Bộ GD-ĐT cấm ra bài tập cho học sinh (HS) tiểu học, cô giáo ra bài tập “trá hình” bằng các dạng bài “đọc trước”, “xem lại”...

Bộ thay chấm điểm bằng nhận xét, giáo viên chuyển sang dùng thang điểm A, A+, A, B, C hay ngôi sao, bông hoa, mặt cười.

Bộ cấm dạy thêm, học thêm nhưng giáo viên vẫn nhắc nhở phụ huynh cho con đi luyện chữ vì viết chậm, học toán vì tính kém, phụ huynh không cho con đi học thêm, học trước chương trình cũng không được.

Đó là những than thở của khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 tại TP.HCM.

Choáng vì con “chậm tiến”

Bé Thanh N. đang là HS lớp 1 tại một trường “điểm” ở Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Lịch học của bé không hề kém cạnh một HS cấp trung học nào: 6g dậy làm vệ sinh, đến trường ăn sáng và học ở trường cả ngày; 16g30 ăn vội vàng thứ gì mẹ mua sẵn dọc đường rồi di chuyển từ trường tới lớp học thêm do cô giáo chủ nhiệm tổ chức tại một căn nhà thuê chỉ cách trường vài chục mét; 18g30 về nhà, nghỉ ngơi, tắm rửa rồi lại ngồi vào bàn tập viết. Nếu là thứ ba, thứ năm thì có gia sư đến nhà dạy kèm bé từ 18g-20g.

Nỗi khổ của giáo viên khi dạy học sinh lớp 1

Không ít HS lớp 1 phải học ba ca/ngày mới theo kịp chương trình, đặc biệt là những HS chưa được học trước khi vào lớp 1 - Ảnh: Như Hùng

Mẹ của bé, chị Nguyễn Thị Phương Thanh, cho biết hiện bé không theo kịp các bạn trên lớp (đọc, viết chậm, làm toán chậm) nên ngoài việc học thêm ở nhà cô giáo, mới đây chị phải thuê gia sư đến nhà kèm cho con hai buổi/tuần, mỗi buổi hai giờ thì bé mới theo kịp chương trình học ở trường.

Chị Thanh tâm tư: “Hồi trước tôi tin rằng con sẽ học tốt vì thấy cháu lanh lẹ, thông minh, ngôn ngữ phát triển tốt, rồi nghe báo đài về việc không nên cho con học trước chương trình nên cháu như tờ giấy trắng khi vào trường, nhưng đến khi cô giáo cho biết con mình không biết đọc, viết chính tả sai và gợi ý cho bé học thêm tôi mới giật mình."

"Nếu không học trước làm sao chỉ trong ba tháng đầu khi bước chân vào lớp 1 con tôi có thể đọc, nhớ, phân biệt được những vần uôn, ươn, uông, ương, ưu, ươu là những vần cả người lớn cũng thấy khó, và bé còn phải chép những lời dặn dò của cô trên bảng dù còn chưa thuộc hết các cách ghép vần...”.

Không được dạy con?

Năm sau, con chị Nguyễn Hồng (Q.Phú Nhuận) mới vào lớp 1. Cũng giống như nhiều bà mẹ có con sắp vào lớp 1, chị loay hoay tính toán việc có nên cho con học trước hay không.

Chị kể: “Tôi cũng quyết tâm theo đúng chủ trương cho con học chữ đúng tuổi, đúng chương trình, không muốn đánh mất tuổi thơ của cháu nhưng nghe bạn bè, đồng nghiệp kể một loạt trường hợp con cháu họ sợ đi học, vất vả và tự ti chỉ vì không biết đọc, biết viết khi vào lớp 1, ý định không cho con học trước giờ lung lay lắm”.

Chị Hồng đã mượn sách vở của đồng nghiệp có con học lớp 1 để tham khảo và giật mình vì độ khó của chương trình và bài tập tiếng Việt.

