Bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp thật sự không tin vào điều ai đó đang nói? Bạn có cảm giác rằng có điều gì đó không ổn hoặc giả dối ở đây? Có thể họ nói “Có”, kỳ thực trong thâm tâm họ lại ngầm phủ định chuyện đó. Sở dĩ có hiện tượng người này nói một đằng nhưng người kia hiểu một nẻo đều là do ngôn ngữ cơ thể gây ra cả. Vì thế để hiểu chính xác và hiệu quả được ý người khác khi giao tiếp với họ, trước hết bạn phải tập làm quen với các dấu hiệu cũng như biểu hiện của loại ngôn ngữ đặc biệt này đã.
Đôi khi chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chúng, nhưng đôi khi lại không. Nói một cách chi tiết, sự vận động, cử chỉ, nét mặt hay thậm chí cả sự thay đổi tư thế đều bộc lộ phần nào đó về con người chúng ta, và những gì mà ta đang giấu trong lòng cũng đều có thể biểu hiện ra bên ngoài. Nắm bắt được ngôn ngữ của cơ thể và ý nghĩa của chúng, bạn có thể “nhìn thấu” được người khác và hiển nhiên điều đó tạo ra cho bạn có lợi thế to lớn hơn họ khi giao tiếp. Hơn nữa, nếu bạn đã thành thạo trong việc thấu hiểu người khác, bạn cũng có thể làm tốt trong việc chuyển giao thông điệp của mình đến với họ chính xác, tránh để các ngôn ngữ hình thể gây ra hiểu lầm đáng tiếc.
Tôi chắc rằng ai mà chẳng có lần lời nói cửa miệng và biểu hiện cơ thể lại mâu thuẫn với nhau. Loại ngôn ngữ không lời này có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề đối nhân xử thế của ta với người khác, và ngược lại, người khác đối với ta. Nói đến đây cũng rõ, bài viết này nhằm mục đích giải thích cho bạn ngôn ngữ không lời và cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả nhất khi giao tiếp với người khác.
Ấn tượng đầu tiên và sự tự tin
Thử nhớ lại lần đầu tiên bạn gặp ai đó tại công sở hoặc lần cuối cùng bạn theo dõi một người trình bày bài thuyết trình của họ. Ấn tượng ban đầu của bạn là gì? Bạn có thấy được sự tự tin nơi họ không? Bạn có muốn tiếp xúc với họ không? Và bạn có bị họ thuyết phục không? Có hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Họ sải bước vào phòng, bạn chào họ và cả hai bắt tay thật chặt. Trong suốt quá trình giao tiếp, bạn để ý thấy họ luôn duy trì giao tiếp bằng mắt, nét mặt và cử chỉ thoải mái nhẹ nhàng, cởi mở.
Trường hợp thứ hai: Họ rụt rè đi vào, chào hỏi nhưng lại không nhìn vào mắt bạn, bắt tay nhưng cái bắt tay lại thật ủ rũ. Trong lúc cả hai đang nói chuyện họ cứ nhìn đâu đâu, nét mặt thì toát lên vẻ căng thẳng, cử chỉ và điệu bộ thì cứng nhắc, gò bó. Khi bạn quan sát một ai đó, bạn có thể đánh giá xem người đó có tự tin hay không bằng cách kiểm tra xem những biểu hiện sau, Biểu hiện của người tự tin:
- Tư thế: Đứng thẳng lưng.
- Giao tiếp mắt: luôn duy trì cộng với nụ cười thường trực trên môi.
- Cử chỉ của tay: Quả quyết, khoan thai.
- Lời nói: Chậm rãi và rõ ràng.
- Âm lượng giọng nói: Vừa phải.
Nắm được những điều này, bạn không những có thể “giải mã” được người khác mà còn vận dụng cho bản than trong một số trường hợp cần thiết. Ví dụ, bạn chuẩn bị có một bài thuyết trình lớn hoặc sắp tham dự một cuộc họp quan trọng nhưng lại không đủ tự tin. Vậy tại sao lại không “trang bị” sự tự tin tạm thời cho mình bằng những kiến thức ở trên. Bạn cũng có thể khám phá thêm về kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ thông qua khoá học Kỹ năng giao tiếp ứng xử của giảng viên Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tại Academy.vn:
Click để tham gia: Khoá học Kỹ năng giao tiếp ứng xử
Những cuộc họp mặt thử thách và sự phòng ngự.
