Đợt 1 xét tuyển ĐH 2016 đã ghi nhận sự bất thường trong công tác tuyển sinh khi rất nhiều trường ĐH tốp trên thiếu đến hàng trăm chỉ tiêu. Những ngày đầu của đợt xét tuyển bổ sung cũng không nhiều lạc quan khi số thí sinh đến nộp hồ sơ thưa thớt.

Nín thở chờ thí sinh

Ngày 22-8, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM tiếp nhận được 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung. ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của trường, cho biết thí sinh xét tuyển qua bưu điện gần như không có mà hầu hết là đến nộp trực tiếp tại trường. Điều khá lạ là rất hiếm thí sinh ở các tỉnh mà chủ yếu là thí sinh của TP HCM. Mức điểm của thí sinh tập trung ở 17-18.

TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết tính đến chiều 22-8, trường nhận được khoảng 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong kỳ xét tuyển bổ sung này, trường còn 380 chỉ tiêu cho 10 ngành nhưng số hồ sơ tập trung không nhiều. Có những ngành khá nhiều hồ sơ xét tuyển nhưng cũng có những ngành rất ít hồ sơ như ngành công tác xã hội, tiếng Trung...

Kỳ lạ tuyển sinh đại họcThí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung ngày 22-8 tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung đến chiều 22-8 mới chỉ được gần 200.

Theo ThS Nguyễn Chí Thu, Phó Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, sau 2 ngày nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung, trường mới nhận được 100 hồ sơ, trong đó có nhiều thí sinh có kết quả điểm thi khá cao, từ 19 đến 21. Còn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển tính đến cuối giờ chiều 22-8 mới hơn 100.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại TP HCM, cho biết trong đợt 1 xét tuyển, mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường với tất cả 4 nguyện vọng thì tỉ lệ ảo đã khá cao, nay xét tuyển bổ sung, thí sinh có thêm 1 trường và 2 nguyện vọng nữa nên tỉ lệ ảo sẽ hơn 70%, đây là điều các trường ĐH không mong muốn.

Chới với vì không kiểm soát được “ảo”

Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 đã chứng kiến cảnh chưa từng có, đó là những trường tốp trên lâu nay điểm chuẩn đại học cao chót vót và chẳng mấy khi phải tuyển nguyện vọng 2 thì nay phải tuyển bổ sung như Trường ĐH Y Hà Nội: chỉ có 758 thí sinh xác nhận sẽ theo học tại trường, trong khi chỉ tiêu của trường này lên đến 1.100; Trường ĐH Y Dược TP HCM phải thông báo xét tuyển bổ sung 12 ngành với hơn 400 chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 18; Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng phải xét tuyển bổ sung 5 ngành; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo; Trường ĐH Thương mại thông báo xét tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành…

Trước hiện tượng lạ này, nhiều chuyên gia tuyển sinh phải đặt câu hỏi năm nay thí sinh đã đi đâu? Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho hay với mức điểm sàn 15, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Số liệu này được công bố công khai và không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.

Lý giải về tình trạng thiếu vắng thí sinh, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng lượng thí sinh ảo nhiều khiến các trường ĐH khó xác định được chính xác số lượng thí sinh nhập học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu, đã có 396.496 thí sinh đăng ký. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 2 trường trong đợt 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thừa nhận việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu do thí sinh ảo là đúng và không chỉ bây giờ vấn đề “thí sinh ảo” mới được nói đến. “Ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời 2 trường ngay trong đợt 1 để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý” - bà Phụng nói.

Ông Tớp nói thêm trong đợt đầu tiên, thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên có nhiều em đạt điểm thi cao đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa chỉ là nguyện vọng 2, còn nguyện vọng 1 đa phần các em đăng ký vào các trường ĐH công an, quân đội vì đây là những trường mà khi vào học, thí sinh không phải đóng học phí và được bảo đảm sau khi tốt nghiệp ĐH là có việc làm.

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cũng có chung quan điểm việc để mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng đã tạo nên số lượng thí sinh ảo tương đối lớn. Các trường ĐH khó dự đoán được số lượng thí sinh sẽ nhập học vào trường là bao nhiêu. Ngoài ra, theo ông Tú, năm nay đề thi có tính phân loại cao nên phổ điểm thấp hơn đáng kể vì thế điểm chuẩn năm nay lẽ ra phải thấp hơn nhiều so với mức điểm mà các trường đưa ra.

Tuyển vượt dù bị phạt

Đại diện một số trường nhận định trong đợt xét tuyển bổ sung này, các trường công uy tín còn ít chỉ tiêu sẽ gọi một cách chừng mực nhưng với những trường thiếu nhiều chỉ tiêu, có thể họ sẽ gọi tăng gấp 4-5 lần chỉ tiêu cho phép vì đề phòng “ảo”. “Họ sẽ chấp nhận chịu phạt nếu như tuyển sinh lố chứ không thể để tình trạng không tuyển đủ vì đây là vấn đề sống còn, đặc biệt với trường ĐH tự chủ, trường ngoài công lập” - một chuyên gia nhận định.

 

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ky-la-tuyen-sinh-dai-hoc-20160822220858757.htm