Kì thi đánh giá năng lực: Hạn chế tình trạng học tài, thi phận
Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN là kiểu bài thi giúp phân loại trình độ, năng lực giữa các thí sinh với nhau. Phổ điểm lý tưởng của bài thi theo hình thức thi này là hình “quả chuông” hay theo phân phối chuẩn, thể hiện sự phân loại rõ ràng các nhóm trình độ (rất kém - kém - trung bình - khá - giỏi - rất giỏi).
Các phổ điểm nếu có dạng chuẩn sẽ phản ánh tính phân hóa cao của đề thi. Những người ra đề có kinh nghiệm sẽ kiểm soát và dự tính được độ dốc của quả chuông trước khi kỳ thi bắt đầu. Đồ thị phổ điểm có thể thoai thoải hoặc rất dốc. Nếu đồ thị càng dốc thì tỷ lệ chọn giữa các thí sinh sẽ càng cao vì số lượng chỉ tiêu trúng tuyển sẽ ít hơn nhiều so với lượng thí sinh tham dự.
Quay lại kết quả phân tích điểm thi của ĐHQGHN, với bài thi ngoại ngữ, thống kê cho thấy: Tổng số thí sinh đạt từ 40 điểm trở lên là 75,3% (trên tổng điểm 80). Điểm trung bình là 48,8 điểm trong đó điểm phổ biến mà thí sinh đạt được là 51 điểm. Chỉ có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 80/80 điểm và 1 thí sinh đạt 79/80 điểm.
Tỷ lệ thí sinh dưới 40 điểm là 24,55%; từ 40 điểm đến dưới 50 điểm (26,3%); từ 50 đến dưới 60 điểm (27%); từ 60 điểm đến dưới 70 điểm (18,2%); từ 70 điểm trở (3,61%).
Phổ điểm bài thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2016 không có sự khác biệt với năm trước, đều có phân bố chuẩn, cân đối cả hai phía.
Với bài thi đánh giá năng lực, thống kê cho thấy: Điểm trung bình của toàn bộ thí sinh là 75,2 (trên tổng là 140). Tổng số thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên là 64,82%, trong đó điểm phổ biến mà thí sinh đạt được là từ 64-87 điểm. Thí sinh đạt điểm cao nhất là 124/140 điểm.
Dưới 70 điểm có 34,91% thí sinh; từ 70 điểm đến dưới 80 điểm (26,9%); từ 80 đến dưới 90 điểm (21,93%); từ 90 điểm đến dưới 100 điểm (11,49%); từ 100 điểm đến dưới 110 điểm (3,7%); có 300 thí sinh đạt từ 110 điểm trở lên.
Kết quả phân tích điểm cho thấy phổ điểm bài thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2015 và đợt 1 năm 2016 hầu như không có sự khác biệt, phổ điểm của cả hai năm đều có phân bố chuẩn, cân đối cả hai phía.
Trong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2016, số câu hỏi được bổ sung vào ngân hàng đề thi của ĐHQGHN đã tăng gấp đôi so với năm 2015, lên đến 8.000 câu. Tuy nhiên, phổ điểm bài thi đánh giá năng lực không có sự khác biệt đáng kể nào giữa năm 2015 và 2016 cho thấy bài thi có mức độ phân hóa tốt, khẳng định sự chuẩn hóa, chính xác của bộ đề thi.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đánh giá: “Phổ điểm đẹp của kỳ thi đánh giá năng lực là kết quả của thực tế kiểm định khả năng của các em qua các kỳ thi thạc sĩ, lớp chất lượng cao mà ĐHQGHN đã tiến hành áp dụng thí điểm nhiều lần trước đó. Khi đó, mức độ khó dễ của đề thi sẽ khách quan chứ không phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của người ra đề nữa”.
Việc phân loại tốt thí sinh, đánh giá đúng năng lực sẽ là cơ sở đáng tin cậy để ĐHQGHN tuyển chọn được những thí sinh chất lượng một cách công bằng và khách quan nhất mà không lo bỏ lọt thí sinh “học tài thi phận”.
Kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học chính quy đợt 1 năm 2016 của ĐHQGHN diễn ra từ ngày 5-15/5 với 21 điểm thi, 14 ca thi và 180 phòng thi. Với bài thi ngoại ngữ, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.842, số thí sinh dự thi là 15.443, đạt 97,4%. Với bài thi đánh giá năng lực, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 52.850, số thí sinh dự thi là 51.131, đạt 97,1%. |
Theo Chính phủ, nguồn: http://baochinhphu.vn/doi-song/ky-thi-danh-gia-nang-luc-han-che-tinh-trang-hoc-tai-thi-phan/254924.vgp