Tránh rủi ro khi đăng ký xét tuyển
Giải đáp tuyển sinh kỳ này sẽ tập trung giải đáp thắc mắc từ phía các nhà tuyển sinh đối với việc đăng ký xét tuyển của thí sinh. Một số nhà tuyển sinh ở khu vực Hà Nội bày tỏ lo lắng về việc các trường sẽ xác định điểm tuyển như thế nào để không bỏ sót thí sinh có năng lực? Thí sinh sẽ “nhảy” nguyện vọng thế nào cho hợp lý để tránh rủi ro cho cả 2 phía trong tình hình xác định ngưỡng năm nay sẽ khó khăn?
Theo thầy Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT sẽ định ra một ngưỡng điểm khá chi tiết như ghi rõ trong quy chế và được cụ thể hóa đến việc quy định bao nhiêu điểm cho từng môn thi… nhằm giữ chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, CĐ. Theo ông Phong Điền, các trường tốp cao sẽ không cần quá quan tâm đến ngưỡng này vì điểm tuyển sinh tương đối cao trong các năm trước. Các trường tốp dưới thì sẽ trông vào các nguyện vọng bổ sung. Đối với thí sinh, ông Phong Điền nói, cứ sau 3 ngày các trường cập nhật thông tin một lần và thí sinh có thể dựa vào dữ liệu cập nhật của các trường để xác định mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển hay không.
Ông Phong Điền khuyên các thí sinh tham khảo bằng cách tra cứu điểm trúng tuyển của trường mình định chọn xét tuyển trong những năm vừa qua để xác định những ngành mình có khả năng đỗ cao nhất, trước khi đăng ký xét tuyển và theo dõi sát thông tin cập nhật từ các trường.
Ông cũng lưu ý: Các trường “hot”, ngành “hot” sẽ có khả năng tuyển được 100% người học ngay từ NV 1. Theo đó, các ngành truyền thống như: cơ khí, cơ điện tử, điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, công nghệ thông tin… sẽ hoàn thành căn bản về xét tuyển trong đợt đầu tiên (điểm chuẩn các ngành này năm trước là 21,5- 23,0); các ngành thực sự “hot” đối với thị trường lao động nhưng lại là “thứ” ngành trong mắt phụ huynh và thí sinh như: luyện kim, kỹ thuật vật liệu kim loại, công nghệ may, vật lý kỹ thuật (từ 18-20 điểm các năm trước) mới có thể có cơ hội cho NV 2.
Với Mẫu giấy đăng ký xét tuyển Bộ vừa thông báo gồm 4 cơ hội chỉ đề mỗi thông tin: Ngành (nhóm ngành), tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển cho cả 4 NV, thí sinh sẽ khai mẫu như thế nào nếu dùng cả 4 NV cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau cho cùng 1 ngành?
Với mẫu đăng ký như vậy, một nhà tuyển sinh ở Học viện Bưu chính viễn thông giải thích, thí sinh sẽ phải ghi ở từng NV chỉ một ngành và mỗi phần tổ hợp cũng chỉ 1 tổ hợp để các trường dễ dàng xác định NV của thí sinh. Tuy nhiên, nhà tuyển sinh này nói, trước khi công bố chính thức, Bộ GD&ĐT cần làm rõ thông tin này để các trường và thí sinh được tường minh và tránh nhầm lẫn. Nguồn tin này cũng cho biết, sẽ đề xuất phương án tuyển sinh điểm thi bằng nhau cho tất cả các nhóm ngành để đỡ phức tạp và đối phó với việc, do không hiểu tường tận, điền tùy ý hiểu vào mẫu xét tuyển.
Theo Tamguong.vn, tin gốc: http://www.tamguong.vn/hoc/691053/tranh-rui-ro-khi-dang-ky-xet-tuyen-tpp.html