Nhiều địa phương trên cả nước đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Theo đó, hầu hết các tỉnh có tỷ lệ đỗ gần 100%. Đặc biệt, một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn..., tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt trên 90%.

Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao như trên, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia hoặc kỳ thi này cần tiếp tục đổi mới...

Giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng,  với kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ chỉ nên thực  hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức và ra đề thi.

Bộ nên giao cho các Sở GD-ĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT địa phương xác nhận.

Còn đối với các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó.

Riêng đề thi vào các trường ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi một trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.
Chức năng của Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo vì thế Bộ không nên ôm đồm, làm thay những công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của hơn 400 trường ĐH, CĐ.

Bộ GD-ĐT chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng thông qua năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của trường đó. Luật Giáo dục Đại học đã quy định và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất rõ cho các trường ĐH, CĐ. Vì thế, các trường có tổ chức thi, xét tuyển và thu hút được thí sinh hay không là hoàn toàn do năng lực của từng trường.

Kỳ thi THPT: Nên bỏ hay tiếp tục đổi mới?

Xét tốt nghiệp THPT không nên chỉ riêng lớp 12

Đóng góp ý kiến vào việc tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, việc tổ chức thi THPT Quốc gia là do Sở GD-ĐT ở các địa phương theo dõi, chỉ đạo, quản lý thì nên giao cho họ đảm nhiệm nhưng phải dưới sự giám sát chặt chẽ, nghiêm túc.

Việc xét tốt nghiệp THPT không nên chỉ xét kết quả học tập riêng lớp 12 mà phải xét cả quá trình học tập của thí sinh ở cả 3 năm lớp 10, 11, 12. Có như vậy, học sinh mới phấn đấu học tập một cách liên tục.

Để thí sinh chọn trường học phù hợp trong tương lai, các trường học nên thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em ngay từ khi mới bước chân vào cấp THPT.
Còn việc xét tuyển ĐH nên giao cho các trường thực hiện dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia hoặc tự chủ tuyển sinh riêng, tổ chức thi thêm tiêu chí phụ, xét tuyển bằng học bạ...

Vẫn nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia trong vài năm nữa

Trước ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia mà chỉ duy trì kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân lại có quan điểm khác.

Theo đó, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, nhiều người đề cập là có quá nhiều điểm 10. Tuy nhiên, thực tế thống kê cho thấy, chỉ có 0,82%o điểm 10 (nghĩa là cứ 1.000 bài thi thì chưa đến 1 bài được điểm 10). Như vậy, con số điểm 10 năm nay không phải là lớn.

Ngoài ra, việc xét tốt nghiệp THPT được tính không chỉ dựa trên điểm bài thi các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 mà còn dựa vào kết quả học tập lớp 12 của thí sinh.

Nếu không tính kết quả học tập lớp 12 thì kỳ thi THPT Quốc gia chỉ có 58% học sinh đỗ tốt nghiệp. Số liệu này cho thấy, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 là thực chất và đánh giá đúng trình độ của thí sinh.

Đến nay, kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH đã trải qua 3 năm. Năm sau tổ chức đều tốt hơn năm trước.

Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như năm 2017 là khá ổn và nên duy trì trong một vài năm tới trước khi bàn đến các phương án khác.
Chúng ta không nên quay trở lại thời  kỳ tổ chức thi ĐH theo kiểu 3 chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) vì như vậy sẽ rất tốn kém cho xã hội và gia đình thí sinh./.

Theo VOV