Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA): Bất ngờ dễ hiểu

Xếp thứ 17 trên 65 nước và vùng lãnh thổ trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh phổ thông VN dường như đã gây bất ngờ cho cả người làm giáo dục trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, kết quả này không hề gây ngạc nhiên. Lý do: với lịch học chính khóa và học thêm dày đặc như ở VN, cộng với chương trình khá nặng, và chương trình tập huấn, chuẩn bị chỉn chu cho kỳ thi, thậm chí đã tổ chức thi thử trước đó một năm thì việc đạt kết quả như vậy là hiển nhiên.

Kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA: Việt Nam chỉ nên vui nhẹ

Kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA: Việt Nam chỉ nên vui nhẹ

Học để thi

Giáo dục VN có trọng tâm là học để thi. Toàn bộ guồng máy giáo dục vận hành để phục vụ một mục tiêu duy nhất là thi cử. Thi từ khi vào lớp 1, thi vào lớp 6, thi vào lớp 10, thi lên đại học. Kỳ thi nào cũng căng thẳng và cạnh tranh. Nên kết quả kỳ thi PISA này chúng ta thấy học sinh VN học giỏi, rất giỏi, chứ chưa chắc đã giỏi theo cách hiểu của quốc tế. Điều này cũng phù hợp với văn hóa châu Á nói chung khi các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều đạt thứ hạng rất cao. Nếu để ý kỹ hơn, bảy nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu kỳ thi này đều là các nước hoặc vùng lãnh thổ có nền giáo dục truyền thống Nho giáo, bất chấp trình độ phát triển thật sự của các nước này chỉ bằng hoặc thấp hơn khối Âu - Mỹ.

Điều đó cho thấy truyền thống học để thi, đặc trưng cơ bản nhất của cái học trong truyền thống Nho giáo, có ảnh hưởng quyết định đến thứ hạng của kỳ thi này. Nhưng trong số các nước và vùng lãnh thổ của Nho học truyền thống, VN đứng hạng cuối cùng, tách biệt những 10 bậc. Vì thế, thứ hạng cao của VN cũng không nên lấy làm mừng. Kể cả khi đạt thứ hạng cao nhất như Trung Quốc cũng không nên lấy đó làm vui. Thoát khỏi nền giáo dục Trung Quốc để đi du học ở các nước có thứ hạng PISA thấp hơn, hằng năm vẫn là mơ ước của hàng triệu gia đình người Trung Quốc.

Giỏi nhưng làm việc... kém

Với việc đánh giá ba môn toán, khoa học và đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. So với các đề xuất của UNESCO: học để biết, học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác, thì những nội dung đánh giá của PISA chỉ nhắm vào một phần nhỏ của học để biết, mà chưa xét đến các khía cạnh khác của việc học.

Việc đánh giá chỉ nhắm vào học sinh 15 tuổi cũng là một hạn chế của PISA. Với lứa tuổi này, các em vẫn chưa được coi là trưởng thành. Kiến thức của các em còn rất xa mới đáp ứng được đòi hỏi của mọi lĩnh vực đời sống thực tế: kinh doanh, quản trị, văn hóa, nghệ thuật... Vì thế, nếu có một kỳ thi tương tự PISA nhưng đánh giá ở lứa tuổi trung bình cao hơn, ví dụ lứa tuổi 20 dành cho sinh viên các trường đại học, hoặc dành cho nhóm người đang là lao động chủ lực của nền kinh tế, 30 tuổi chẳng hạn, thì chắc chắn kết quả sẽ thấp hơn rất nhiều.

Điều này được gián tiếp xác nhận bởi tình trạng sinh viên VN ra trường không làm được việc, nếu đi du học thì gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các đòi hỏi của nền giáo dục tiên tiến: phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thực hành tốt...

Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2012, năng suất lao động của người VN thấp hơn Mỹ khoảng 20 lần. Có điều gì bất hợp lý ở đây khi học sinh ta học giỏi hơn họ mà năng suất làm việc lại kém họ đến 20 lần? Như vậy cái giỏi của ta có phải chỉ là giỏi học, giỏi thi chứ không phải là giỏi làm việc. Và cái học của ta cũng chỉ nhằm để đi thi chứ không phải để làm việc. Vì thế, ngay cả với việc đánh giá thế nào là giỏi cũng cần phải xem xét lại.

Vậy nên với kết quả thi PISA như vậy, Việt Nam chỉ nên vui nhẹ. Nếu tự ru ngủ bởi kết quả này, giáo dục sẽ đánh mất cơ hội tự đánh giá lại mình và bỏ qua nhu cầu bức thiết phải cải cách để phát triển.

TS GIÁP VĂN DƯƠNG

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Không phải đánh giá toàn diện

PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học mà chỉ tập trung vào ba năng lực toán, đọc hiểu và khoa học. Việc ta xếp thứ 17 chỉ là trong phạm vi đánh giá của PISA chứ không phải đánh giá toàn diện. Vì hiện chưa có một “thước đo” tương tự như PISA đánh giá năng lực toàn diện của người học. Nhưng dù chưa có, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nếu đánh giá toàn diện năng lực người học thì VN còn yếu. Việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà chúng ta đang hướng tới cũng đặt ra những giải pháp để khắc phục cái yếu này.

Cái được khi tham gia PISA là được đặt mình vào cùng một thước đo chung với các nước. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên cần biết mình đang ở đâu, biết được học sinh mình có thể hội nhập hay không trong điều kiện thế giới phẳng, giao lưu về lao động và công nghệ? Nếu mình không đáp ứng được nghĩa là không hội nhập được. PISA góp phần trả lời cho học sinh chúng ta đang ở mức nào, yếu ở đâu, cần bổ sung gì?

Lâu nay thi, kiểm tra đánh giá từng người học chứ không đánh giá được đơn vị, địa phương, cả nước tốt ở chỗ nào, yếu chỗ nào về chất lượng và có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng. Tham gia PISA sẽ giải quyết được điều đó. Từ phân tích kỹ báo cáo của PISA, để xem những nguyên nhân ảnh hưởng để cải thiện điều kiện làm giáo dục, phù hợp với đất nước, với vùng miền để nâng cao chất lượng.

Theo tác giả Vĩnh Hà, Báo tuổi trẻ Online, Xem tin gốc:  http://tuoitre.vn/Giao-duc/583856/ket-qua-danh-gia-hoc-sinh-quoc-te-pisa--bat-ngo-de-hieu.html