Tin liên quan

>> Rối loạn việc rút rồi nộp hồ sơ

>> Chật vật tuyền sinh như trường nghề

>> Trường tốp dưới chật vật tuyển sinh và... đóng cửa ngành

 

 

Tháng 9, 10 hàng năm thường được các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học coi là thời điểm "vàng" để tung ra các chiêu trò "vợt" thí sinh. Năm nay, bất chấp quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều trường liều mình xé rào, vô tư dùng chiêu thức liên thông CĐ, ĐH chính quy khiến thí sinh hiểu nhầm mà nộp hồ sơ theo học. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách 15 trường được phép đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, PV nhận thấy các trường nhận tuyển sinh liên thông theo hình thức trên cao gấp nhiều lần con số 15 của Bộ đưa ra.

Loạn thông tin đào tạo liên thông

Lướt qua trang web của một số trường như ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP. HCM, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), CĐ Nghề Kinh tế và Công nghệ Hà Nội, ĐH Tây Đô (Cần Thơ), Trường CĐ Nghề iSpace, Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Ladec, Trường CĐ Nghề cơ giới và Thủy lợi…PV dễ dàng tìm được thông tin về tuyển sinh liên thông ĐH chính quy được đăng công khai trong mục đào tạo của trường.

Trong mục tuyển sinh trung cấp liên thông CĐ, ĐH năm  2012 của trường ĐH Lạc Hồng ghi rõ: "Đối tượng tuyển sinh là các trường hợp đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hoặc đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề. Sau khi trúng tuyển, các thí sinh sẽ phải học chuyển đổi trong vòng một kỳ". Căn cứ theo danh sách mà Bộ GD&ĐT đưa ra thì trường ĐH Lạc Hồng không nằm trong danh sách. Tuy nhiên, những thông tin trên vẫn được Phòng Đào tạo của trường đăng tải từ rất nhiều tháng qua. Đến thời điểm sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách, thông tin trên vẫn không có gì thay đổi.

Dường như đào tạo liên thông đang là "miếng mồi béo bở" khiến không chỉ các trường tìm mọi cách hút thí sinh mà nhiều "cò mồi" cũng thừa cơ đục nước thả câu. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi liện hệ với một "cò" tên Mạnh, chuyên là đầu mối nhận hồ sơ liên thông vào các trường CĐ, ĐH. Sau khi bày tỏ nguyện vọng muốn được học ngành kế toán, Mạnh liền giới thiệu cho chúng tôi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên. Mạnh cho biết, trường tuyển này sinh theo phương thức xét tuyển và sau đó sẽ theo học ba năm sẽ được cấp bằng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tìm hiểu trên mạng tại trang tuyensinh365, PV đã liên hệ với người tên Sơn (tự nhận là Nhân viên quản lý tuyển sinh). Người này tư vấn, đang nhận hồ sơ tuyển sinh liên thông ngành xây dựng năm 2012 tại trường ĐH Phương Đông. Theo đó, thông tin nhân vật này đưa ra cho biết, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Phương Đông đang tiến hành nhận hồ sơ liên thông từ TCCN, CĐ,CĐ Nghề lên Đại học ngành Xây dựng dân dụng, Xây dựng cầu đường. Đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng chính quy, Cao đẳng nghề.

Không phủ nhận thông tin một số trường đào tạo liên thông là do "cò" rởm, dễ ảnh hưởng đến uy tín của các trường. Tuy nhiên, tình trạng đào tạo chui rõ ràng vẫn đang diễn ra khiến nhiều thí sinh loay hoay không phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin cò rởm.

Không nên thương mại hóa giáo dục

Theo một chuyên gia nghiên cứu giáo dục thì các trường dạy nghề hiện nay đang "lờ đi", không công bố chuẩn đầu ra theo tinh thần của Thông tư liên tịch về liên thông mà hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký cung cấp chuẩn đầu ra với Bộ GD&ĐT. Điều khó hiểu là tại sao các trường nghề vi phạm quy định tại Thông tư mà Bộ GDĐT vẫn cứ chấp thuận cho phép 15 trường nghề này vô tư được liên thông như vậy không khiến dư luận băn khoăn với cách "nói và làm" của Bộ.