Đã bao giờ bạn tham dự một cuộc họp mặt quan trọng và đầy khó khăn. Có thể đó là một buổi kiểm duyệt khả năng làm việc hoặc một buổi thương lượng ký kết hợp đồng chẳng hạn, vân vân. Sẽ thật may mắn nếu bạn và đối tác cởi mở, lắng nghe lẫn nhau để suôn sẻ đi đến kết quả tốt đẹp sau cùng. Nhưng nếu dễ như thế thì chẳng cần phải nói, thường thì đối tác sẽ ở trạng thái phòng ngự và không thực sự chú ý đến điều bạn nói. Nếu chuyện này diễn ra trong một buổi họp thẩm định, bạn phải nhắc nhở đồng nghiệp thay đổi hành vi của họ, rằng bạn rất mong họ có thái độ hợp tác với những gì bạn đang cố gắng truyền đạt. Một số dấu hiện chứng tỏ người nói chuyện với bạn đang ở tư thế phòng thủ là:
- Tay/cánh tay thu lại sát cơ thể.
- Rất ít biểu lộ cảm xúc nét mặt.
- Cơ thể có xu hướng tránh xa bạn.
- Hai cánh tay bắt chéo trước ngực.
Bằng cách nhận biết những biểu hiện trên, bạn có thể thay đổi cái bạn đang nói đến và cách bạn truyền đạt vấn đề đó để khiến người đó cũng thay đổi thái độ của họ theo một hướng tích cực hơn. Tương tự, nếu bạn cũng cảm thấy mình hơi phòng thủ trong một cuộc đàm phán, hãy nhớ điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể sao cho phù hợp với hoàn cảnh khi đấy, rằng bạn đang thật sự cởi mở và tiếp thu vấn đề mà đối tác đang thảo luận.
Làm việc nhóm và sự thiếu hợp tác
Bạn có bao giờ đứng thuyết trình nhưng nhìn xuống dưới thấy mọi người ngáp lên ngáp xuống không? Có nghĩ đến chuyện làm việc với một nhóm để cùng chia sẻ và thống nhất trách nhiệm cũng như thời hạn kết thúc? Mọi người đều có sẵn ý tưởng hay tỏ ra bất hợp tác? Ai khi thuyết trình với nhóm cũng muốn nhận được sự hưởng ứng 100% cả mặc dù điều này không phải lúc nào cũng được. Tuy nhiên bạn có thể chủ động lôi kéo thính giả nếu thấy họ đang có vẻ chán bài thuyết trình của bạn. Một vài biểu hiện cần lưu ý:
- Đầu cúi xuống.
- Mắt đờ đẫn hoặc nhìn vào thứ gì khác.
- Tay bỏ trong túi quần hoặc cầm bút lên nghịch
- Viết, vẽ linh tinh.
- Ngồi trượt dài trên ghế.
Khi bạn nhận ra một ai đó không tập trung, bạn có thể ra tay để lôi kéo sự chú ý của họ, bằng cách hỏi người nào đó một câu trực tiếp chẳng hạn. Và khi chuyện này xảy ra, hãy chắc rằng ngôn ngữ cơ thể của bạn diễn đạt chính xác điều mà bạn muốn.
Dối trá: Trong tất cả những biểu hiện về ngôn ngữ cơ thể mà chúng ta đã, đang và sẽ nói tới ở đây, việc nhận biết được việc một người có đang nói dối hay không là hữu ích nhất. Một vài biểu hiện tiêu biểu:
- Không hoặc rất ít giao tiếp bằng mắt; mắt chuyển động láo liên, con ngươi hẹp.
- Hay đặt tay hay ngón tay lên miệng trong lúc nói.
- Cơ thể có xu hướng giữ khoảng cách ra xa người đối diện, hoặc có những dấu hiệu, cử chỉ không tự nhiên.
- Nhịp thở tăng lên.
- Da đổi màu (đỏ mặt hay cổ)
- Mồ hôi túa ra.
- Âm vực giọng nói thay đổi, nói lắp, đằng hắng.
Như với mọi ngôn ngữ không lời khác, một điều bạn cần nhớ là không phải ngôn ngữ cơ thể của mọi người đều y như nhau, vẫn có một chút khác đấy. Do đó khi thấy một vài biểu hiện có vẻ giông giống những biểu hiện ở trên thì đừng vội vàng kết luận ! Bởi khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng họ cũng xuất hiện những biểu hiện đó. Điều bạn nên làm lúc này là nhận biết những tín hiệu đáng ngờ, rồi từ đó hỏi nhiều hơn và chi tiết hơn để có thể đưa ra kết luận rằng đối tượng đó có thành thật hay không. Việc làm rõ hơn nữa ngôn ngữ cơ thể của một người không bao giờ là thừa khi bạn đang kiểm tra mức độ chính xác ý nghĩa của cử chỉ đó. Điều này đặc biệt đúng trong những buổi phỏng vấn tuyển dụng hay các cuộc thương lượng.
