"Nhiều vị trong Hội phụ huynh chỉ biết có con mình"
Tôi có một số ý kiến muốn chuyển đến Bộ Giáo dục và đào tạo. Đó là bộ đã cho ra đời Hội Phụ huynh học sinh với quan điểm thật hay nhưng không quản nổi, để nhiều năm trôi qua nó đã biến tướng mà ai nghe đến cũng phải sợ.
Có nhiều đề xuất trong Hội Phụ huynh được đưa ra từ những vị chỉ biết có con mình và muốn "trội" hơn người khác thì thật không có vai trò giáo dục ở đây.
Bản chất đồng phục học sinh cũng không còn đúng nghĩa của nó, học sinh A so sánh với học sinh B, trường M so sánh với trường N, cứ thế đua nhau chạy theo những việc làm phản giáo dục.
Chúng ta đừng nghĩ rằng việc làm của chúng ta không ai biết, nhất là con em chúng ta. Vậy nên nếu Hội Phụ huynh hoạt động chỉ vì sự ích kỉ, không cảm xúc hay nói khác đi là vô cảm thì nên giải tán hội.
Nên lập ra một tài khoản chung cho Hội Phụ huynh trên cả nước, nơi đó chỉ để quan tâm đúng người đúng việc không phô trương ông A và B làm gì cho ai thì đó mới là hội bao người cần.
Những phụ huynh nào có điều kiện thì hãy đưa con em đến nơi mà mình thích nhất, còn đã chọn trường công lập thì tất cả phải như nhau, dù bạn có điều kiện cũng nên nghĩ cho người khác.
5 lí do nên bỏ Hội phụ huynh
Theo tôi thấy, ngay tên gọi Hội phụ huynh hay Ban đại diện phụ huynh học sinh cũng chưa thật sự thống nhất trong ngành giáo dục thì làm sao hoạt động có hiệu quả?
Đầu tiên, theo tôi hiểu, Hội phụ huynh hay Ban đại diện phụ huynh học sinh là tổ chức quần chúng tự nguyện, là người đại diện cho các bậc phụ huynh có con em học tại lớp, tại trường, do vậy "Hội" hay "Ban" đó phải được phụ huynh học sinh của lớp hoặc trường bầu cử hay giơ tay biểu quyết, nếu chỉ do thầy cô giáo và nhà trường giới thiệu là không đúng, nên bỏ.
Hai là, Hội phụ huynh hay Ban đại diện phụ huynh học sinh là "cầu nối" giữa các bậc phụ huynh học sinh với nhà trường và thầy cô giáo trong công tác phối hợp giáo dục thể chất, tinh thần, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhưng lại không làm được, lại lạm thu, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh, do vậy nên bỏ.
Ba là, Hội phụ huynh hay Ban đại diện phụ huynh học sinh có nhiệm vụ giám sát việc thu chi các khoản đóng góp của học sinh có đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nếu chưa làm được, nên bỏ.
Bốn là, việc đóng góp của học sinh phải trên tinh thần tự nguyện bàn bạc thống nhất, thiết thực, nếu Hội phụ huynh hay Ban đại diện phụ huynh học sinh không làm được hoặc làm theo kiểu ép buộc như "đọc xong rồi thì lấy tờ giấy ra (đã in sẵn họ tên các học sinh của lớp) và tiến hành thu tiền", nên bỏ.
Năm là, việc liên lạc giữa thầy cô giáo, nhà trường với phụ huynh học sinh thời nay đã có "sổ liên lạc điện tử", đã có "Alo", do vậy không cần "cầu nối" kiểu "thủ công" nữa!
Chỉ cần giữ Hội phụ huynh ở cấp 1
Chị T.L.Giang, một phụ huynh ở quận 2 cho rằng: "Nên duy trì Hội phụ huynh học sinh ở cấp 1 khi trẻ còn quá nhỏ, chưa ý thức, để giúp phụ huynh nắm rõ các hoạt động của con trong lớp.
Nhưng học sinh cấp 2 và cấp 3 đã bắt đầu tự chủ, có ý thích và nhu cầu riêng, có thể tự thu, tự chi dưới sự kèm cặp của giáo viên chủ nhiệm, không cần hội phụ huynh can thiệp.
Tôi nghĩ lớp chỉ cần quỹ lớp, tôi đề xuất là 50.000 đồng/em/tháng, nếu thiếu thì đề xuất phụ huynh hỗ trợ thêm.
Năm ngoái quỹ phụ huynh của lớp đã vấp phải sự phản đối của nhiều cha mẹ, nhiều người nhất quyết không đóng vì nghi ngờ tính minh bạch tài chính của Hội Phụ huynh, cảm giác như Hội hoạt động kín, chỉ thông báo một chiều, rất ít khi thấy biên lai, hóa đơn.
Theo Hội phụ huynh, quỹ phụ huynh được sử dụng vào dịp 20-11 để mua quà tặng thầy cô, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, tặng thưởng tốp 5 học sinh giỏi hàng tháng, tổ chức sinh nhật cho học sinh. Khi đó Hội Phụ huynh sẽ đi mua hoặc đưa tiền nhờ cô giáo đi mua giùm.
Vậy mà đã có lúc cô giáo cũ từng tâm sự rằng cô thấy xấu hổ khi tới tháng muốn mua gì cho lớp phải hỏi phụ huynh, giống như đi xin tiền vậy".
Theo Tuổi trẻ