Lo giao thông, ngại chồng chéo

Lãnh đạo các trường ĐH chủ trì cụm thi báo cáo công tác chuẩn bị và đều khẳng định: Công tác tổ chức thi là việc làm hằng năm nên không có gì bỡ ngỡ. Số lượng thí sinh đã xác định được cho tới thời điểm này thấp hơn khá nhiều so với dự kiến ban đầu nên việc chuẩn bị phòng thi không có sức ép lớn. Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nơi có nhiều thí sinh dự thi nhất, chỉ băn khoăn về việc làm thế nào để có thể sắp xếp thí sinh một cách hợp lý, sao cho thí sinh ở quận, huyện nào có thể thi ở địa bàn đó, tránh gây xung đột về giao thông.

Các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng giúp các thí sinh có điều kiện tốt nhất dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.Ảnh: Viết Thành

Các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng giúp các thí sinh có điều kiện tốt nhất dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.Ảnh: Viết Thành


Việc đi lại của thí sinh cũng là vấn đề khiến lãnh đạo Học viện Kỹ thuật quân sự lo ngại. Với 3 cụm thi được giao chủ trì, nhà trường đã ký ghi nhớ với 22 điểm trường để thuê phòng thi. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng nếu không có sự thống nhất giữa các trường chủ trì thì dễ xảy ra tình trạng chồng chéo, xung đột về đi lại, ăn ở giữa thí sinh các cụm thi.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Trần Văn Kim cho rằng, để tránh tình trạng nói trên, các trường nên chủ động trao đổi trực tiếp với nhau để giải quyết kịp thời thay vì chờ đợi sự can thiệp bằng công văn của Ban chỉ đạo. ĐH Thủy lợi đã có kế hoạch đón tiếp 22.500 thí sinh nhưng hiện giờ, con số này rút xuống còn khoảng 15.000 thí sinh.

Tuy vậy, mối lo của các trường không chỉ liên quan vấn đề ăn ở của thí sinh hay chuẩn bị phòng ốc mà còn về sự an toàn của thí sinh. Với Trường ĐH Lâm nghiệp, vốn có các điểm thi nằm toàn bộ trên địa bàn huyện Chương Mỹ, khá xa trung tâm lại hay xảy ra tình trạng mất điện, lãnh đạo trường kiến nghị Ban chỉ đạo thi và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam lường trước tình hình giao thông phức tạp bởi tuyến đường từ khu vực Long Biên tới Trâu Quỳ (Gia Lâm) có nhiều xe tải, xe container và có thể gây nguy hiểm cho thí sinh. Lãnh đạo trường đề nghị Sở GTVT có phương án cụ thể về vấn đề này.

In sao đề tập trung

Việc in sao đề thi là mối quan tâm chung của các trường. Theo đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mặc dù về lý thuyết thì các cụm thi có thể tự in sao đề nhưng để tránh sự cố nhỏ có thể gây hậu quả khôn lường, việc in sao đề nên được thực hiện tập trung ở một số điểm nhất định, chọn những nơi được bảo đảm an ninh và có kinh nghiệm thực hiện việc này. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có năng lực in đề thi cho khoảng 50.000 thí sinh và bởi vậy, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Thủy lợi cho biết sẽ in sao đề tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Các trường khác như Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Công nghiệp Hà Nội khẳng định sẽ không tự in sao đề mà nhờ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Lần đầu tiên tổ chức thi tới 8 môn nên công tác chấm thi khiến các trường phải tính toán nhiều hơn. Ngoại trừ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có đủ giáo viên cho việc chấm tất cả các môn, các trường khác đều phải có phương án "nhờ vả". Chẳng hạn, với các môn thiếu người chấm thì sẽ chủ động nhờ thêm giáo viên của trường khác và giáo viên phổ thông. Giáo viên Học viện Kỹ thuật quân sự chủ yếu dạy các môn khối A nên trường sẽ nhờ giáo viên bên ngoài chấm các môn còn lại. Trường ĐH Lâm nghiệp sẽ tự chấm toàn bộ các môn thi theo hình thức trắc nghiệm.

Về phía các địa phương, đại diện Sở GD - ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các trường chủ trì khẩn trương chốt địa điểm thi để sở có thể thông báo sớm tới thí sinh, chuẩn bị phương án đi lại. Vấn đề khác cần lưu ý là các trường ĐH liệu có cần huy động lực lượng giáo viên từ các địa phương chấm thi hay không? Nếu có thì cũng cần thông báo sớm để các sở sắp xếp hợp lý, nhất là trong bối cảnh các sở còn phải tổ chức cụm thi địa phương và tiến hành tuyển sinh đầu cấp.

Trước những băn khoăn của lãnh đạo các trường, sở, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thi Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Công tác chuẩn bị của các trường, các sở, ngành phải được tiến hành trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Các trường ĐH chịu hoàn toàn trách nhiệm về cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng kỳ thi. Các tỉnh, thành phố cần thông báo rõ điểm thi, nắm bắt nhu cầu về nơi ở của thí sinh. Ban chỉ đạo sẽ giao các quận, huyện khảo sát và thông báo những điểm trọ miễn phí hoặc có giá cả phù hợp cho thí sinh biết. Các đơn vị cần lưu ý là không vì lượng thí sinh giảm đi so với các năm trước mà có tâm lý chủ quan.

Theo Hà Nội mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/751771/khong-chu-quan-du-luong-thi-sinh-giam

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, tra điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia