Khai giảng đại học cũng quá khổ

Rất mong những đổi thay từ phía các trường phổ thông sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực đến các trường đại học, để ngày lễ trọng đại và hạnh phúc nhất trong một năm học không còn là buổi tra tấn bởi sự vô cảm, sự rập khuôn máy móc, trọng hình thức nữa...

Khá lâu rồi lễ khai giảng của trường tôi tuy gọn nhẹ nhưng cũng rất trang trọng khiến người tham dự hết sức vui vẻ, phấn chấn. Theo năm tháng, cùng với quy mô lớn dần lên về nhiều mặt, trường tôi cũng bắt kịp với “trào lưu xã hội” về khoản... tổ chức hình thức lễ lạt. Sự rình rang, nhiêu khê của lễ khai giảng trong những năm gần đây tăng lên bội phần so với khi xưa.

Nếu diễn đạt bằng từ “sợ” thì e hơi nặng lời, nhưng quả thật nhiều cán bộ giảng dạy chúng tôi rất ngại phải dự lễ khai giảng. Thay vì hân hoan đi dự một buổi lễ vừa trọng đại, vừa thiêng liêng thì hầu hết chúng tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ bắt buộc...

Buổi sáng khai giảng, việc đầu tiên là cán bộ đi dự phải đến điểm danh ở bốn, năm chiếc bàn do cán bộ phòng tổ chức kê và cử người túc trực ở sảnh bằng cách ký tên vào danh sách các khoa đã gửi lên trước đó. Việc này rất quan trọng. Vì ai có tên mà không đi sẽ bị lưu lại và sau đó phòng tổ chức sẽ gửi xuống đơn vị trong dịp tổng kết năm.

Đến giờ theo thông báo thì tiếng loa vang lên nhiều lần yêu cầu mọi người vào hội trường. Những vị có chức sắc thường tự giác lên các hàng ghế đầu, còn lại thì ban tổ chức hết dùng micrô lại cử người trực tiếp nhắc nhở, lùa mọi người lên cho kín các hàng ghế còn trống phía trên.

Phần lớn thầy cô muốn ngồi khoảng giữa và gần cuối để tiện bề nói chuyện riêng, lén đọc sách báo (giấy và điện tử), nhắn tin và ngủ gật! Không chọn ngồi đầu nhưng nhiều người cũng không muốn ngồi cuối vì chỗ đó là cửa ra vào, cán bộ tổ chức đã bố trí người làm nhiệm vụ ngăn không cho người ta bỏ ra ngoài nhiều quá.

Trong nhiều bài “tố khổ” của các giáo viên phổ thông đều thấy nói đến việc học sinh phải dài cổ để chờ quan khách. Có ai nghĩ ở trường đại học không có tình trạng này?

Không khác lắm đâu. Chỉ có điều ở trường tôi thì thời gian chờ đợi được trám bằng chương trình văn nghệ của sinh viên. Nếu khách quan trọng đến muộn thì đã có các tiết mục lấp chỗ trống bằng những bài hát quen thuộc, các em không cần phải chuẩn bị trước. Chả gì thì "cấp IV" cũng phải linh hoạt hơn các cấp dưới chứ (!).

Sau màn chào cờ và hát quốc ca là màn kính thưa được diễn ra tưởng như bất tận. Tôi chắc nỗi khổ của học sinh các trường phổ thông không thấm tháp gì so với cán bộ, sinh viên của trường tôi khi phải vỗ tay chào mừng khách.

Tiếp theo như thông lệ, chúng tôi lại được nghe bài diễn văn mà nhiều giáo viên khẳng định nó được sử dụng cho vài nhiệm kỳ của hiệu trưởng và vài đời hiệu trưởng. Cũng vẫn là bài đó khi được trang trọng đọc vào các dịp khác như hội nghị công nhân viên chức, đại hội công đoàn, tổng kết năm học...

Có khác chăng chỉ là ở vài con số dữ liệu và vài lời đưa đẩy cho đúng với bối cảnh và có thể là người đọc khác nhau. Khai giảng là dịp để “quan trên trông xuống, người ta trông vào” nên khỏi nói về độ dài thành tích đã đạt được và sự hoành tráng của mục tiêu mà nó hướng tới có trong bài diễn văn...

Tiếp đến là các ban ngành đoàn thể lần lượt lên chiếm diễn đàn. Cũng hết sức dài dòng về thành tích cùng những quyết tâm trong năm học mới. Một mục không thể thiếu được là nghe lời huấn thị từ các vị khách. Vẫn những gạch đầu dòng giống nhau trong các bài phát biểu từ những năm trước, khiến người nghe có cảm nhận là tuy khách đến dự lễ khai giảng khác nhau nhưng họ đều dựa vào nội dung của một tài liệu nào đó biên soạn sẵn...

Rồi đến mục trao các phần thưởng cho cán bộ và sinh viên có thành tích. Có những cá nhân lên xuống bục vài lần để nhận phần thưởng cho mình hay cho đơn vị mình...

Cuối cùng thì sau 4 - 5 giờ, buổi khai giảng cũng được kết thúc với sự thở phào của người dự...

“Tôi nói sắp xong rồi”

Nhân đây xin nói thêm về không khí trong buổi khai giảng của những người ngồi dưới. Chả riêng gì các học sinh ở trường phổ thông cần đến sự nhắc nhở giữ trật tự trong buổi lễ trọng đại ấy đâu.

Trường tôi cũng có đội ngũ trật tự viên, chủ yếu là cán bộ của phòng tổ chức cán bộ. Họ chia nhau đi vãn hồi trật tự những khi ở dưới các thầy cô nói chuyện to quá. Cách đây dăm, bảy năm, có vị đang phát biểu thấy ở dưới mất trật tự quá bèn nhắc: “Các đồng chí trật tự, tôi nói sắp xong rồi” khiến hội trường rộ lên tiếng cười!

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc/20150915/khai-giang-dai-hoc-cung-qua-kho/969192.html