>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Không đủ điều kiện xét tuyển, nên làm gì?

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT nhìn nhận: “Trong số đó, chắc chắn có TS có điểm xét ĐH cao trong khi điểm xét tốt nghiệp bị liệt, nhưng không đáng kể. Những em đã giỏi toán thì rất hiếm khi bị điểm liệt môn văn vì đề môn văn ra vừa sức mà bất cứ ai cũng có thể làm được để tránh điểm liệt. Nhưng những em giỏi văn vẫn có thể bị liệt môn toán”. Như vậy, số TS có điểm xét ĐH cao nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp, nếu có, chủ yếu là TS dùng kết quả tổ hợp môn các ngành xã hội, trong đó toán là môn thi để xét tốt nghiệp.

Theo quy định, TS phải đậu tốt nghiệp thì mới được xét ĐH - CĐ. Do đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định những TS này phải đợi thi lại trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm sau. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt thòi, TS làm đơn xin bảo lưu kết quả thi. Quy chế cho phép TS dự thi đủ các môn quy định nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy nếu năm 2015, TS bị liệt môn toán thì năm sau chỉ cần thi lại môn này. Trường hợp TS không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp.
Còn việc có được sử dụng điểm bảo lưu đó để xét ĐH hay không thì do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ đó quyết định.

Vì sao môn văn không có điểm 10 ?
Theo bảng tổng hợp kết quả thi mà Bộ GD-ĐT vừa công bố thì môn ngữ văn không có TS nào đạt điểm 10. Trong nhiều lý do, có các lý do sau đây:
Đề thi và đáp án chấm có nhiều câu hỏi hơn. Ngoài ra, đáp án chấm cũng chi tiết hơn đề thi các năm trước. Đặc biệt là nhiều câu hỏi có đáp án gợi mở, thang điểm chấm có những yêu cầu mới như bố cục bài làm, chính tả, dùng từ, đặt câu, tính sáng tạo... Vì thế TS khó có được bài làm lý tưởng để đạt điểm tuyệt đối.
Bên cạnh đó, đáp án chấm ở một số câu chưa thật cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, ở các câu hỏi vận dụng thấp (câu 4 và 8 phần đọc hiểu), khi đề yêu cầu viết trong khoảng 5 - 7 dòng, thế nhưng những TS làm bài tốt thường viết khá dài (vì họ nghĩ viết dài mới đủ ý và viết càng dài càng nhiều điểm). Trong khi đó đáp án chấm không cụ thể về mức điểm giới hạn độ dài. TS cũng không được lưu ý điểm này khi ôn tập từ trước. Hệ quả là giám khảo chấm điểm tùy theo quan niệm cá nhân, mà thường thì không cho điểm tuyệt đối...
Ngoài ra còn tâm lý người chấm. Ở cụm chấm do trường ĐH chủ trì, hầu hết giám khảo chấm theo yêu cầu của bài làm tuyển sinh chứ không phải để xét tốt nghiệp nên chặt tay hơn kỳ thi tốt nghiệp các năm trước. Tâm lý chung cũng chỉ muốn cho điểm ở mức an toàn (tránh phiền phức, mất thời gian...), mà môn văn lại được quyền có điểm lệch lớn. Vì thế hiếm người "đủ dũng khí" để bảo vệ quan điểm của mình khi cho một bài làm văn tốt nào đó 10 điểm.

Nhiều thí sinh bị mất điểm vì cách làm tròn

Nhiều thí sinh phản ánh cách làm tròn điểm trắc nghiệm theo môn hiện tại của Bộ GD-ĐT khiến họ bị mất điểm oan.

Một thí sinh cho biết mình thi môn vật lý đúng 38 câu được 7,6 điểm và theo nguyên tắc làm tròn, điểm thi môn vật lý của thí sinh này là 7,5. Trong khi đó, một thí sinh khác làm được 37 câu được 7,4 điểm cũng được làm tròn thành 7,5. Như vậy là không công bằng cho thí sinh có số câu làm đúng nhiều hơn.

