Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được luật hoá. Đây là một trong những căn cứ để các trường đại học thực hiện tuyển sinh.
Sau phần trả lời chất vấn vào sáng 11/11, chiều nay, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có thêm 50 phút để giải đáp các câu hỏi từ đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề nóng của ngành tiếp tục được đặt ra, trong đó có thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh trong bối cảnh Covid-19.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Tình trạng nơi phải thi, nơi được đặc cách như phương án năm 2020 cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về tính công bằng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi "Liệu có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không"?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định kỳ thi đã được luật hóa. Mặt khác, kỳ thi có nhiều tác dụng trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Hiện nó vẫn là một trong những căn cứ để các đại học tuyển sinh.
Ông Sơn cho biết thêm Bộ đang lên phương án về hình thức thi linh hoạt hơn trong tình hình dịch. Bộ cũng đã và đang xây dựng ngân hàng đề đủ lớn để có thể thi nhiều lần hơn, thậm chí mỗi tỉnh một kế hoạch thi. "Nhưng như vậy thì sẽ phức tạp cho tổ chức. Nếu tổ chức cùng một đợt thì tốt hơn. Nếu bất đắc dĩ thi làm nhiều đợt thì sẽ dùng cách này", Bộ trưởng Sơn nói và khẳng định lại, "trước mắt việc thi THPT vẫn cần thiết".
Bộ GD&ĐT đang lên kế hoạch để tổ chức kỳ thi THHPT 2022 linh hoạt hơn, căn cứ tình hình dịch bệnh
Cũng liên quan đến các kỳ thi và việc đánh giá học sinh, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi có nên lùi thời gian đánh giá học sinh trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài và chất lượng không thể bằng học trực tiếp. Đại biểu này cho rằng có thể lùi một năm, coi năm học 2021-2022 là "trù bị".
Bộ trưởng Giáo dục không đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, nếu chỉ vì tình hình dạy trực tuyến mà lùi thời gian kiểm tra, đánh giá thêm một năm là "không hợp lý". Học đến đâu nên kiểm tra, đánh giá đến đó, tính đến tác động khó khăn của dịch bệnh và dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình cốt lõi.
"Ngoài việc đánh giá học sinh, việc kiểm tra, đánh giá còn để biết tình hình của một năm, để có hướng bồi dưỡng, bồi đắp, khắc phục", ông Sơn nói.
Ngoài vấn đề thi cử, kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh đại dịch, phiên chất vấn ghi nhận ý kiến về những khó khăn của nhóm trường mầm non ngoài công lập do không thể tổ chức dạy học.
Trả lời đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) về cơ chế hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hệ thống các trường tư thục, đặc biệt là trường mầm non tư thục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Các cơ sở mầm non tư thục trước dịch đảm nhiệm việc nuôi dạy 1,2 triệu trẻ - chiếm 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Khoảng 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này, ở hơn 19.000 cơ sở, bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Số này đang gặp khó khăn khi nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, giáo viên, người lao động chuyển việc khác.
"1,2 triệu cháu độ tuổi mầm non có nguy cơ không có chỗ học. Điều này ảnh hưởng đến cha mẹ các cháu khi không có người trông, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán nhu cầu, có cơ sở dữ liệu đầy đủ số lượng trên 90.5000 người lao động, xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ, trình Chính phủ xem xét. Gói này khoảng 800 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cũng có những giải trình về tình trạng thừa - thiếu giáo viên, sóng và thiết bị học trực tuyến. Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo kết thúc với 28 đại biểu chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, một đại biểu có câu hỏi nhưng hết thời gian trả lời, 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn. Các đại biểu này được đề nghị gửi phiếu câu hỏi đến ông Nguyễn Kim Sơn để được trả lời bằng văn bản.
Theo VnExpress