Nên nhờ ai viết thư giới thiệu du học Mỹ?
-Nên chọn một người mà bạn nghĩ rằng người đó sẽ viết tích cực nhất về bạn. Nếu bạn không chắc chắn, tốt nhất nên hỏi trước. Khi người mà bạn nhờ cảm thấy không thoải mái khi viết cho bạn thì có thể chất lượng thư giới thiệu sẽ không tốt, hoặc thư giới thiệu sẽ không được giao đúng hẹn.
Ở đây mình chỉ nói về trường hợp thư giới thiệu do giáo viên tự viết, khách quan nhất về bạn, mà chính bạn có thể cũng không biết giáo viên viết gì nếu giáo viên không nói cho bạn biết và chính giáo viên tự gửi đi. Tất nhiên bạn nhớ trả lệ phí nếu gửi bưu điện.
- Ở bậc đại học, nhất nên chọn giáo viên dạy bạn. Họ là người hiểu rõ bạn trong một thời gian dài. Thậm chí người đó nên là người mà cho đến thời điểm nộp đơn, họ là người có cơ hội tiếp xúc gần gũi và biết về bạn nhiều nhất, lý tưởng nhất là biết cả về các hoạt động ngoại khóa của bạn. Trong môi trường Việt Nam, người như vậy thường là các giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn chính. Tuy nhiên trên thực tế, đó có thể là bất kỳ giáo viên nào từng dạy bạn.
Nếu bạn nhờ giáo viên viết, tốt nhất nên tính đủ thời gian để họ chuẩn bị, ít nhất là một tháng rưỡi và đừng quên liên hệ hỏi lại trước khi hết hạn nộp đơn chừng 14 ngày nhé. Thực chất thì người viết thư giới thiệu phải tự gửi cho bạn, đảm bảo rằng bạn không biết trong đó viết gì, viết vô tư và khách quan nhất về bạn, điều đó mới chính là nhân tố quan trọng giúp tăng cường độ tin cậy của thư giới thiệu.
Giáo viên có thể không nhớ hết các hoạt động và thách tích của bạn, bạn nên chuẩn bị trước để cung cấp thêm cho giáo viên để viết trong thư giới thiệu. Và khi bạn được trường nhận, đừng quên thông báo kết quả chia vui với người đã viết thư giới thiệu cho mình đầu tiên bạn nhé!
Làm sao để có lá thư giới thiệu khi du học Mỹ được đánh giá cao?
Một bức thư giới thiệu du học Mỹ chất lượng bao gồm những gì?
- Thư giới thiệu nên cung cấp một bức tranh toàn diện về ứng viên, về học tập cũng như các tính cách cá nhân.
- Thư giới thiệu không nên nói chung chung và nên được minh họa càng nhiều càng tốt bằng những ví dụ cụ thể.
- Khi viết, nên cụ thể là tôi viết, tức là viết theo suy nghĩ chủ quan của người viết, ví dụ như "tôi thấy ứng viên ...", "trong mắt tôi ...". Tưởng tượng thú vị sau đây có thể giúp các giáo viên dễ viết hơn, đó là thử hình dung cảnh giáo viên đó đang đi uống bia với các đồng nghiệp ở ban tuyển sinh. Trên bàn bia họ nói chuyện về một ứng viên mà tất cả ban tuyển sinh đều không ai biết.
Cấu trúc cơ bản của thư giới thiệu gửi tới các trường ĐH Mỹ có thể tóm tắt như sau:
1. Phần mở đầu: Tác giả bức thư đã biết đến ứng viên như thế nào, nó giải thích tại sao tác giả lại có thể đánh giá ứng viên.
2. Phần nội dung chính: Mô tả kết quả học vấn và tính cách của ứng viên:
Kim chỉ nam cho những gì tác giả nên viết là thang chấm điểm trong mẫu. Nhà trường sẽ quan tâm đến những phẩm chất đặc biệt của ứng viên và đánh giá cao những lá thư có minh chứng rõ ràng.
Nói về học vấn thì lá thư nên tập trung vào tài năng học tập, năng khiếu vượt trội và nên đề cập đến những vấn đề thú vị như các nghiên cứu, các cuộc thi, các bài phát biểu, ... của ứng viên hoặc những câu chuyện thú vị từ trong lớp, trong trường và nên có kèm theo minh chứng rõ ràng.
Tuy nhiên các trường Mỹ, ngoài điều kiện tiên quyết về học tập, rất quan tâm tới nhân cách của ứng viên, như khả năng lãnh đạo, con người nhiều sáng kiến, mối quan hệ với những người khác, ... Nhắc lại là nên có những câu chuyện để minh hoạ về thành tích thể thao hay thành tựu nghệ thuật, về thành tích học tập hay hoạt động ngoại khóa thú vị, ...
Trong văn hóa Việt, không giống như người Mỹ, chúng ta thường ít khi sử dụng những lời khen mạnh. Để viết bức thư giới thiệu phù hợp với suy nghĩ của Mỹ, ví dụ "good" không hẳn là tốt, mà người ta thường nghĩ nhiều nhất là trung bình. Nếu giáo viên muốn hỗ trợ ứng viên, đừng ngại ngùng sử dụng những từ mạnh mẽ hơn như tuyệt vời, cực kỳ ... (excellent, extremely…), nhưng cũng xin nhắc lại là mọi lời khen cần phải có chứng cứ rõ ràng.
