Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 2/11, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Để ứng phó với bão Damray, UBND tỉnh Khánh hòa đã ra công điện khẩn, yêu cầu các huyện, thị, thành phố: theo dõi chặt chẽ diễn biến, tăng cường thông tin về diễn biến bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra; rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai (PCTT).
Trong đó đặc biệt lưu ý chỉ đạo kiểm tra việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các địa điểm tránh trú bão; chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ảnh hưởng gió mạnh do bão gây ra đến nơi an toàn, không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão to gió lớn.
Bố trí lực lượng chốt chặn, kiến quyết không để người dân qua lại tại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm khi có mưa lũ lớn, ngập lụt xảy ra. Thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết, sắp xếp để trở vào bờ khi bão tới.
Ngoài những biện pháp, phòng tránh, ứng phó thiên tai UBND Khánh Hòa còn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 3 đến hết ngày 5/11, có kế hoạch bố trí học bù vào thời gian thích hợp.
Tỉnh này cũng yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng điện thực hiện phương án đảm bảo cấp phát điện trong các ngày diễn ra bão; thường xuyên kiểm tra và sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng của các công trình điện; chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn sàng cung cấp cho các vùng chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ; quản lý tốt thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa trong thời gian bão, mưa lũ xảy ra.
Riêng các đơn vị quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, xả lũ trước để hạ mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Trước đó, dù chỉ bị ảnh hưởng rìa áp thấp nhiệt đới gần bờ nhưng Khánh Hòa đã hứng mưa và gió lớn gây thiệt hại nặng về kinh tế. Đặc biệt, toàn huyện Vạn Ninh bị ngập úng hơn 880ha lúa vụ mùa; tỏi bị cuốn trôi 5ha; mía bị ngã đổ 70ha; kênh mương bê tông bị sập 553m, đất đá cuốn trôi khoảng 600m3; đường giao thông bị sạt lở khoảng 500m; sập 1 vách nhà ở; ngập cục bộ hơn 110 nhà dân, nước ngập từ 20cm đến 70cm.
Theo Đời sống & Pháp lý