Phỏng vấn, thương lượng và phản hồi
Bạn sẽ làm gì khi được hỏi một câu hỏi hay? Liệu bạn có suy nghĩ một chút trước khi trả lời không? Đây là hai trường hợp có thể xảy ra: Một là bạn sẽ xổ toẹt câu trả lời mà không cần suy nghĩ, hai là bạn suy nghĩ cẩn thận câu hỏi trước khi đưa đưa ra đáp án. Với trường hợp thứ hai, bạn sẽ chiếm được cảm tình của người hỏi vì bạn cho họ thấy được rằng câu hỏi của họ đủ hay để trả lời sau khi đã mất thời gian cân nhắc. Ứng xử như vậy ở bất cứ buổi tuyển dụng hay thương lượng nào cũng đều gây ra dấu hiệu tích cực đối với người hỏi. Một số biểu hiện người tập trung cho câu hỏi:
- Mắt nhìn về hướng khác và chỉ quay trở lại tiếp xúc với mắt người hỏi khi trả lời.
- Vuốt cằm.
- Tay đặt lên má.
- Nghiêng đầu, mắt nhìn lên trên.
Như vậy, cho dù bạn là người hỏi hay là người trả lời, đây là những cử chỉ chắc chắn đúng cho trường hợp thứ hai ở trên. Không nên vơ đũa cả nắm ! Như tôi đã nói ở trên, mỗi người là một cá thể khác nhau, và có thể những biểu hiện cơ thể bạn thấy nó lại chẳng giống như bạn nghĩ. Điều này thường xảy ra do khác nhau giữa thói quen của mỗi người và đặc biệt là về mặt văn hóa của từng vùng. Vì vậy, để chắc chắn rằng phán đoán của bạn là đúng, bạn có thể dùng những phép thử như hỏi những câu hỏi chi tiết, tìm hiểu người đó kỹ hơn.
Để luyện tập và trau dồi kỹ năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể, bạn cần dành thời gian quan sát những người xung quanh bạn. Những người đó có thể là hành khách trên xe bus, trên tàu lửa, hoặc trên TV nhưng không bật tiếng, để ý cách họ ứng xử với những người khác. Trong lúc đang quan sát, cố gắng đoán xem họ đang nói những gì hoặc chuyện gì đang diễn ra giữa họ. Cho dù bạn không có cơ hội kiểm tra rằng mình đúng hay sai, bạn cũng thu thập được kha khá kỹ năng quan sát rồi đấy và sẽ giúp bạn nhạy hơn trong việc chộp lấy các tín hiệu của ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp với người khác.
Mẹo: Khi đã thành thạo việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể, người ta thường dùng nó để diễn đạt rõ thông điệp mà họ đang truyền tải hay củng cố thêm sức mạnh cho những gì họ đang nói. Trong một vài trường hợp thì điều này chấp nhận được. Bạn có thể đeo lên mặt một chiếc mặt nạ can đảm khi sắp đi gặp một ai đó hay chuẩn bị thuyết trình. Tuy nhiên, nó lại phản tác dụng nếu bạn cố gắng thuyết phục ai đi ngược lại với mong muốn của họ. Tại sao? Vì có thể bạn bị “gậy ông đập lưng ông” vì không điều khiển được những cử chỉ của mình. Việc này sẽ bạn mất đi niềm tin cũng như sự tín nhiệm của người đó một cách nghiêm trọng.
Điểm cốt lõi: Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi chúng ta giao tiếp và có thể phản ánh khá chính xác những gì thực sự đang diễn ra bên trong chúng ta. Ngôn ngữ cơ thể bao gồm chuyển động cơ thể, những cử chỉ (chân, tay, bàn tay, đầu và thân), tư thế, căng cơ, giao tiếp mắt, da đổi màu (ửng đỏ), và thậm chí là cả nhịp thở, sự tiết mồ hôi. Chưa hết, còn có thêm tốc độ, cao độ và sự thay đổi của giọng nói. Nên nhớ một điều rằng ý nghĩa ngôn ngữ cơ thể có thể khác nhau giữa những cá nhân, và giữa những quốc tịch, văn hóa khác nhau. Do nó thiên biến vạn hóa như vậy cho nên bạn cần “giải mã” những tín hiệu đã học được trên đây trước khi đưa ra kết luận sau cùng, bằng cách đặt câu hỏi và tìm hiểu kỹ đối tượng.
Theo Infonet.vn