Bao giờ mới bỏ thi “ba chung”?
Tổ chức thi quốc gia tuyển sinh đại học 3 chung chỉ là đặc thù của giáo dục Việt Nam hiện tại mà bấy lâu nay một số người vẫn coi đó là đặc sắc Việt Nam chưa muốn từ bỏ.
Sau 12 năm học kể từ lớp 1 tiểu học, học sinh Đức thi rồi nhận bằng Abitur để vào Đại học. Cũng sau 12 năm học kể từ lớp 1, học sinh Việt Nam thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng muốn đăng ký vào học năm thứ nhất đại học Đức thì học sinh Việt Nam phải thành công ở kỳ thi đánh giá trình độ tương đương với học sinh Đức, gọi là kỳ thi Feststellung Sprufung, có nghĩa là bằng THPT của Việt Nam không được coi ngang hàng với bằng Abitur của Đức. Sinh viên Việt Nam sang học đại học ở Đức không phải trả học phí như học ở Mỹ, Anh, Úc. Người Đức cần kỳ thi này để bảo đảm rằng tiền đóng thuế của dân họ dùng viện trợ không hoàn lại cho những người chưa đủ năng lực theo học. Một sự thật đáng buồn!
Trong xã hội học có câu chuyện “Cái tôi trong gương”. Chỉ khi nào ta nhìn thấy rõ mình như soi trong gương thì ta mới thực sự biết mình xấu hay đẹp, đang hạnh phúc hay đang đau khổ.
Tổ chức thi quốc gia tuyển sinh đại học 3 chung chỉ là đặc thù của giáo dục Việt Nam hiện tại mà bấy lâu nay một số người vẫn coi đó là đặc sắc Việt Nam chưa muốn từ bỏ.
Tại sao vậy? Ngày nay, bất kỳ 1 hệ thống giáo dục của 1 quốc gia phát triển nào cũng bao gồm 3 bậc: Giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục bậc cao, kể từ đại học trở lên. Giáo dục tiểu học chuẩn bị cho giáo dục trung học. Giáo dục trung học là bước chuẩn bị cho giáo dục bậc cao. Ở các quốc gia phát triển như Phần Lan, Đan Mạch, sau trung học giai đoạn 1 (tương tự THCS của Việt Nam) , học sinh nào không đủ năng lực học tiếp thì sau kỳ thi trung học giai đoạn 1 đã rẽ sang con đường hướng nghiệp. Số còn lại học tiếp trung học giai đoạn 2 (tương tự THPT của Việt Nam) là để chuẩn bị vào đại học.
Nếu chất lượng giáo dục trung học của nước ta được như Phần Lan, ở đó khoảng cách trình độ giữa học sinh được coi là giỏi nhất với học sinh bị coi là yếu nhất không quá 4% (bốn phần trăm) thì chắc hẳn sau khi đã có kỳ thi tốt nghiệp THPT, không cần đến 1 kỳ thi quốc gia hàng năm tuyển sinh vào đại học 3 chung căng thẳng và tốn kém như hiện nay.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam
Nhưng ở nước chúng ta thì ngược lại. Hầu như mọi học sinh đều dàn hàng ngang hành tiến từ lớp 1 lên lớp 12, cùng thi tốt nghiệp THPT, cùng nhận văn bằng tốt nghiệp THPT (đến 99%), để cùng hy vọng vào đại học. Còn về chất lượng giáo dục trung học phổ thông, nếu dự thi PISA do OCDE tổ chức, chắc học sinh trung học nước ta không thể xếp trên thứ hạng 75 vì dự thi PISA không thể cầu may, mỗi nước tham gia phải có 5.000 học sinh dự thi mà ngay học sinh Thủ đô đến nay vẫn còn nói ngọng.
Do vậy mà số thí sinh dự thi tuyển sinh 3 chung vào đại học năm nào cũng bị loại ngót ngét 70%. Điều này có nghĩa là giáo dục trung học giai đoạn 2 (THPT) của nước ta chưa làm nổi vai trò chiếc cầu vững chắc nối với bậc đại học, mặc dầu cả xã hội đã phải tốn kém rất nhiều cho 12 năm học của con em mình.
Có người nói kỳ thi này vẫn là cần thiết để sau khi đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT, phải tổng kiểm tra lần cuối chất lượng bậc học THPT, loại bỏ sự lọt lưới những hiện tượng đáng xấu hổ như hiện tượng Đồi Ngô. Quả thật, kỳ thi 3 chung như thế vẫn cần và chỉ cần cho nền giáo dục của Việt Nam hiện tại, còn các nước Nhật, Úc, Pháp, Đức, Phần Lan và cả Đan Mạch là quốc gia đang trao đổi kinh nghiệm giáo dục với Việt Nam, không nước nào có kỳ thi như vậy.
Ở các nước đó, bất kỳ ai đã có bằng tốt nghiệp THPT (chẳng hạn bằng Abitur, A- Level ,Baccalauréat...) đều có quyền đăng ký vào học trường đại học tổng hợp (University). Rõ ràng tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung của nước ta không phải là một giải pháp sáng tạo đáng tự hào để tiếp tục duy trì.
So sánh với các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ hơn ta, coi đó là chiếc gương để soi mình, ta mới thấy rõ sự thật này. Đừng trách người Đức khắt khe với học sinh Việt Nam muốn du học Đức. Vậy bao giờ mới bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học 3 chung căng thẳng, tốn kém như thế? Câu trả lời dứt khoát ra sao còn đang chờ ở những người có trọng trách đối với cuộc đổi mới toàn diện và căn bản hệ thống giáo dục quốc gia, trong đó có đổi mới giáo dục trung học, làm sao nâng cao được chất lượng giáo dục trung học, sánh được với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kênh Tuyển Sinh
Theo: Báo Thanh Niên - Báo VnExpress