàn sự việc khác đang diễn ra trên mạng xã hội. Không chỉ chửi mắng thầy cô, các em còn lập những trang riêng để đả kích bạn bè, bêu riếu và nói xấu nhau. Hậu quả xảy ra là các em đã hẹn gặp nhau để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột bằng những hành động bạo lực trong học đường. Chỉ trong vòng một năm mà tôi đã chứng kiến trong trường của tôi xảy ra liên tiếp các vụ việc học sinh cũng chỉ vì nói xấu nhau trên Facebook đã dùng lưỡi lam rạch mặt nhau, đánh đá, cấu xé nhau (đối với nữ), còn các nam sinh thì hẹn ra sau cổng trường để “thanh trừng” nhau (theo cách gọi của các em).

Như vậy, trước diễn biến vô cùng phức tạp này, chúng ta mới thấy đây là một hồi chuông báo động đỏ cho nhà trường, phụ huynh và xã hội cần phối hợp với nhau để ngăn chặn sự băng hoại đạo đức của học sinh ngày càng trên đà phát triển “phi mã”. Nếu không lường trước kịp thời thì mạng xã hội sẽ bào mòn phẩm chất của các em học sinh, gây ra những hậu quả đáng tiếc không thể tưởng tượng nổi.

Quay trở lại vụ việc cô H., chỉ vì cô là giáo viên chủ nhiệm của em T., cô thường hay nhắc nhở và la rầy do em quá lười học, hay nói chuyện, vi phạm liên tục nội quy của nhà trường... vậy mà cô lại bị học trò xúc phạm trên mạng xã hội như thế. Cô H. là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, mới về trường hai năm nhưng được bạn bè, đồng nghiệp và học sinh rất yêu mến. Thế nhưng, cô lại bị một “cú” đau đớn đến như vậy, tôi nghĩ đây có lẽ là một cú sốc rất lớn đối với cuộc đời cô. Mong sao cô sẽ vượt qua nỗi đau này để lòng yêu nghề và sự đam mê vẫn cháy mãi trong tim. Mong sao nghề giáo vẫn còn là nghề được học sinh coi trọng.

Xin đừng bắt giáo viên phải làm thế này thế kia, không được la rầy hay dạy dỗ học sinh quá lời, không được nói nặng hay xúc phạm học sinh. Tôi thấy nếu như giáo viên nói nặng lời với học sinh sẽ bị kỷ luật, đưa lên báo. Còn học sinh xúc phạm giáo viên thì sẽ sao đây, hay giáo viên chỉ biết nức nở như cô H.?


Theo báo Tuổi trẻ