“Tôi nhớ ngày trước tôi học lớp 1, học kỳ một chỉ làm quen bảng chữ cái, dấu và những từ, vần đơn giản nhất chứ đâu có tới những cụm từ bầu rượu, bầy khướu, sửa cán xẻng, ễnh ương, bay lượn trên trời, địu con lên nương, nắng chiếu chênh chếch... như học kỳ một của trẻ bây giờ, đọc sách tiếng Việt lớp 1 bây giờ, tôi choáng váng”.

Sau khi dành khá nhiều thời gian tham khảo sách vở cho con, chị kết luận: “Xem sách lớp 1, tôi thật sự thương con bởi học kiểu này đứa trẻ nào cũng có khả năng cận thị, còng lưng. Cách viết hiện nay khác xa ngày trước, như chữ “ô” có chiều cao 2 ô ly, chiều ngang 1,5 ô ly, nét đầu tiên khi viết chữ ô phải bắt đầu từ 1/4 đường chéo của ô thứ hai từ trái qua và từ trên xuống và phải viết ngược theo kim đồng hồ."

"Một ô ly bé tí như thế, bé phải canh sao cho đúng 1/4 chiều dài của đường chéo để viết cho chính xác thì thật kinh khủng. Rồi nét khuyết trên, nét khuyết dưới (của những chữ y, g, h, k...) đều phải kéo dài 3 ô ly, chứ không phải 2 ô ly như chúng ta học trước kia, tỉ lệ, khoảng cách giữa các chữ cũng khác, các bé phải căn ke thật tỉ mỉ mới viết đúng được”.

Cùng mối quan tâm, anh Hữu Quyết (có con đang học một trường tiểu học ở Q.12) cho biết: “Với chương trình như hiện nay, thậm chí cô giáo yêu cầu phụ huynh không nên tự dạy con học theo những kinh nghiệm đã cũ của mình và cũng không nên thuê gia sư là sinh viên, vì chỉ có cô giáo tiểu học mới dạy được chính xác theo chương trình, nếu phụ huynh dạy sai cho con, cô sẽ rất khó sửa”.

“Có nghịch lý không khi chúng tôi có người là cử nhân, người là thạc sĩ chuyên ngành ngữ văn, ngôn ngữ từ những trường đại học tên tuổi nhưng lại không dạy được con mình về đọc - viết lớp 1? Cha mẹ là người hiểu đứa trẻ nhất, từ tâm tính, thói quen và cách tiếp thu của trẻ để hướng dẫn con học tốt nhất. Nhưng thử hỏi có mấy phụ huynh dạy học cho con mà không kêu trời vì chương trình quá lạ, quá khó như hiện nay” - một phụ huynh tại Q.3 chia sẻ.

Hoang mang với sách “dạy trước lớp 1”

Nhiều phụ huynh cảm thấy choáng giữa một rừng sách dạy viết, làm toán, ghép vần, tập tô chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 đang bán tràn lan ở các nhà sách.

Tại nhà sách Phương Nam (Q.Gò Vấp), chị Lam - phụ huynh có con 5 tuổi - ngỡ ngàng trước một rừng hàng trăm đầu sách, vở dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 và không biết mua cuốn nào cho đúng, như Giúp bé làm quen với toán, Bé vui học toán 1, Bé tập tô chữ, Bé tập ghép vần...

Lựa những cuốn có ghi “biên soạn theo chương trình giáo dục mầm non mới và luyện viết theo mẫu chữ mới theo quyết định 31/2002 của Bộ GD-ĐT”, chị càng rối hơn bởi trẻ mầm non đã phải tập viết những chữ quá khó như ngh, ươu, uông, iêng...

Khảo sát một số nhà sách, chúng tôi thấy hàng loạt sách tham khảo dành cho phụ huynh lớp 1 được bày bán, tuy nhiên chỉ một số ít được đầu tư và là của nhà xuất bản uy tín, số còn lại được in trên loại giấy khá mờ, có cuốn thiếu trang, dạy sai kiến thức hoặc dạy kiến thức không chuẩn.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141122/kho-nhu-phu-huynh-lop-1/674997.html