Nhận định ban đầu của cả giáo viên và thí sinh đều cho rằng đề thi 2 môn địa lý, sinh học tuy không mới nhưng nếu chỉ áp dụng những gì đã học một cách máy móc sẽ không đạt kết quả cao.

Dễ hơn đề thi học kỳ!

Vài năm gần đây đề thi địa lý bao giờ cũng có câu liên quan đến vấn đề biển đảo. Năm nay, phần này nằm ở câu III.1 với nội dung: “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo có ý nghĩa như thế nào?”.

 

Đề thi toán tốt nghiệp THPT 2013 | Đáp án đề thi | Đề không khó

 

Phần lớn thí sinh đều hài lòng với 4 môn thi sau 2 ngày thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thí sinh (TS) Thanh Phương tại hội đồng thi Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Em đoán rằng, đề năm nay chắc chắn sẽ cho ra một câu liên quan đến vấn đề biển đảo. Câu hỏi này không quá khó vì có trong phần lý thuyết trong sách giáo khoa”. Lê Thị Hồng Ân, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), chia sẻ: “Em cảm thấy đề năm nay rất hay. Với câu hỏi về biển đảo, em đã sử dụng thêm kiến thức nhờ xem báo đài. Em rất thích dạng đề này”. Ngọc Bích, cũng Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng nếu biết sử dụng Atlat tốt thì có thể làm được đến 40%. Phần còn lại là dạng đề mở, nên có thể vận dụng kiến thức để làm bài.

>> Xem thêm bài: Đáp án đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý

Hầu hết các TS tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đánh giá đề thi bám sát chương trình học, chỉ cần học bài kỹ và sử dụng Atlat hiệu quả là có thể hoàn thành tốt. Trần Nguyễn Phương Uyên cho biết: “Đa phần các câu hỏi đều nằm trong phần đã ôn tập. Câu III phần 1 rất hay vì ngoài những kiến thức được học trong chương trình, em phải kết hợp với kiến thức bên ngoài xã hội để suy luận”. Cùng quan điểm này, Nguyễn Thi Mỹ Chi (học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn) và nhiều TS khác cho rằng nội dung đề thi hay và mang tính thời sự khi có câu hỏi liên quan đến vấn đề biển đảo, an ninh quốc phòng. Đề ra bám sát chương trình nhưng đòi hỏi học sinh không chỉ học thuộc lòng lý thuyết mà còn phải biết vận dụng các kiến thức đã học mới làm được bài.

Tình hình tương tự với đề thi môn sinh. Các TS rời phòng thi với tâm lý nhẹ nhõm, tự tin. Hà Khuê, TS ở Đà Nẵng cho biết nếu biết vận dụng kiến thức thì đã có thể đạt 85%. Phần còn lại là bài tập, chỉ cần nhớ công thức là có thể giải quyết nhanh gọn đề thi này. Đa số TS đều cho rằng đề dài nhưng không quá khó. Thúy Nga, TS thi tại Trường THPT Tạ Quang Bửu (TP.HCM) cho biết: “Đề có 40 câu, nhưng em chỉ làm trong khoảng 45 phút là xong bài. Em dự đoán mình phải đạt từ 8 điểm trở lên”. Nhóm học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) khẳng định: “Yêu cầu của đề thi không cao, nếu so sánh với đề thi kiểm tra học kỳ của trường thì có phần dễ hơn”.

Không đơn thuần tái hiện kiến thức

Nhận xét về đề thi, giáo viên Vũ Như Thiên Hương (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền,  TP.HCM), cho biết: “Đề phân hóa tốt và tương đối dễ nhưng lại hay. Đề năm nay yêu cầu học sinh phải hiểu bài mới có thể làm được. Đối với những TS học vẹt, sẽ gặp nhiều khó khăn trong lúc làm bài. Đáng nói, trong câu hỏi về phần biển đảo, nhiều TS có thể dễ dàng lấy điểm. Đối với những TS có kiến thức tốt về xã hội, thời sự vẫn có thể làm được bài”. Ông Đặng Duy Định, giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhận định: “Lối ra đề không mới, đề thi yêu cầu TS vận dụng nhiều hơn chứ không đơn thuần là tái hiện kiến thức. Tuy nhiên qua đề thi này rút ra bài học cho quá trình ôn tập của học sinh là không nên học trọng tâm vì đa số giáo viên chú ý ôn cho học sinh nội dung về 7 vùng kinh tế”.

Về đề thi môn sinh, ông Nguyễn Thái Định, giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn (TP.HCM), nhận xét: “Đề thi phù hợp ở mức phổ thông, cân bằng giữa lý thuyết và bài tập. Khi làm bài TS không cần suy luận nhiều. So với đề thi của 2 năm trước thì yêu cầu đề năm nay có nâng cao hơn. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt điểm 7”.

>> Xem bài: Đáp án đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học



Đề phân hóa tốt và tương đối dễ nhưng lại hay. Đề năm nay yêu cầu học sinh phải hiểu bài mới có thể làm được. Đối với những TS học vẹt, sẽ gặp nhiều khó khăn trong lúc làm bài.

Vũ Như Thiên Hương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM

 

Thông tin cần biết thêm:

 

Tin bài gốc: thanhnien

Kenhtuyensinh

Theo: thanhnien