Một yếu tố quan trọng trong việc viết thư giới thiệu là tác giả nên viết về tất cả mọi thứ mà từ đó làm cho các ứng viên trở lên thú vị, những gì tạo lên sự khác biệt của ứng viên, những nét cơ bản tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về ứng viên, kể cả về tích cánh, tâm hồn, hoàn cảnh gia đình và các sở thích, đam mê khác. Sự khác biệt của ứng viên càng quan trọng hơn khi ứng viên thi vào các trường có tỷ lệ chọn thấp. Số lượng ứng viên chất lượng nộp đơn vào các trường nổi tiếng cực kỳ lớn. Làm thế nào để tạo ra sự khác biệt là câu hỏi làm đau đầu không chỉ cho riêng bạn.
Nếu trong hồ sơ cá nhân của ứng viên có một chỗ nào không rõ ràng, gây tranh cãi hoặc tạo một cái nhìn nhầm lẫn, thư giới thiệu là thứ lý tưởng để giải thích rõ ràng. Ví dụ như một học sinh trung học phổ thông trong năm lớp 11 có dấu hiệu học tập và hoạt động ngoại khóa đi xuống, thư giới thiệu có thể làm rõ sự bất thường này là bởi đầu năm phụ huynh học sinh có bất hòa và đã ly dị vào cuối năm. Vì vậy, vào thời điểm đó ứng viên không thể tập trung học tập, nhưng ngay sau đó học sinh này đã trở lại bình thường và kết quả còn xuất sắc hơn.
Nếu bạn còn lúng túng cho việc lên kế hoạch học tập và làm việc của mình tại nước ngoài hãy đăng ký ngay khóa học Lập kế hoạch du học tại cổng đào tạo trực tuyến Academy.vn
3. Phần kết của thư giới thiệu
Nên kết luận rõ ràng rằng: chính ứng viên này là ứng viên thích hợp vào trường. Chính vì thế tác giả bức thư nên biết rõ, có hiểu biết và làm quen với những yêu cầu của những trường mà ứng viên nộp đơn thi.
Cuối cùng, nội dung bức thư giới thiệu sẽ như thế nào tất nhiên luôn luôn phụ thuộc vào tác giả của nó, nhưng bạn đừng quên rằng để bức thư có chất lượng tốt không thể thiếu những thông tin, những dữ liệu mà chính bạn cung cấp cho giáo viên của mình.
5 mẹo giúp bạn có lá thư giới thiệu tuyệt vời để được học tập tại Mỹ
1. Chọn giáo viên biết rõ về năng lực của bạn: Đó là những giáo viên luôn thúc đẩy bạn tiến lên phía trước và không để bạn đặt ra giới hạn “đủ tốt” trong quá trình phát triển bản thân. Ngược lại với những điều mọi người thường nghĩ, một lá thư giới thiệu tuyệt vời có thể không đến từ một giáo viên nổi bật nhất. Nhìn chung, bạn nên xin thư giới thiệu từ những người biết rõ về khả năng tư duy và giao tiếp của bạn.
2. Hãy để giáo viên có đủ thời gian để viết thư giới thiệu: Thật vậy, giáo viên của bạn cần thời gian để suy nghĩ nội dung và chuẩn bị thư giới thiệu. Nếu bạn đang học năm cuối trung học phổ thông mà vẫn chưa hỏi xin thư giới thiệu từ các giáo viên, hãy bắt đầu làm điều đó ngay bây giờ. Việc có nhiều thời gian có thể giúp người viết thư giới thiệu truyền tải được những câu chuyện thú vị mà bản thân bạn không ngờ tới.
3. Nói chuyện với người viết thư giới thiệu về tầm quan trọng của việc học đại học đối với bạn: Hãy chia sẻ ước mơ và nguyện vọng của bạn với người được nhờ viết thư giới thiệu. Cũng đừng quên nói với họ về thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Trong mọi hoàn cảnh, chắc rằng người viết thư giới thiệu hiểu và có thể giúp bạn kể câu chuyện một cách rõ ràng nhất. Hãy cung cấp những thông tin cần thiết để họ có thể viết tốt về bạn.
4. Cung cấp bảng tóm tắt các hoạt động và thành tựu của bạn: Kể cả khi người viết thư giới thiệu hiểu rõ về khả năng của bạn trên lớp, họ có thể không biết về con người bạn thông qua các hoạt động khác nhau. Do đó, hãy cung cấp cho họ bảng liệt kê các hoạt động bạn từng tham gia và thành tích đạt được cũng như điều gì khiến bạn tâm đắc nhất.
5. Cung cấp thông tin về thời hạn nộp hồ sơ và mẫu đơn của từng trường: Một số trường thường yêu cầu hình thức chung cho thư giới thiệu. Do đó, hãy kiểm tra kĩ các yêu cầu của trường về thư giới thiệu và cung cấp mẫu đơn cho người viết thư để có được thư giới thiệu tuyệt vời nhất. Cũng đừng quên cho người viết thư biết hạn nộp hồ sơ của từng trường để họ dành thời gian đầu tư cho nội dung thư.
Cuối cùng, khi nhờ người nào đó viết thư giới thiệu, bạn được khuyên không nên tò mò đọc bức thư đó. Người viết thư giới thiệu cần có cái nhìn toàn diện và khách quan về bản thân bạn mà không lo lắng về việc bạn hoặc bố mẹ bạn có thể đọc được nội dung thư. Hãy yên tâm rằng người bạn nhờ viết thư giới thiệu là những người ủng hộ và muốn bạn thành công nhất.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du hoc my việc làm thêm khi chọn học tập tại Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.