>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Có đến 60% học sinh tại TPHCM khi được hỏi cho biết chọn ngành, nghề khi thi đại học, cao đẳng theo cảm tính. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng lao động trong tương lai mà còn gây lãng phí lớn cho xã hội.

Nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

Hướng nghiệp cho học sinh để lựa chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. Ảnh: VGP/Thanh Thủy Theo các cuộc khảo sát hằng năm của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), chỉ có 20% học sinh hiểu biết tương đối đầy đủ về ngành sẽ chọn học, 75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Trao đổi về vấn đề này, ThS Hồ Phụng Hoàng, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ĐH Quốc tế RMIT, cho biết, thực trạng của việc chọn nghề trong học sinh đáng báo động bởi các kiến thức về nghề nghiệp còn quá ít và thiếu. Thậm chí nhiều em còn chưa xác định được ngành nghề nào mà mình yêu thích.

Nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh 12

Nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

Cô Lê Thị Mai, giáo viên trường THPT Hàn Thuyên, TPHCM chia sẻ: Hầu hết các học sinh khi bước vào lớp 10 có rất nhiều ước mơ nhưng khi chọn nghề lại theo hướng khác. Phần lớn định hướng nghề nghiệp của các em xuất phát từ gia đình, theo bạn bè, theo xu thế chung của xã hội chứ không xuất phát từ khả năng, năng khiếu và đặc biệt chưa chú ý tới sự đam mê nghề của từng cá nhân.

"Nhiều em cứ nghĩ là học quản trị kinh doanh là ra làm sếp, hoặc nói là thích ngành du lịch nhưng không hiểu công việc của ngành này là như thế nào, những vị trí như là tài xế, tiếp viên, nhân viên phục vụ….làm trong các công ty du lịch thì cũng gọi là ngành du lịch. Trong khi đó, giáo viên hướng nghiệp ở các trường chủ yếu là kiêm nhiệm, hướng dẫn thêm cho các em nhưng kiến thức và hiểu biết cũng rất mơ hồ”, cô Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thường “vẽ” sẵn đường cho con mình đi vì không tin tưởng sự lựa chọn của con mình.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh, cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TPHCM, chính tư duy như trên của đa phần học sinh và phụ huynh đã dẫn đến tình trạng dư thừa hàng chục ngàn sinh viên có chuyên ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh trên cả nước trong 2 năm vừa qua.

Nâng cao năng lực hướng nghiệp cho giáo viên

Để đạt được mụa tiêu từ nay đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau THCS đi học nghề, 100% lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp, trong đó 50% có trình độ trung cấp trở lên, Sở GDĐT TPHCM đã đưa hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là một trong những chương trình trọng điểm của ngành giáo dục Thành phố.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc FALMI, để hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả cần có sự kết hợp giữa hoạt động giáo dục, thông tin và kỹ năng nghề. Nhà trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp phải làm sao kích thích sự hứng thú của học sinh theo học các ngành nghề mà địa phương và xã hội đang cần. Học sinh phải tự đánh giá, kiểm nghiệm năng lực bản thân, khả năng kinh tế gia đình để tham gia vào thị trường lao động một cách phù hợp. Đồng thời, phải kêu gọi được sự hỗ trợ từ gia đình học sinh, các đơn vị giáo dục liên quan, các công ty doanh nghiệp… nhằm tăng tính thực tế và hiểu biết cho học sinh.

>>Khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học

Trong đó, bản thân các giáo viên, cán bộ quản lý cần được trang bị kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của học sinh. Xây dựng và thực hiện các chương trình hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với từng thể lực và năng khiếu cá nhân…

Học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế

Từ năm học 2013-2014, học sinh ở TPHCM sẽ được truy cập các thông tin về nghề nghiệp thông qua cổng thông tin www.huongnghieptphcm.edu.vn vừa được Sở GDĐT đưa vào hoạt động tháng 6/2013. Ngoài ra, Sở GDĐT TPHCM còn phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi nhà Xanh để xây dựng dự án hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Từ đây, các trường học sẽ có thể kết nối với các doanh nghiệp tổ chức các chuyến hướng nghiệp thực tế cho học sinh và giáo viên để tìm hiểu kiến thức về các quy trình sản xuất, học tập ngoại khóa, giao lưu với các chuyên gia, kỹ sư từ đó giúp các em có những định hướng đúng đắn về nghề nghiệp trước khi chọn nghề.

Dự án này cũng sẽ xây dựng, biên soạn và cung ứng tài liệu, giáo trình hướng nghiệp cho các cơ sở giáo dục nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến các ngành nghề cho học sinh.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, cho biết đây là một dự án có tính khả thi rất cao vì nội dung khá đồng bộ và chuyên nghiệp giúp cung cấp kiến thức thực tế tốt cho học sinh. Trong khi ngân sách Nhà nước còn phải chi cho nhiều các hoạt động cần thiết hơn cho các hoạt động giáo dục thì đây là phương án tốt để các nhà trường, ngành giáo dục Thành phố tập trung vào chương trình hướng nghiệp cho học sinh.

Đồng thời, dự án này sẽ là một bước tiến mới giúp gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cao cho xã hội.

Theo baodientu.chinhphu