Phóng viên: Với vai trò là đơn vị được đánh giá, kiểm định các trường ĐH, sau 2 năm thành lập, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP HCM đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào và đến nay đã đánh giá bao nhiêu trường, thưa ông?
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Sau 2 năm thành lập và được cấp phép hoạt động, trung tâm đã cơ bản hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự để vận hành và hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quản lý - điều hành - nghiệp vụ để triển khai, quản lý các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng…
Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã đánh giá 7 trường ĐH, trong đó 6 trường đạt, 1 trường không đạt và đã công nhận 4 trường (3 trường thành viên ĐHQG Hà Nội, gồm: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM), đang và sắp đánh giá tiếp 6 trường cho đến hết năm 2016.
Trung tâm là thành viên quốc tế của Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Mỹ (Council for Higher Education Accreditation - CHEA), tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn trong nước cũng như hội thảo do các tổ chức nước ngoài tổ chức, như: Tổ chức đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA), Chương trình hợp tác nghiên cứu giáo dục ĐH khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APHERP).
Theo ông, qua quá trình hoạt động, công tác kiểm định chất lượng của trung tâm gặp trở ngại gì?
- Trước hết là bộ tiêu chuẩn, do công cụ cơ bản của công tác kiểm định là bộ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một số nội dung trong bộ tiêu chuẩn hiện nay chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm định và giảm hiệu quả hoạt động của trung tâm. Bộ tiêu chuẩn hiện nay cần tiếp tục điều chỉnh, cải tiến.
Bên cạnh đó, quy định và quy trình kiểm định cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa. Ví dụ, cần điều chỉnh, bổ sung quy định và quy trình để tránh việc tranh luận kéo dài giữa đoàn đánh giá ngoài và cơ sở giáo dục.
Khó khăn nữa là về kiểm định viên. Hiện trung tâm còn hạn chế về quy mô và năng lực, đặc biệt là các kiểm định viên đạt yêu cầu đảm đương nhiệm vụ trưởng đoàn và thư ký. Các kiểm định viên chưa tham gia vì nhiều lý do: ở xa, không nhiệt tình, còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ độ sắc sảo. Nhìn chung, năng lực chưa đạt yêu cầu, cần thời gian bồi dưỡng thêm.
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng của các cơ sở giáo dục đối với công tác kiểm định cũng cần bàn đến. Có trường tích cực, xúc tiến công việc chuẩn bị cho đánh giá ngoài và công nhận nhưng nhiều trường còn khá chậm, thiếu tích cực. Công tác tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế. Do đó, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục xúc tiến việc kiểm định.
Tóm lại, tính chất công việc kiểm định khó khăn và mới mẻ, đòi hỏi sự khách quan, chuyên nghiệp và tính giải trình cao trước các cấp quản lý và xã hội. Điều này tạo nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và viên chức của trung tâm trong quá trình triển khai hoạt động. Các trung tâm kiểm định cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao năng lực. Vì vậy, chúng tôi đang thực hiện đề án xây dựng trung tâm theo mô hình xuất sắc (Centre of excellence) và tiếp tục tăng cường, củng cố nhân sự.
Sau quá trình đánh giá, ông nhận thấy mặt bằng chất lượng các trường đã qua kiểm định có bảo đảm không? Các cơ sở giáo dục cần lưu ý gì về vấn đề chất lượng để tăng niềm tin với người học và xã hội?
- Qua đánh giá ngoài 7 trường, chúng tôi công nhận 6 trường đạt chuẩn, 1 trường chưa đạt. Trong số 6 trường đạt thì tỉ lệ % tiêu chí đạt cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, đây là những trường khá tốt, vì có đến 5 trường thuộc ĐHQG Hà Nội. Nếu xét rộng nhất có thể thì dự báo là sẽ có không ít trường chưa đạt. Điều này phù hợp với hiện trạng chất lượng của các trường.
Qua đây, xin lưu ý các trường một số vấn đề như sau. Hiện nhiều trường chưa chú trọng đầu tư đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý thật tốt. Ngoài ra, các trường cần đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất. Về mặt quản lý, hiện nhiều trường chưa chặt chẽ khâu này, chưa hình thành văn hóa chất lượng. Chương trình đào tạo cũng thiếu xây dựng kỹ năng và thái độ phù hợp cho sinh viên.
So với các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia…), Việt Nam thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục muộn nhất. Vậy thời gian tới, trung tâm cần làm gì để theo kịp và cạnh tranh lĩnh vực này với nước bạn?
- Thời gian tới, trung tâm kiểm định cần tăng cường đội ngũ kiểm định viên (số lượng, năng lực), tăng cường hoàn thiện mô hình trung tâm theo “thực hành tốt” (good practices) của khu vực và thế giới, cần cơ chế tốt từ Chính phủ nhằm phát triển độc lập và bảo đảm chất lượng kiểm định của chính trung tâm. Bộ GD-ĐT không chỉ sinh ra các trung tâm mà còn cần nuôi dưỡng (ban đầu), nhất là bồi dưỡng trung tâm cũng như kiểm định viên nhằm phát triển bền vững.
Vươn tầm châu Á
Ngày 14-10, hội thảo Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP HCM hướng tầm nhìn ra châu Á đã diễn ra tại nhà điều hành ĐHQG TP HCM.
Nội dung hội thảo xoay quanh vấn đề làm thế nào để xây dựng mô hình trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tầm châu Á. Các ý kiến chuyên gia từ 2 mảng kiểm định chất lượng giáo dục và quản trị tổ chức đã tạo tiền đề xây dựng Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP HCM phát triển bền vững, góp phần đúc kết thành mô hình trung tâm xuất sắc của Việt Nam.
Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-it-truong-dh-chua-dat-kiem-dinh-chat-luong-20161014223438947.htm