Theo nguyên tắc làm tròn điểm môn trắc nghiệm, điểm thi từng môn sẽ được quy ra thang điểm 10 và làm tròn đến 0,25 điểm. Việc làm tròn sẽ đưa điểm về điểm lẻ gần nhất. Chẳng hạn 7,2 sẽ làm tròn thành 7,25; 7,4 và 7,6 làm tròn thành 7,5 và 7,8 làm tròn thành 7,75 (cần 0,2 điểm để lên 8 và chỉ mất 0,15 để về 7,75).

Việc làm tròn điểm như vậy theo thí sinh là chưa công bằng khi thí sinh làm được ít câu hơn vẫn có điểm bằng thí sinh làm đúng nhiều câu hơn. Quan trọng hơn là điểm tổng khi xét tuyển sẽ bằng nhau khiến cho thí sinh làm đúng nhiều câu hơn bị thiệt thòi.

Chẳng hạn, một thí sinh làm được 7 điểm môn toán, 7,6 điểm môn lý và 7,6 điểm môn hóa khi làm tròn sẽ là 7, 7,5 và 7,5. Tổng điểm là 22. Một thí sinh khác làm được 7 điểm toán, 7,4 điểm lý và 7,4 điểm hóa khi làm tròn cũng sẽ là 7, 7,5 và 7,5. Tổng điểm cũng là 22.

Theo ý kiến nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh, việc làm tròn điểm từng môn trắc nghiệm như vậy sẽ không công bằng. Để tránh tình trạng này, thay vì làm tròn điểm từng môn sẽ làm tròn điểm tổng của ba môn.

Với ví dụ nêu trên, với thí sinh đạt 7, 7,6 và 7,6 thì điểm tổng là 22,2 và được làm tròn thành 22,25. Trong khi đó thí sinh đạt 7, 7,4 và 7,4 tổng điểm sẽ là 21,8 và điểm làm tròn là 21,75. Như vậy, nếu làm tròn điểm tổng sẽ phản ánh đúng thực tế điểm số của thí sinh và công bằng hơn.

Nếu làm tròn điểm từng môn hai thí sinh có điểm tổng bằng nhau nhưng khi làm tròn điểm tổng, chênh lệch điểm là 0,5. Thí sinh làm được nhiều câu chỉ được “tặng” 0,05 điểm trong khi thí sinh làm đúng ít câu hơn “mất” 0,15 điểm. Nếu làm tròn điểm từng môn, thí sinh làm đúng nhiều câu hơn “mất” 0,5 điểm và thí sinh làm đúng ít câu hơn được “tặng” 0,2 điểm.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay, điểm tổng được xác định đến điểm lẻ 0,25 và không làm tròn thành 0,5 như những kỳ tuyển sinh trước đây. Do vậy, chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm đã có thể quyết định đến việc đậu hay rớt của thí sinh.

Những kỳ tuyển sinh trước đây, cũng với cách làm tròn điểm thu trắc nghiệm thế này nhưng Bộ GD-ĐT qui định chỉ làm tròn điểm tổng, không làm tròn điểm từng môn.

Chẳng hạn điểm môn lý 7,25 vẫn giữ nguyên. Nếu điểm tổng là 17,25 sẽ được làm tròn thành 17,5. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ tuyển sinh năm nay nên giữ nguyên điểm thi môn trắc nghiệm và chỉ làm tròn điểm tổng, không làm tròn điểm từng môn để đảm bảo sự công bằng.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng cần phải điều chỉnh qui định làm tròn điểm cho các môn trắc nghiệm, thậm chí nên để nguyên điểm thi môn trắc nghiệm thì sẽ có sự công bằng hơn.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-du-dieu-kien-tot-nghiep-can-lam-gi-590134.html