Hơn thế nữa, việc cho phép đào tạo liên thông dễ dãi như đã nói dẫn đến việc tiếp tay cho thương mại hóa giáo dục. Dư luận lại phải đặt ra câu hỏi là các trường thực hiện đào tạo liên thông theo Quy chế nào trong khi Bộ đang soạn thảo Quy chế và treo trên mạng để lấy ý kiến góp ý.

Chuyên gia này cũng cho biết, chủ trương đào tạo liên thông đã được thực hiện từ 10 năm nay nhưng chưa hề có nghiên cứu nào đánh giá  về mặt chính sách thể chế hóa thành các quy định luật pháp. Việc Bộ GD& ĐT đang lấy ý kiến dự thảo quy chế đào tạo liên thông mà không có nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tác động của chính sách pháp luật là không phù hợp với tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giải pháp cho vấn đề này là phải nghiên cứu lại tổng thể cơ chế đào tạo để thấy rõ những mặt được và không được. Từ đó tìm ra nguyên nhân của các hạn chế đang tạo kẽ hở cho quá trình thương mại hóa giáo dục ngày càng tăng. Cũng cần phải xây dựng lại quy chế, khắc phục được các yếu kém đặc biệt là vấn đề chất lượng. Cần sớm nghiên cứu cụ thể để đưa ra khung trình độ quốc gia về giáo dục để làm căn cứ cho phép liên thông diễn ra với chất lượng và hiệu quả cao. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện kiểm định chương trình đào tạo để kiểm chứng và đoan chắc rằng các văn bằng khi họ cấp cho người học có giá trị tương ứng và phủ hợp với khung trình độ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng mục tiêu cao nhất của việc đào tạo liên thông không phải là mục tiêu về bằng cấp mà là để đào tạo ra những người có trình độ cao cho đất nước. Trình độ của người được đào tạo phải đạt chất lượng, hướng tới xây dựng xã hội học tập, hệ thống giáo dục mở để có điều kiện khi người lao động phải nâng cao trình độ thì có thể đáp ứng nhu cầu. Kể cả người lao động hay người sử dụng lao động đều không nên lấy mục tiêu học tập hay tuyển dụng là các văn bằng mà điều quan trọng là giá trị học vấn, năng lực lao động được kết tinh trong văn bằng đó như thế nào. Nếu quá chú trọng đến văn bằng mà không được kiểm định thì sẽ làm méo mó đi mục tiêu và triết lý của đào tạo liên thông.

Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo thì, Bộ đã trao quyền tự quyết rất lớn cho các trường ĐH, chính vì vậy, thanh tra ở các trường phải biết rõ trường làm như thế nào là đúng quy chế, sai quy chế để có biện pháp điều chỉnh ngay. Chính bản thân những người học đôi khi cũng không biết mình học như vậy ra trường sẽ như thế nào. Tiền học phí có khi lên tới mấy chục nghìn USD chứ không phải ít.

Việc mập mờ trong đào tạo sẽ tạo những hiểm lầm không nên có và người chịu thiệt thòi lại chính là người học. Nếu đào tạo ra mà không làm được việc từ tấm bằng của mình thì rất lãng phí thời gian. Hơn nữa, học mà không có giá trị thực thì nguy hiểm. Tấm bằng tốt nghiệp phải có giá trị để có thể kiếm sống và phát triển năng lực bản thân, đóng góp cho gia đình cho xã hội. Bây giờ trường học đã quá nhiều mà việc đào tạo liên thông lại diễn ra một cách tràn lan, tùy tiện thì người học sẽ khó có thể có sự lựa chọn đúng.

Trước khi đăng ký theo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, mỗi người học phải chủ động tìm hiểu kỹ và nên theo dõi thường xuyên danh sách trường được đào tạo liên thông theo sự cho phép của Bộ GD&ĐT để tránh những thiệt hại đáng tiếc. "Việc trường học phải có người học là điều đương nhiên, nhưng không nên dùng giáo dục để thương mại hóa. Như thế là phản giáo dục", GS. Hạc nhấn mạnh.

Sẽ xử lý các trường tuyển sinh sai quy định

Chiều ngày 24/9, PV báo Người đưa tin đã liên hệ với chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng. Ông Bằng cho biết: Hiện nay, Bộ đã tiếp nhận thông tin về việc một số trường không nằm trong danh sách được phép đào tạo liên thông nhưng vẫn cố tình tuyển sinh. Bộ đang yêu cầu các trường báo cáo cụ thể và sẽ tiến hành thanh tra, có biện pháp xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi của người học".

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Nguoiduatin)